Rõ ràng là những khoản chi trả cho các dịch vụ môi trường có những đóng góp nhất định tới đời sống nông thôn ở Việt Nam, nhưng quy mô và mục đích của những đóng góp này chưa được nghiên cứu và hầu như không được biết đến. Do vậy bản báo cáo này không thể bàn đến một chủ đề quan trọng có liên quan tới những lợi ích trực tiếp của các dịch vụ môi trường dành cho những người dân sống gần rừng ở Việt Nam. Trong phần này, chúng tôi chỉ đề cập tới các khoản chi trả cho các dịch vụ môi trường và lợi ích của các chương trình này đối với người dân nông thôn. Chúng tôi tổng hợp một số dẫn chứng từ hai chương trình: (1) Khoán Bảo vệ Rừng (Forest Protection Contracts (FPCs); và (2) Dự án lồng ghép Phát triển và Bảo tồn (ICDPs). Chúng tôi không đề cập đến du lịch sinh thái và các dự án thu hồi khí CO2 bởi những dự án này mới chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị ở Việt Nam.
Khoán Bảo vệ Rừng
Thông tin cơ bản
Chi trả cho các dịch vụ môi trường từ rừng được bắt đầu tiến hành trong khuôn khổ của Chương trình 327 (bắt đầu năm 1992), rồi Chương trình 556 (năm 1995) và sau đó là Qũy 661 trong Chương trình 5 triệu ha rừng (năm 1998 đến nay) (Xem hộp 1). Trong phạm vi ba chương trình này, thông qua Khoán Bảo vệ Rừng, người dân nông thôn được trả một khoản tiền mặt như là một khuyến khích tham gia để trồng và bảo vệ rừng. Khoán Bảo vệ Rừng trả cho bên nhận khoán 50.000 đồng trên một ha một năm (chỉ hơn 3 đô la theo tỷ giá trao đổi hiện hành) cho việc bảo vệ diện tích rừng được giao và kích thích tái sinh tự nhiên. Những người tham gia Khoán Bảo vệ Rừng được trả tiền để trồng, bảo vệ và phục hồi rừng trên các loại đất rừng khác nhau bao gồm đất đã có rừng, đất chưa có rừng và đất đã có quy hoạch để trồng và phục hồi rừng. Những loại đất này có thể làm rừng đặc dụng, rừng bảo về đầu nguồn và rừng bảo vệ ngập mặn. Những người nhận khoán được phép thu lượm các lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm rừng khác trong một mức độ nào đó. Các hộ, nhóm hộ gia đình và dân tộc thiểu số sống trong hoặc gần rừng là những đối tượng chủ yếu tham gia khoán bảo vệ rừng (MARD/DFD 2001:21).
Trên nguyên tắc, chính phủ khuyến khích những nhóm người nghèo nhất trong các cộng đồng người sống dựa vào rừng tham gia. Khoán Bảo vệ Rừng trở thành một trong những hình thức tham gia phổ biến nhất của người dân địa phương vào bảo vệ rừng ở Việt Nam. Hiện nay chương trình này bao gồm khoảng 1,6 triệu ha rừng với 270.000 hộ tham gia (MARD 2001b:66).
Một trong các ích lợi trong việc trả tiền cho người dân để bảo vệ rừng (so với việc trả tiền cho họ để trồng cây) là tỷ lệ nội hoàn tương đối cao. Tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào tình trạng ban đầu của các khoảnh đất rừng được giao, hệ thống chia sẻ lợi nhuận và vào việc người nông dân tham gia có nhận được các khoản thù lao cho việc cung cấp các dịch vụ này hay không. Các chuyên gia tin rằng tái sinh rừng tự nhiên do tốn kém ít hơn, là một cách giảm thiểu rủi ro (Apel 1997:7; Phạm Văn Việt 1998:5).
William D. Sunderlin và Huỳnh Thu Ba | 39
Những thành công
Một số nhà nghiên cứu đã theo dõi ở một số địa điểm cụ thể và đi đến kết luận rằng Khoán Bảo vệ Rừng đối với các rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đã góp phần giảm nghèo nhờ có phí quản lý bảo về rừng (Nguyễn Văn Thắng 2001:34; Đặng Thị Huệ 2000:13). Một nghiên cứu của Qũy Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) ở các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam xác nhận rằng Khoán Bảo vệ Rừng ở một số vùng rõ ràng có tác động tích cực đến tình trạng rừng và nền kinh tế địa phương (Nguyễn Quốc Dũng 2002:67). Ngô Thị Phương Anh và các đồng nghiệp nhận thấy một tỷ lệ tương đối cao trong thu nhập hàng năm của dân tộc thiểu số Cờ Tu ở tỉnh Thừa Thiên Huế là từ phí quản lý bảo vệ rừng. Người Cờ Tu ở địa phương được phép thu hoạch một số loại lâm sản ngoài gỗ nhất định từ rừng và mỗi năm toàn xã kiếm được khoảng 10 triệu đồng từ hoạt động này. Thu nhập từ tất cả các hoạt động liên quan đến rừng chiếm khoảng 24% trong tổng thu nhập hộ gia đình (Ngô Thị Phương Anh et al. 1999:148). Chính phủ cho rằng khoản tiền thu được này đủ để khuyến khích nhiều người hơn nữa tham gia bảo vệ và quản lý rừng. Trong đánh giá gần đây về đổi mới tổ chức và quản lý của các Lâm trường Quốc doanh ở tỉnh Quảng Ngãi, Vũ Hữu Tuynh nhận thấy rằng các hộ tham gia Khoán Bảo vệ Rừng mỗi năm nhận được 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi hộ, tương đương với 1 đến 1,6 tấn gạo, khoản thu nhập này giúp cho họ bảo đảm an toàn lương thực và hạn chế du canh. Tuy nhiên, ông kết luận rằng, do số