Sở giao dịch hàng hóa Singapore ( SICOM)

Một phần của tài liệu Một số giải pháp Marketing nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung Tâm Giao Dịch Cà Phê Buôn Ma Thuột (Trang 72 - 75)

7 Bố cục của đề tài

2.5.2 Sở giao dịch hàng hóa Singapore ( SICOM)

Sở giao dịch hàng hóa Singapore ( SICOM) là công ty con của Sở giao dịch Singapore (SGX) từ tháng 6/2008. SICOM kinh doanh hợp đồng giao sau của các loại hàng hóa: cao su, vàng và cà phê.

SICOM chính thức ra mắt hợp đồng giao dịch cà phê giao sau vào ngày 22/4/2010. Việc đưa hợp đồng giao sau vào giao dịch nhằm mục đích thiết lập kênh tham chiếu giá cà phê Robusta cho các quốc gia sản xuất cà phê lớn như Việt Nam, Indonesia và nhiều nhà xuất khẩu, kinh doanh cà phê khác ở châu Á. Mặc dù đã có nhiều nổ lực trong hoạt động nâng cao hiệu quả của thị trường giao sau cà phê như xây dựng kho ngoại quan tại Singapore cũng như tp. Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao nhận hàng thực; tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu, tuyên truyền tại Việt Nam, Indonesia, và Singapore nhưng từ khi niêm yết trên sàn đến đầu năm 2011, số lượng hợp đồng cà phê giao sau của SICOM giao dịch không đáng kể. Một trong những lý do dẫn đến việc hoạt động không hiệu quả của giao dịch hợp đồng cà phê giao sau tại SICOM là:

- Phân khúc mà SICOM hướng đến là các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam, Indonesia sang thị trường Singapore, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Singapore, các nhà đầu tư có kinh nghiệm hoặc những nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận. Do đó SICOM chỉ tổ chức một số các hoạt động hội thảo, tuyên truyền tại Indonesia, Singapore và Việt Nam nhắm đến những đối tượng trên mà chưa tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến các đối tượng khác. Điều này đã hạn chế số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia giao dịch trên sàn.

- Singapore không có lợi thế trong sản xuất cà phê, cũng như không phải là nơi tiêu thụ cà phê lớn của thế giới. Thêm vào đó hợp đồng giao sau ra đời muộn trong khi các nhà nhập khẩu tại Singapore, cũng như ở châu Á đã quen giao dịch hợp đồng giao sau trên sàn Luân Đôn, New York và một số các quốc gia sản xuất, xuất nhập khẩu cà phê lớn tại châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ đã tổ chức hoạt động mua bán hợp đồng giao sau tại sàn giao dịch hàng hóa của quốc gia mình.

- Hợp đồng cà phê giao sau của SICOM mang lại lợi ích không mấy khác biệt so với các hợp đồng giao sau của các sàn giao dịch khác trên thế giới nên không thu hút các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường này.

Vì hoạt động không hiệu quả nên hợp đồng cà phê giao sau đã ngưng giao dịch trên sàn SICOM vào đầu năm 2011 và được chuyển sang sàn SGX với mục đích nhằm đưa hợp đồng này đến đông đảo các nhà đầu tư trên thế giới. Hợp đồng giao sau cà phê niêm yết hiện tại trên sàn SGX có nhiều thay đổi như không đưa ra quy định hạn chế các nhà đầu tư, giảm khối lượng hợp đồng, xây dựng thêm cơ sở kiểm tra, phân loại chất lượng cà phê tại Việt Nam... Bên cạnh những sự thay đổi này còn cho thấy SGX không chỉ hướng đến các nhà xuất nhập khẩu cà phê, các nhà đầu tư trong nước, tại châu Á mà còn hướng đến thị trường toàn cầu khi tăng thời gian giao dịch để trùng với giờ làm việc của các ngân hàng ở các nước châu Âu. Nhưng hiện nay tình hình giao dịch hợp đồng cà phê giao sau trên sàn SGX vẫn chưa được cải thiện.

Kết luận chương 2

Thị trường cà phê Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc: sản lượng sản xuất và xuất khẩu, giá trị xuất khẩu,...gia tăng nhanh chóng; đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là rủi ro gây ra cho đối tượng sản xuất, kinh doanh cà phê khi giá cả biến động, cũng như khi mua bán qua phương thức truyền thống, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam. Ngoài ra các tổ chức, cá nhân kinh doanh cà phê có nhu cầu sử dụng hợp đồng kỳ hạn để bảo hộ giá đều phải giao dịch trên các sàn thế giới thông qua nhiều nhà môi giới. Điều này không những không mang lại lợi ích cho thị trường cà phê trong nước, làm giảm nguồn ngoại tệ mà còn chứa đựng nhiều rủi ro cho các đối tượng này.

Chính vì thế, trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột ra đời như một lẽ tất yếu của quá trình phát triển- một khởi đầu cho chuyển biến từ thị trường trao đổi cà phê truyền thống sang thị trường hiện đại. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoạt động Trung tâm vẫn chưa phát huy được vai trò của mình. Hoạt động giao dịch hợp đồng giao ngay và kỳ hạn khá trầm lắng. Nguyên nhân là do hoạt động tuyên truyền của Trung tâm chưa được tổ chức sâu rộng nên chưa được các đối tượng sản xuất, kinh doanh cà phê biết đến, dịch vụ hỗ trợ còn rất hạn chế, hơn nữa các đối tượng này đã quen với lối mua bán truyền thống từ trước đến nay; Ngoài ra, thi trường hàng hóa giao sau tại Việt Nam còn khá mới mẻ chưa có nhiều nhà đầu tư am hiểu cũng như quan tâm đến hoạt động của thị trường này. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động giao dịch Trung tâm cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, tuyên truyền đến mỗi đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của họ về lợi ích của Trung tâm; mở rộng dịch vụ hỗ trợ như vận chuyển, cho vay, ứng trước... đáp ứng nhu cầu của nông dân,... Trên cơ sở đó thu hút đông đảo các đối tượng tham gia giao dịch qua sàn

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP MARKETING NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM GIAO DỊCH CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT

3.1 Mục đích xây dựng giải pháp:

Quảng bá rộng rãi hình ảnh của Trung tâm đến các đối tượng sản xuất kinh doanh cà phê và các nhà đầu tư tài chính; từ đó thu hút đông đảo các đối tượng tham gia giao dịch tại Trung tâm để tăng tính thanh khoản cho các hợp đồng giao dịch.

Khắc phụ những khó khăn đang tồn tại và phát huy những điểm mạnh cũng như khẳng định vai trò của Trung tâm đối với nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp Marketing nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung Tâm Giao Dịch Cà Phê Buôn Ma Thuột (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)