Đối với người nộp thuế

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 37 - 40)

i: Năm đánh giá

2.1.5.2.Đối với người nộp thuế

Như đã đề cập ở trên, một trong những mục tiêu mà dịch vụ thuế hướng đến (cả dịch vụ thuế công và dịch vụ thuế tư) đó là nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế. Và như vậy, để đánh giá chất lượng và hiệu quả của dịch vụ thuế, đồng thời để tránh những trở ngại do đặc tính vốn có của dịch vụ nói chung, chúng ta nhìn nhận vấn đề này thông qua việc đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế. Trên thế giới hiện nay các cơ quan thuế sử dụng khá nhiều phương pháp đo lường và đánh giá mức độ tuân thủ. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia, cơ quan thuế có thể lựa chọn các giải pháp đo lường cho phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp đang được áp dụng phổ biến tại nhiều nước phát triển trên thế giới.

(i) Phương pháp thống kê

Trên cơ sở các dữ liệu thống kê sẵn có, cơ quan thuế xây dựng các chỉ tiêu để phân tính và đánh giá. Các chỉ tiêu sẽ được quan tâm sử dụng như: Tỷ lệ số tờ khai đúng hạn; Tỷ lệ các khoản nợ thuế được thanh toán đúng hạn; Tỷ lệ số tiền bị truy thu so với số đã kê khai với cơ quan thuế,...

Phương pháp thống kê có ưu điểm là sử dụng được các dữ liệu sẵn có và dễ dàng cho việc triển khai xây dựng các ứng dụng phục vụ cho hoạt động phân tích của cơ quan thuế. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là các chỉ tiêu thống kê chỉ được xây dựng dựa trên những dữ liệu sẵn có nên chưa phản ánh được một cách tổng thể và chính xác tình hình tuân thủ của người nộp thuế. Chẳng hạn như việc đo lường với chỉ tiêu tỷ lệ số tờ khai đã nộp so với tổng số tờ khai phải kê khai (Với các quốc gia có quy định ngưỡng thu nhập phải kê khai thuế, rất khó kiểm soát được số lượng tờ khai phải kê khai là bao nhiêu). Thông thường với các chỉ tiêu như này, cơ quan thuế có thể đưa ra dự báo số lượng tờ khai phải kê khai thông qua các điều tra, khảo sát hoặc dựa trên số liệu của các cơ quan có liên quan như ngân hàng, cơ quan chi trả thu nhập,...

Cơ quan thuế thường thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên các tờ khai trong dữ liệu của mình, trên cơ sở đó sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá về tờ khai có được nộp đúng hạn không, có được kê khai đầy đủ, trung thực không, tờ khai có bị mắc các lỗi kê khai không, lỗi kê khai nào thường mắc phải,... Để đảm bảo tính chính xác cho kết quả thực hiện, cơ quan thuế phải đảm bảo được 2 yêu cầu: Việc lựa chọn tờ khai là hoàn toàn ngẫu nhiên và việc phân tích mẫu lựa chọn phải thật kỹ lưỡng, triệt để. Phương pháp này được cho là có tính khoa học và độ chính xác cao nhưng cũng có nhiều nhược điểm là chi phí thực hiện cho hoạt động thanh tra, kiểm tra này không nhỏ vì để đảm bảo tính đại diện, số lượng mẫu được lựa chọn so với tổng thể phải tương đối lớn.

(iii) Phương pháp phân tích báo cáo tài chính

Phương pháp này được áp dụng để dự báo khả năng xảy ra trường hợp một hoặc một nhóm người nộp thuế không tuân thủ pháp luật thuế thông qua việc so sánh, phân tích một số nội dung trên báo cáo tài chính của người nộp thuế, cụ thể như sau:

- Phân tích theo chiều ngang: So sánh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính qua các năm, qua đó xác định được xu hướng thay đổi ổn định và tìm ra những vấn đề rủi ro trong việc xác định số thuế phải nộp.

- Phân tích theo chiều dọc: Xác định tỷ lệ của các chỉ tiêu trên báo cáo với tổng số, sau đó so sánh với mức bình quân chung của ngành để đánh giá rủi ro có thể có đối với với từng chỉ tiêu trên báo cáo tài chính.

Khi thực hiện phương pháp này, thường có sự khác biệt giữa số liệu thu nhập trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp và thu nhập phải chịu thuế do cơ quan thuế xác định. Điều này xảy ra có thể do sự không đồng nhất giữa quan niệm về thu nhập giữa kế toán và thuế. Tuy nhiên, đây cũng là một phương pháp rất hiệu quả để đánh giá mức độ trung thực của người nộp thuế trong việc kê khai thuế.

- Điều tra, khảo sát: Cơ quan thuế có thể phối hợp với các đơn vị, tổ chức khác thực hiện điều tra, khảo sát về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Phương pháp này có ưu điểm là tiếp cận được với một số lượng lớn người nộp thuế và cũng cho thấy được trình độ hiểu biết, thái độ tuân thủ cũng như những vấn đề khó khăn của người nộp thuế để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên số liệu thu thập được và độ tin cậy với các số liệu thu được qua điều tra, khảo sát phụ thuộc rất nhiều vào cách thức xây dựng các bảng câu hỏi và cách thức tổ chức điều tra, khảo sát.

- Quan sát trực tiếp: Trường hợp thu thập được những số liệu tin cậy và xác định được khá chính xác số thuế phải nộp của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện so sánh số dự tính với số kê khai của người nộp thuế để đánh giá mức độ trung thực trong việc kê khai của họ. Phương pháp này có tính xác thực rất cao, tuy nhiên khó có thể áp dụng rộng rãi được do khó khăn về việc khai thác và kiểm soát các nguồn thông tin cung cấp.

- Xây dựng mô hình phân tích: Thông qua việc tổng hợp các số liệu, chỉ tiêu liên quan đến tính tuân thủ của người nộp thuế qua nhiều năm, cơ quan thuế có thể xây dựng các ngưỡng giới hạn đối với các số liệu, chỉ tiêu này. Các trường hợp số liệu kê khai, tính toán vượt các ngưỡng giới hạn này được coi là có nhiều nguy cơ không đảm bảo tuân thủ pháp luật thuế.

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 37 - 40)