Cho vay lại nguồn vốn ODA

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro trong cho vay lại ODA của ngân hàng phát triển việt nam (Trang 31 - 34)

Nguồn vốn ODA được sử dụng để tài trợ cho những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế mà chính phủ có chủ trương khuyến khích hoặc bắt buộc phải thực hiện để tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế. Đó là những lĩnh vực đầu tư khó khăn cần lượng vốn lớn, thời gian thu hồi dài và lợi nhuận không cao.

Vì vậy cho vay lại nguồn vốn ODA là một trong những nội dung quan trọng của quá trình quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Nghiệp vụ cho vay lại nguồn vốn ODA là một mảng quan trọng trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tài chính được ủy quyền quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA. Hiện nay, được ủy quyền cho vay lại nguồn vốn ODA ở Việt Nam có một số tổ chức tài chính như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển

(BIDV), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

(VCB). Trong đó, NHPT là tổ chức cho vay lại lớn nhất hàng năm số vốn ODA cho vay lại qua ngân hàng này chiếm trên 60% tổng lượng ODA cho vay lại. Các quy định, chính sách và cơ chế cho vay lại cơ bản được ban hành tại NHPT. Trong nghiên cứu này nói đến cho vay lại ODA nghĩa là nói đến một hoạt động quan trọng của NHPT, cho vay lại gắn với NHPT.

Cho vay lại nguồn vốn ODA của các tổ chức tài chính ở Việt Nam có thể được hiểu một cách chính thức như sau:

Cho vay lại vốn ODA là việc một ngân hàng hoặc một tổ chức tín dụng thay mặt Bộ Tài chính / nhà tài trợ cho vay lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn ODA để thực hiện các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn hoặc theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

- Về đối tượng cho vay lại nguồn vốn ODA là các chương trình, dự án phải đáp ứng được các điều kiện sau:

Thứ nhất, phù hợp với quy hoạch ĐTPT của Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

Thứ hai, phù hợp với điều kiện của nguồn vốn ODA và nội dung hợp đồng ủy quyền NHPT đã ký với Bộ Tài chính/nhà tài trợ.

Hiện nay, trong hoạt động cho vay lại có nhiều chương trình và dự án khác nhau nhưng về tính chất của chủ dự án có thể chia ra thành hai nhóm: Một là: Chủ dự án là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề được vay vốn ưu đãi theo quy định. Hai là, nhóm các cơ quan Nhà nước thuộc các địa phương đứng ra vay vốn ODA để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, nhóm này thường bao gồm Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Về nguyên tắc cho vay lại:

+ Nguyên tắc thứ nhất, NHPT và các tổ chức tài chính cho vay lại đối với các dự án có hiệu quả kinh tế-xã hội, có khả năng hoàn trả vốn vay hoặc theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ.

+ Nguyên tắc thứ hai, Chủ đầu tư phải đảm bảo:1. Sử dụng vốn vay đúng mục đích quy định trong hợp đồng tín dụng, 2. Hoàn trả nợ gốc, lãi vay và các khoản phải trả khác đúng thời hạn đã ký kết trong hợp đồng tín dụng.

- Về điều kiện cho vay lại ODA tại NHPT được thể hiện rõ ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, mức vốn cho vay lại ghi trong hợp đồng tín dụng được xác định trên cơ sở trị giá Hiệp định tài trợ ký với nhà tài trợ cho mỗi dự án. Trường hợp Hiệp định tài trợ ký cho nhiều dự án nhưng không quy định mức phân bổ cho từng chương trình, dự án thì trị giá cho vay lại được xác định căn cứ vào quyết định phân bổ vốn vay, viện trợ của Chính phủ.

Thứ hai, đồng tiền cho vay lại và trả nợ. Về đồng tiền cho vay lại, Chủ đầu tư được quyền chọn đồng tiền cho vay lại là ngoại tệ gốc vay của nước ngoài hoặc VND tùy theo khả năng trả nợ. Tỷ giá quy đổi từ đồng ngoại tệ sang VND là tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính quy định tại thời điểm quy đổi. Trường hợp dự án do NHPT thẩm định, quyết định cho vay và chịu rủi ro tín dụng, Tổng giám đốc NHPT quyết định đồng tiền cho vay lại. Về đồng tiền trả nợ, theo nguyên tắc Chủ đầu tư nhận vay lại theo đồng tiền nào thì trả nợ bằng đồng tiền đó. Trong trường hợp Chủ đầu tư trả nợ bằng VND hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi khác với đồng tiền nhận vay lại thì áp dụng tỷ giá hối đoái do Bộ Tài chính quy định hoặc theo thỏa thuận với NHPT được quy định trong hợp đồng tín dụng.

- Về thời hạn cho vay lại, thời gian ân hạn:

Thời gian cho vay lại được xác định phù hợp với thời gian hoàn vốn của dự án, khả năng trả nợ của chủ đầu tư và các quy định tại hợp đồng ủy quyền ký giữa NHPT và Bộ Tài chính/nhà tài trợ. Thời gian ân hạn được xác định căn cứ vào thời gian xây dựng dự án kể từ khi khởi công đến khi dự án được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Thời gian ân hạn nằm trong thời hạn cho vay nêu trên.

- Về lãi suất cho vay lại. Được chia thành các hình thức sau:

+ Đối với hình thức cho vay bằng VND, lãi suất được xác định cụ thể theo từng ngành kinh tế và không vượt quá lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước quy định trong từng thời kỳ. Mức lãi suất này do Bộ Tài chính công bố theo từng thời kỳ phù hợp với tình hình biến động của thị trường tài chính và tiền tệ (trừ trường hợp Nhà nước có quy định khác).

+ Đối với hình thức cho vay bằng ngoại tệ, lãi suất được xác định bằng lãi suất cho vay lại bằng VND quy định trên trừ đi mức rủi ro hối đoái tương ứng của đồng tiền cho vay lại, nhưng không thấp hơn mức lãi suất vay nước ngoài và không cao hơn hai phần ba (2/3) lãi suất thương mại tham chiếu (CIRR) do tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) công bố tại thời điểm xác định lãi suất cho vay lại. Mức rủi ro hối đoái hàng năm đối với ba loại ngoại tệ là USD, EUR, JPY do Bộ Tài chính công bố hàng năm.

+ Trường hợp ngoại tệ gốc trong Hiệp định tài trợ khác với ba loại ngoại tệ nêu trên, mức rủi ro hối đoái được áp dụng theo mức rủi ro hối đoái của đồng USD.

+ Trường hợp dự án do NHPT quyết định cho vay, mức lãi suất cho vay lại do Tổng Giám đốc NHPT quyết định phù hợp với quy định hiện hành và các quy định tại Hợp đồng ủy quyền NHPT ký với Bộ Tài chính/nhà tài trợ.

+ Lãi suất cho vay lại được xác định khi ký hợp đồng tín dụng và không thay đổi trong suốt thời gian vay lại.

+ Lãi suất cho vay lại được tính trên dư nợ kể từ ngày rút vốn vay.

- Lãi suất chậm trả. Được xác định bằng 150% lãi suất cho vay lại hoặc là mức lãi suất chậm trả ghi trong hợp đồng ủy quyền, NHPT ký với Bộ Tài Chính/Nhà tài trợ tùy theo mức nào cao hơn và được tính trên số nợ (gốc và lãi) chậm trả tính từ ngày đến hạn trả nhưng chưa trả cho đến ngày thực tế trả nợ. Lãi suất trả chậm được áp dụng đối với nợ chậm trả từ 15 ngày trở lên.

Như vậy, cho vay lại nguồn vốn ODA thực chất là hoạt động nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được ủy quyền của Chính phủ hoặc các nhà tài trợ. Cho vay lại vốn ODA có những khác biệt nhất định so với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại thông thường, sự khác biệt này có thể nhận thấy ở các điều kiện cụ thể được quy định trong hợp đồng như: nguồn vốn cho vay, lãi suất vay, thời gian vay và lĩnh vực cho vay. Thứ nhất, nguồn vốn cho vay không phải là nguồn thuộc sở hữu của tổ chức cho vay, không phải vốn huy động trên thị trường, đó là nguồn vốn mà tổ chức cho vay được chính phủ hoặc nhà tài trợ ủy quyền. Thứ hai, lãi suất vốn vay rất thấp so với mức tín dụng thông thường trên thị trường thường là từ 0,25% đến 2%/ năm. Thứ ba, thời hạn vay dài, thông thường vay từ nguồn ODA có thời hạn vay từ 20 đến 40 năm.

Thứ tư, về lĩnh vực cho vay chủ yếu là những lĩnh vực được ưu tiên phát triển như y tế, giáo dục, nông lâm nghiệp, hạ tầng cơ sở... Tuy nhiên, hoạt động cho vay lại vốn ODA cũng phải tuân thủ theo quy chế, quy định và cũng chịu những rủi ro nhất định. Do đó, trong hoạt động cho vay lại vốn ODA của các tổ chức tài chính được uỷ quyền cho vay lại phải tính đến rủi ro xảy ra trên cơ sở đó phải xác định được những biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả.

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro trong cho vay lại ODA của ngân hàng phát triển việt nam (Trang 31 - 34)