II. LUẬT MÔI TRƯỜNG
3. Chủ thể của pháp luật tố tụng dân sự
Chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, gồm có:
Cơ quan tiến hành tố tụng dân sự là cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự hoặc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, bao gồm:
- Tòa án nhân dân: Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong tố tụng dân sự, Tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự chủ yếu. Nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của Tòa án trong tố tụng dân sự là giải quyết vụ việc dân sự. Khi tiến hành giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Viện kiểm sát nhân dân: Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự kịp thời, đúng pháp luật.
- Cơ quan thi hành án dân sự: Cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan có thẩm quyền thi hành, bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định dân sự của Tòa án, bảo vệ lợi ích của các chủ thể có quyền, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
b, Người tiến hành tố tụng
Người tiến hành tố tụng dân sự là người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự hoặc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, bao gồm:
− Chánh án Tòa án là người được bầu hoặc được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, là thủ trưởng của cơ quan Tòa án, Chánh án có nhiệm vụ và quyền hạn trong một số hoạt động tố tụng dân sự để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ việc dân sự nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật.
− Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử, giải quyết những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án.
− Hội thẩm nhân dân là người do cơ quan quyền lực bầu ra và đại diện cho nhân dân thực hiện chức năng xét xử trong tố tụng dân sự.
− Thư ký Tòa án là cán bộ của Tòa án tham gia phiên toà phiên toà xét xử và làm những việc cần thiết khác, ví dụ như phổ biến nội quy phiên toà, kiểm tra và báo cáo với Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên toà đã có mặt, ghi chép diễn biến phiên toà,...
− Viện trưởng Viện kiểm sát là người được bầu hoặc được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, là thủ trưởng, là người lãnh đạo của cơ quan Viện kiểm sát; có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết và thi hành án dân sự của Viện kiểm sát.
− Kiểm sát viên: là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án.
c, Người tham gia tố tụng dân sự
Người tham gia tố tụng là người tham gia vào việc giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác hoặc hỗ trợ Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự, bao gồm:
− Đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự; người yêu cầu, người bị yêu cầu, người có liên quan trong việc dân sự.
Xem xét các trường hợp sau:
Ví dụ 1: Công ty X bán cho Công ty Y 5 tấn hàng trị giá 100 triệu đồng/1 tấn. Đến thời hạn thanh toán, Công ty Y chỉ mời thanh toán cho Công ty X 200 triệu đồng nên Công ty X đã khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu Công ty Y thanh toán số tiền còn nợ.
Ví dụ 2: Chị M sinh cháu K ngoài giá thú. Khi M lên 7 tuổi thì chị M bị bệnh nặng và qua đời, trước khi nhắm mắt chị đã trăng trối lại cha của cháu K là anh Q. Nhưng sau đó anh Q đã không chịu nhận K là con của mình. Trước tình hình như vậy, Hội liên hiệp phụ nữ đã yêu cầu Tòa án xác nhận anh Q là cha của cháu K.
Ví dụ 3: H kiện N để đòi lại một số vật nuôi và gia súc, biết vậy nên C đã viết đơn để yêu cầu Tòa án xác định vật nuôi, gia súc đó là của C chứ không phải của H hay của N.
Ví dụ 4: Ông B nhận S làm con nuôi khi S 15 tuổi. Sau 5 năm sống với ông B, S nhận thấy rằng ông B đã lợi dụng để bóc lột sức lao động của mình nên S đã yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi của ông B đối với mình.
Nguyên đơn là người tham gia tố tụng khởi kiện vụ án dân sự hoặc được chủ thể khác có quyền khởi kiện đã khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Trong ví dụ 1 và 3, Công ty X và H là nguyên đơn; trong ví dụ 2, cháu K là nguyên đơn.
- Bị đơn là người bị cho rằng đã xâm hại hoặc tranh chấp đến quyền lợi của nguyên đơn nên đã bị nguyên đơn hoặc chủ thể có quyền khởi kiện đã khởi kiện tại Tòa án. Trong ví dụ 1 và 3, Công ty Y, N là bị đơn; anh Q là bị đơn trong ví dụ 2.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là người tham gia vào vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong ví dụ 3, C sẽ tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Người yêu cầu trong việc dân sự là người tham gia tố tụng đưa ra yêu cầu tại Tòa án về giải quyết việc dân sự. Trong ví dụ 4, S là người yêu cầu.
- Người bị yêu cầu trong việc dân sự là người tham gia tố tụng để trả lời về các yêu cầu của việc dân sự. Như vậy, ông B là người bị yêu cầu trong ví dụ 4.
- Người có liên quan trong việc dân sự là người tham gia vào việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc trả lời về những vấn đề liên quan
- Người đại diện của đương sự là người tham gia tố tụng thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án. Trong tố tụng dân sự, người đại diện cho đương sự có thể là người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo uỷ quyền hoặc người đại diện do Tòa án chỉ định.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng có đủ các điều kiện do pháp luật quy định được đương sự yêu cầu tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
- Người làm chứng là người tham gia tố tụng để làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự do biết được các tình tiết, sự kiện đó.
- Người giám đinh là người tham gia tố tụng sử dụng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự.
- Người phiên dịch là người tham gia tố tụng dịch ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại.