PHẢI LÀM GÌ VỚI SỰ LỰA CHỌN

Một phần của tài liệu Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn Tác giả: Barry Schwartz (Trang 152 - 155)

Những thông tin tôi đã trình bày thật u ám. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khả năng của con người đang ở đỉnh điểm, bị choáng ngợp bởi sự dư thừa vật chất. Xét về khía cạnh xã hội, những gì chúng ta đã đạt được chắc hẳn là những thứ mà tổ tiên chúng ta từng mơ ước, nhưng chúng ta cũng phải trả giá đắt cho những thành tựu đó. Chúng ta có được những thứ mà chúng ta muốn, rồi sau đó khám phá ra rằng những gì chúng ta muốn đó không đủ để thỏa mãn chúng ta như chúng ta mong đợi. Quanh chúng ta là những thiết bị hiện đại, tiết kiệm thời gian, nhưng dường như chúng ta vẫn không có đủ thời gian. Chúng ta được tự do làm tác giả của kịch bản cuộc đời mình, nhưng chúng ta lại không biết chính xác mình muốn “viết” nên loại cuộc đời nào.

“Thành tựu” của cuộc sống hiện đại lại hóa ra cay đắng và mọi nơi chúng ta nhìn dường như đều có những yếu tố góp phần làm cho càng ngày càng có nhiều lựa chọn. Có quá nhiều lựa chọn tạo ra sự mệt mỏi về tâm lý, đặc biệt là khi sự mệt mỏi đó được kết hợp với sự nuối tiếc, lo âu về địa vị, về quá trình thích nghi, so sánh xã hội, và có lẽ quan trọng nhất chính là ước muốn có được mọi thứ tốt nhất - sự cầu toàn.

Tôi tin rằng có nhiều cách để làm giảm, thậm chí làm biến mất những mệt mỏi này, nhưng thực hiện chúng không hề dễ dàng. Các biện pháp này đòi hỏi chúng ta phải luyện tập, kỷ luật và có lẽ còn phải có một kiểu tư duy mới. Mặc khác, mỗi cách sau đây đều có những giá trị/ hiệu quả của nó.

1. Chỉ lựa chọn khi cần lựa chọn

Như chúng ta đã thấy, có cơ hội được chọn lựa là một yếu tố quan trọng của hạnh phúc, nhưng chọn lựa cũng có những mặt tiêu cực của nó. Và những mặt tiêu cực này cũng tăng khi số lượng lựa chọn tăng. Lợi ích của việc có nhiều chọn lựa là dễ thấy khi chúng ta phải quyết định một điều gì đó, nhưng cái giá phải trả thì lại khó thấy và tích tụ dần dần. Nói cách khác, không phải lựa chọn này hay lựa chọn kia tạo ra vấn đề, mà tất cả các lựa chọn đó tạo ra vấn đề khi hợp lại với nhau.

Thật không dễ để từ chối cơ hội được chọn lựa. Mặc dù vậy, điểm mấu chốt cần phải quan tâm đó là điều gì quan trọng nhất đối với chúng ta hầu như lúc nào cũng là kết quả khách quan của quyết định chứ không phải kết quả chủ quan. Nếu khả năng chọn lựa giúp bạn kiếm được xe hơi, nhà cửa, công việc hoặc máy pha cà phê xịn hơn, nhưng quá trình chọn lựa lại làm bạn cảm thấy không hài lòng về những gì bạn chọn, thì thực sự bạn chẳng đạt được gì từ cơ hội được chọn lựa đó. Và trong phần lớn thời gian, kết quả khách quan tốt nhưng kết quả chủ quan lại tệ chính là những gì mà việc có quá nhiều chọn lựa mang lại cho chúng ta.

Để giải quyết được vấn đề của việc có quá nhiều lựa chọn, chúng ta phải quyết định xem lựa chọn nào thực sự quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta và tập trung thời gian sức lực vào lựa chọn đó, hãy bỏ qua những cơ hội khác đi. Nhờ vào việc hạn chế bớt các chọn lựa, chúng ta có thể có ít thứ để chọn hơn nhưng lại cảm thấy tốt hơn.

Hãy thử những cách sau:

1. Xem lại những quyết định gần đây của ban, cả quyết định quan trọng lẫn không quan trọng (ví như việc mua quần áo, mua đồ dùng nhà bếp, đi nghỉ ở đâu, dành lương hưu vào việc gì, việc chăm sóc sức khỏe hoặc thay đổi chỗ làm hoặc một mối quan hệ nào đó).

2. Liệt kê chi tiết từng bước, thời gian, nghiên cứu và cả lo lắng trước khi đưa ra quyết định đó.

3. Tự nhắc mình bạn cảm thấy thế nào khi làm việc như vậy.

4. Tự hỏi mình kết quả bạn nhận được từ quyết định đó có xứng với công sức bạn bỏ ra hay không.

Bài tập trên giúp bạn biết đánh giá tốt hơn cái giá bạn phải trả liên quan đến những quyết định bạn đưa ra, điều này có thể giúp bạn từ bỏ bớt một số quyết định cùng lúc, hoặc ít nhất cũng lập ra được những quy tắc ngón tay cái (tức phương pháp thực hành để tính toán hoặc làm gì đó dựa trên những kinh nghiệm quá khứ) cho chính mình về việc cần xem xét lựa chọn nào, hoặc cần bỏ ra bao nhiêu thời gian và nỗ lực cho việc chọn lựa. Ví dụ, bạn có thể đặt ra cho mình quy tắc chỉ đến xem không quá hai địa điểm mà mình sẽ chọn để đi nghỉ.

Tự giới hạn mình theo cách này có thể vừa khó vừa có tính độc đoán, nhưng thực sự đây lại là nguyên tắc mà chúng ta phải thực hành trong những khía cạnh

khác của cuộc sống. Bạn có thể có một nguyên tắc rằng không bao giờ uống quá hai ly rượu trong một buổi họp. Rượu ngon làm bạn cảm thấy sảng khoái và cơ hội uống thêm một ly nữa nằm trong tầm tay bạn, nhưng bạn dừng lại. Và đối với nhiều người, việc dừng lại này không quá khó. Tại sao vậy?

Một lý do đó là bạn luôn được nghe những chỉ dẫn về tác hại của rượu khi uống quá nhiều rượu. Lý do thứ hai đó là bạn đã từng có kinh nghiệm về việc uống quá nhiều rượu và khám phá ra rằng việc đó không dễ chịu chút nào. Không có gì đảm bảo rằng việc uống ly thứ ba có thể làm bạn không thể kiểm soát; nhưng tại sao lại phải liều mạng chứ? Không may là xã hội chúng ta lại không có nhiều hướng dẫn nói về tác hại của việc mua sắm nhiều. Hoặc có thể chính bạn cũng không nhận thức rõ về việc có quá nhiều lựa chọn cũng gây ra những kết quả khó chịu. Cho đến lúc này, nếu bạn đã bị thuyết phục bởi những lý luận và dẫn chứng của cuốn sách này, thì bạn đã nhận thức được lựa chọn cũng có mặt trái của nó. Nhận thức này làm bạn thấy dễ chấp nhận và sống với nguyên tắc “chỉ có hai lựa chọn” hơn. Rất đáng để thử đấy.

2. Hãy là một người biết lựa chọn

chứ không phải chọn đại

Người biết lựa chọn là những người có khả năng xác định được liệu quyết định đó có quan trọng hay cũng có thể không có lựa chọn nào xem xét được, hoặc cũng có thể tạo ra một lựa chọn mới. Họ biết được một lựa chọn nào đó có khả năng cho biết điều gì đó về chính bản thân người đó. Chính người biết lựa chọn là người tạo ra những cơ hội mới cho chính họ và cho cả người khác. Nhưng khi phải đối mặt với chọn lựa thì chúng ta buộc phải trở thành người chọn đại. Có nghĩa là chúng ta trở thành những người lựa chọn tương đối bị động với những gì bày ra trước mắt. Làm một người biết lựa chọn hiển nhiên là tốt hơn, nhưng để có thời gian để trở nên biết lựa chọn hơn và ít chọn đại đi, thì chúng ta phải sẵn sàng phụ thuộc vào các thói quen, tập quán, những nguyên tắc và quy chuẩn thông thường để làm cho một số quyết định về một số việc gì đó trở nên tự động đối với chúng ta..

Người biết lựa chọn có thời gian để điều chỉnh mục tiêu của mình; còn người chọn đại thì không. Người biết lựa chọn có thời gian để tránh đi theo số đông; còn người chọn đại thì không. Những quyết định đúng đắn luôn tốn thời gian và sự chú ý, và cách duy nhất để chúng ta có được thời gian và sự chú ý cần thiết chính là biết tập trung vào những điểm nào.

Sau khi bạn đã thực hành bài tập xem lại những quyết định gần đây của minh, bạn sẽ không chỉ ý thức hơn về cái giá phải trả mà bạn còn khám phá ra có những thứ bạn thực sự quan tâm và những thứ bạn không quan tâm. Điều này sẽ giúp bạn: 1. Rút ngắn hoặc bỏ bớt những cân nhắc không cần thiết về những quyết định

không quan trọng với bạn.

2. Sử dụng thời gian rảnh mà bạn vừa có được để tự hỏi mình bạn thực sự muốn điều gì trong những quyết định về những khía cạnh của cuộc sống quan trọng đối với bạn.

3. Nếu bạn khám phá ra không có lựa chọn nào trong những khía cạnh đó đáp ứng yêu cầu của bạn, thì hãy suy nghĩ và tạo ra những lựa chọn mới.

Một phần của tài liệu Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn Tác giả: Barry Schwartz (Trang 152 - 155)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)