NHỮNG CƠ HỘI BỎ LỠ

Một phần của tài liệu Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn Tác giả: Barry Schwartz (Trang 77 - 114)

Tháng 2, trời lạnh cóng. Tuyết bám đầy bồ hóng trải dài đường phố. Đi làm rồi lại lặng lẽ trở về trong đêm tối, chỉ bằng cách suy nghĩ về kỳ nghỉ hè sắp tới của mình mới giúp Angela vượt qua được mùa đông dài đằng đẵng này.

Angela đang xem xét hai khả năng rất khác nhau: du lịch đến bắc California hoặc nghỉ ngơi một tuần tại một ngôi nhà trên biển ở mũi Cod. Cô ta sẽ quyết định như thế nào? Có thể Angela sẽ bắt đầu bằng cách xem xét điều gì quan trọng nhất đối với mình khi đi nghỉ. Vốn yêu vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên, ắt hẳn điểm dừng chân của Angela phải đáp ứng được yêu cầu đó. Angela thích tiêu khiển ngoài trời nhưng đồn thời ghét khí trời nóng và ẩm, vì thế thời tiết cũng phải ôn hòa. Yêu những bãi biển vắng người trải dài, nhưng Angela cũng thích ăn ngon, hứng thú với nhịp sống về đêm sôi động, quan sát mọi người và ngắm nhìn hàng hóa bày bán. Thêm vào đó, Angela không thích đám đông. Là một phụ nữ năng động, nhưng thỉnh thoảng Angela cũng thích có một buổi chiều được nằm ườn trên ghế chỉ để đọc sách. Thế thì sao nào? Angela còn hai chuyện cần làm. Trước tiên, cần đánh giá tầm quan trọng của những khía cạnh đa dạng ở những điểm đến Angela đang cân nhắc. Ví dụ, liệu thời tiết dễ chịu có quan trọng hơn nhịp sống sôi động về đêm không? Tiếp theo, Angela cần biết được bắc California và mũi Cod bổ trợ nhau như thế nào. Nếu một trong hai điểm đến trội hơn điểm còn lại trong mọi lĩnh vực Angela quan tâm, việc đưa ra quyết định thật dễ dàng. Nhưng khả năng dễ xảy ra nhất là Angela sẽ khám phá ra mỗi điểm dừng chân sẽ có những điểm mạnh mà điểm còn lại không có. Và vì thế, Angela cuối cùng phải tự thỏa hiệp. Tuy vậy, Angela có thể đưa ra được lựa chọn cho mình nếu cô làm cho mình một danh sách những tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến việc chọn điểm đi du lịch, quyết định chúng quan trọng đến mức nào, và đánh giá từng trường hợp đủ khả năng đáp ứng mong ước của cô ra sao.

Bây giờ, bỗng nhiên có một người bạn của Angela chen vào và làm cho mọi chuyện thêm rắc rối. Người bạn đó đề nghị Angela đi nghỉ ở một ngôi nhà tranh nhỏ xinh tại Vermont. Ở đó, Angela có thể leo núi, đi bơi dưới hồ, tham gia vào các lễ hội nghệ thuật, đi ăn ở những nhà hàng ngon, cũng như tận hưởng thời tiết ấm áp, khô thoáng vào ban ngày và mát mẻ, dễ chịu vào ban đêm. Ngoài ra, thị trấn đó còn nằm gần Burlington, nơi có nhịp sống về đêm đầy năng động. Và cuối cùng, người bạn chỉ ra rằng do Angela có thể nghỉ mát cùng một vài người bạn của cô do họ có sở hữu những căn nhà nghỉ tại khu vực này. Thế nhưng, đi nghỉ hè với bạn là một

trường hợp Angela chưa từng nghĩ đến khi cô cân nhắc giữa California và mũi Cod. Và bây giờ điều Angela cần làm là thêm tiêu chí đó vào danh sách những khía cạnh hấp dẫn khi quyết định điểm du lịch. Thêm vào đó, Angela cần phải đánh giá lại một vài thang điểm cô dành cho hai điểm đến đầu tiên. Có thể Angela sẽ trừ một hay hai điểm cho mũi Cod khi thấy thời tiết nơi này trái ngược với khi hậu mát mẻ và thông thoáng tại Vermont.

Nhưng khả năng được vui với bạn bè làm cho Angela đắn đo. Các con của Angela sống ở rất xa, và cô nhớ chúng. Sẽ là tuyệt nếu được gặp gỡ bạn bè, nhưng được ở bên gia đình sẽ còn tuyệt hơn. Biết đâu được có một nơi xinh đẹp nào đó gần chỗ các con Angela đang sống có những quán ăn ngon, thời tiết dễ chịu, và nhiều thứ để làm về đêm. Hoặc giả biết đâu được có một nơi nào đó bọn trẻ sẽ hứng thú đi chơi với Angela. Hàng loạt khả năng được Angela tự tán thành và một khía cạnh khác - ở bên các con – được Angela đưa vào danh sách.

Có một điều rõ ràng là không lựa chọn nào đáp ứng trọn vẹn mong ước của Angela. Cô chỉ cần chuẩn bị thực hiện một vài thỏa hiệp.

Michael, một sinh viên năm cuối đầy tài năng, đang cố gắng lựa chọn giữa hai công việc. Một có mức lương khởi điểm hấp dẫn, cơ hội thăng tiến khiêm tốn, mức độ an ninh tuyệt vời, và môi trường làm việc hòa nhã, sinh động. Công việc còn lại có mức lương khởi điểm không cao, cơ hội thăng tiến đầy xán lạn, mức độ an ninh tạm được, và một cơ cấu tổ chức khá chỉnh chu, theo tôn ti trật tự.

Khi Michael còn đang đắn đo giữa hai công việc A và B, công việc C lại xuất hiện. Với nó, Michael sẽ có cơ hội làm việc tại một thành phố đầy thú vị. Bất thình lình, sự hấp dẫn của vị trí tọa lạc lại liên quan đến lựa chọn của Michael, một điều chưa từng đươc anh nghĩ đến. Tại sao địa điểm của công việc A và B không thể so sánh với C? Và Michael sẽ phải đánh đổi bao nhiêu về tiền lương, an ninh, và nhiều thứ khác nữa để có thể làm việc trong thành phố thú vị này?

Việc đưa ra quyết định càng trở nên rối rắm hơn khi một triển vọng công việc khác xuất hiện ở một địa điểm rất gần gia đình của Michael và những người bạn cũ, và đây cũng lại là một yếu tố anh chưa hề nghĩ tới. Điều đó quan trọng đến mức nào? Và sau đó, bạn gái của Michael tìm được một công việc rất tốt, tương tự như công việc A, trong cùng thành phố. Câu hỏi đặt ra cho Michael lúc này là: anh sẽ dành bao nhiêu trọng lượng cho yếu tố này? Và tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa Michael và bạn gái tới mức nào?

Để có thể quyết định lựa chọn nghề nghiệp, Michael sẽ phải tự trả lời vài câu hỏi khó. Anh có sẵn lòng tự thỏa hiệp giữa mức lương và cơ hội thăng tiến, giữa chất lượng công việc và chất lượng của thành phố nơi anh làm việc? Michael liệu có thể thỏa hiệp cả hai để được gần gia đình? Và anh có đủ dũng cảm từ bỏ tất cả để được ở bên bạn gái?

Một phần mặt trái của sự dư thừa lựa chọn nằm ở chỗ, mỗi một lựa chọn mới lại làm dài thêm danh sách những thỏa hiệp – bắt nguồn của những hệ quả tâm lý. Sự cần thiết phải tiến hành thỏa hiệp thay đổi cách chúng ta cảm nhận về những quyết định gặp phải. Và quan trọng hơn, nó ảnh hưởng đến mức độ thỏa mãn mỗi người trải nghiệm được từ quyết định cuối cùng của mình.

Phí tổn cơ hội

Các nhà kinh tế học cho rằng chất lượng của bất cứ lựa chọn cho sẵn nào cũng không thể được đánh giá tách rời với các phương án thay thế của nó. Một trong những “cái giá” của một lựa chọn chính là việc bỏ qua các cơ hội mà một lựa chọn khác có thể mang lại. Và đây được đề cập tới như là một phí tổn cơ hội. Phí tổn cơ hội của việc đi nghỉ tại bãi biển ở mũi Cod chính là việc bỏ qua những nhà hàng thịnh soạn ở California. Tương tự, phí tổn cơ hội khi chọn công việc ở gần người yêu của bạn sẽ phải đánh đổi bằng việc sống xa gia đình. Mỗi một lựa chọn đều hàm chứa những phí tổn cơ hội liên quan tới nó.

Ta có thể bị lạc lối nếu như không thể nghĩ về những phí tổn cơ hội. Tôi thường nghe mọi người biện minh cho quyết định mua hẳn một căn nhà thay vì tiếp tục thuê mướn, bằng cách cho rằng họ đã mệt mỏi với việc cứ mãi tiếp tục làm đầy hầu bao của chủ cho thuê nhà. Họ cho rằng vay tiền ngân hàng để mua nhà là một thương vụ đầu tư, trong khi việc thuê nhà chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ. Dòng suy nghĩ này thoạt nghe tưởng chừng nghe có vẻ hợp lý nhưng lại chưa đủ thấu đáo. Và sau đây là quan điểm chung của hầu hết những người mua nhà: “Chúng tôi phải đặt cọc 50.000 đô la. Chi phí sinh hoạt hàng tháng, bao gồm tiền vay ngân hàng, thuế, bảo hiểm, và điện nước tính tổng lại cũng chỉ bằng chi phí thuê nhà. Vì vậy, trên thực tế, với một khoản đầu tư 50.000 đô la, tôi phải xoay sở làm sao để được hưởng lợi từ chi phí nhà cửa hàng tháng, làm đầy thêm hầu bao của mình thay vì của chủ cho thuê nhà. Và tôi cũng chắc chắn rằng mình sẽ thu lợi hơn 50.000 đô la sau khi bán ngôi nhà.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, sở hữu một ngôi nhà thường là một phi vụ đầu tư khôn ngoan. Nhưng cái mà những người mua nhà chưa suy tính tới là phí tổn cơ hội của việc bỏ ra 50.000 đô la vào trong ngôi nhà. Với số tiền đó, bạn còn có thể làm

gì với nó? Đầu tư vào thị trường chứng khoán, hoặc học trọn khóa Đại học Luật để tăng thêm thu nhập, hoặc cũng có thể đi du lịch vòng quanh thế giới và viết một cuốn tiểu thuyết bạn kỳ vọng sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc đời mình. Một số lựa chọn mang tính thức tiễn hơn, và sự khôn ngoan của từng lựa chọn tùy thuộc và mục tiêu cuộc đời bạn cũng như thời gian bạn có. Khi tôi viết cuốn sách này, thị trường bất động sản có vẻ là một lựa chọn khả dĩ hơn thị trường chứng khoán. Thế nhưng, khi thị trường bắt đầu tăng vọt vào năm 1996, đầu tư 50.000 đô la vào thị trường chứng khoán có thể trúng quả đậm. Điều quan trọng là, ngay cả những quyết định được xem là dễ dàng nhất cũng hàm chứa những giá trị tiềm ẩn của những lựa chọn bị từ chối. Suy nghĩ về những phí tổn cơ hội có thể sẽ không làm thay đổi quyết định của bạn, nhưng chí ít cũng giúp bạn có được một đánh giá mang tính thực tiễn hơn về tính toàn diện của quyết định.

Theo các giải định kinh tế chuẩn, phí tổn cơ hội duy nhất có ý nghĩa quan trọng đối với một quyết định, chính là những phí tổn có liên quan đến những phương án thay thế liền kề với phương án tốt nhất. Vì vậy, hãy thử cho biết lựa chọn của bạn cho tối thứ 7 trong danh sách liệt kê dưới dây:

1. Ăn tối tại một nhà hàng dễ thương. 2. Ăn tối nhanh và sau đó đi xem phim. 3. Đi nghe nhạc jazz.

4. Đi khiêu vũ.

5. Nấu bữa tối cho một vài người bạn. 6. Đi xem bóng chày.

Nếu bạn đi ăn tối, “cái giá” của nó chính là việc phải trả tiền cho bữa tối cộng với việc mất cơ hội xem phim. Hãy chú ý đến cái bạn sẽ bỏ lỡ ở lựa chọn thay thế thứ hai và chỉ thế mà thôi. Đừng phí sức tiếc rẻ khi vuột mất những lựa chọn tiếp theo trong danh sách mà bạn không thể thực hiện dược. Tuy vậy, cực kỳ khó khăn để thực hiện lời khuyên trên, và đây là lý do: những lựa chọn được xem xét thường có những khía cạnh đa phương diện. Nếu ta xem xét các lựa chọn theo phương diện từng khía cạnh của chúng thay vì tổng thể, thì những lựa chọn khác nhau sẽ được xếp hạng thứ 2 (hay thậm chí thứ nhất) trong danh sách. Vì vậy, đi xem phim có thể là cách tốt nhất để kích thích đầu óc. Nghe nhạc jazz có thể là lựa chọn tối ưu để thư giãn. Có lẽ không biện pháp tập thể dục nào tốt hơn là đi khiêu vũ. Đi xem bóng chày khả dĩ là một cách để giải tỏa ức chế. Và ăn tối với bạn bè cũng có thể là cách tốt nhất để tình bạn ngày một thân thiết hơn. Mặc dù nhìn chung có thể chỉ có một lựa chọn tốt thứ hai duy nhất, mỗi một lựa chọn bạn bỏ qua phải có một vài khía cạnh đáng mơ

ước nào đó đã đưa chúng vào danh sách. Vì vậy, đi ăn tối bên ngoài đồng nghĩa với việc bỏ qua các cơ hội được kích thích đầu óc, thư giãn, tập thể dục, giải tỏa ức chế, và thắt chặt tình bạn. Đứng về phương diện tâm lý mà nói, mỗi phương án bạn lựa chọn vẫn có thể đưa ra những cơ hội bạn sẽ bỏ qua.

Nếu chúng ta giả định những phí tổn cơ hội phá hỏng khía cạnh mong ước tổng thể của lựa chọn ưu việt nhất, và chúng ta cảm nhận được rằng phí tổn cơ hội có liên quan đến rất nhiều lựa chọn bị bỏ qua khác, thì khi càng có nhiều lựa chọn, ta càng phải trải nghiệm được nhiều về phí tổn cơ hội. Và khi đó, ta lại càng cảm thấy ít thỏa mãn hơn từ chính lựa chọn của mình.

Tại sao không thể là một công việc lương cao, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc thân thiện, và ở một nơi thú vị có luôn việc làm cho người yêu và gần gia đình? Tại sao không thể là một kỳ nghỉ mà tôi có thể tận hưởng bãi biển tuyệt vời cùng những nhà hàng thịnh soạn và những cửa hiệu, điểm du lịch hấp dẫn? Tại sao tôi lại không thể được kích thích đầu óc, thư giãn, giải tỏa ức chế, và gặp gỡ bạn bè? Sự tồn tại của những lựa chọn đa phương diện giúp chúng ta mường tượng dễ dàng hơn về những lựa chọn không tồn tại khác – đó chính là những lựa chọn kết hợp những khía cạnh hấp dẫn của những lựa chọn không tồn tại. Và khi chúng ta hình dung theo cách này, chúng ta sẽ càng ít thỏa mãn hơn với lựa chọn cuối cùng của mình. Vì vậy, một lần nữa, sự đa dạng về chọn lựa chỉ làm cho tình hình tồi tệ thêm.

Khách quan mà nói, nếu có một cách nào đó để nói đâu là kỳ nghỉ tốt nhất, công việc tốt nhất, hoặc phương án tốt nhất cho một tối thứ Bảy, và sau đó những lựa chọn thêm vào chỉ có thể làm ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Bất cứ một lựa chọn mới nào cũng có thể trở thành phương án tối ưu. Nhưng khách quan thì thực sự không có kỳ nghỉ nào hoặc một tối thứ Bảy nào là tuyệt nhất. Cuối cùng, chất lượng lựa chọn có ý nghĩa đối với mọi người chính là những trải nghiệm chủ quan những lựa chọn khác mang lại. Và đi xa hơn, nếu bất cứ lựa chọn thêm vào nào phá hỏng trại nghiệm chủ quan của chúng ta, chúng ta lại càng cảm thấy tình hình tồi tệ hơn.

Tâm lý thỏa hiệp

Khía cạnh tâm lý của việc thỏa hiệp đã được điều tra trong một loạt nghiên cứu, trong đó người tham gia được yêu cầu đưa ra những quyết định giả định về việc chọn mua chiếc xe nào, thuê căn hộ nào hoặc chọn công việc nào, dựa trên một loạt các khía cạnh, bao gồm giá cả. Danh sách của những lựa chọn được thiết kế theo hướng sao cho để đạt được quyết định một lựa chọn, người tham gia bắt buộc phải

thực hiện thỏa hiệp. Ví dụ, khi chọn mua xe, có thể chiếc này sành điệu hơn, phương diện an toàn lại kém hơn. Thuê một căn hộ, có thể căn này rộng rãi hơn nhưng lại nằm ở vị trí không ưng ý cho lắm.

Trong một nghiên cứu, một người tham gia được cho biết rằng chiếc xe A có giá trị 25.000 đô la và độ an toàn cao (điểm 8 trên 10). Chiếc xe B được chấm điểm 6 về phương diện an toàn. Người tham gia sau đó được hỏi cần phải tốn bao nhiêu cho xe B để nó được bắt mắt như xe A. Trong trường hợp này, bắt buộc người trả lời phải thực hiện thỏa hiệp giữa giá cả và độ an toàn. Nó yêu cầu phải hỏi mỗi một đơn vị an toàn thêm vào sẽ tốn hết bao nhiêu. Ví dụ, nếu một người trả lời xe B chỉ tốn 10.000 đô la, rõ ràng là họ đặt giá trị cao cho mức độ an toàn thêm vào ở xe A. Nhưng, nếu họ cho rằng xe B đáng giá 22.000 đô la, họ chắc hẳn ít chú trọng đến

Một phần của tài liệu Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn Tác giả: Barry Schwartz (Trang 77 - 114)