Đối với Trung Quốc, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cũng đóng vài trò quan trọng và tích cực trong việc thúc đẩy cải cách và phát triển kinh tế xã hội. Hàng trăm dự án ODA đã được thực hiện trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường… và ở nhiều địa bàn của Trung Quốc trong giai đoạn 1980-2005 với tổng số vốn ODA riêng WB cam kết cung cấp cho Trung Quốc là 39 tỷ USD.
Quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Trung Quốc cũng đạt được những thành công nhất định. Nguyên tắc cơ bản trong quản lý nguồn vốn này ở Trung Quốc đó là: Quản lý tập trung, thực hiện phi tập trung phù hợp với đặc thù của Trung Quốc là một nước đông dân, có diện tích lớn. Cần phải kể đến nguyên nhân mà Trung Quốc đã đạt được những thành công trong quản lý và sử dụng ODA, đó là: Trung Quốc đã xây dựng được chiến lược hợp tác tốt, xây dựng tốt cơ chế điều phối và thực hiện, cơ chế theo dõi và giám sát chặt chẽ các dự án sử dụng vốn ODA.
Đặc biệt, Trung Quốc rất chú trọng và đề cao công tác quản lý và giám sát các dự án ODA, đảm bảo việc đầu tư đúng đối tượng, hiệu quả, tránh lãng phí…Bộ Tài chính (MOF) và Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) là hai cơ quan trung ương đảm nhiệm việc quản lý ODA của Trung Quốc. Cụ thể, Bộ tài chính có nhiệm vụ tìm kiếm các nhà tài trợ, thu hút ODA, đồng thời cũng là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát sử dụng nguồn lực này. Theo đó, Sở Tài chính các địa phương phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án ODA theo đúng tiến độ, kế hoạch. Bên cạnh đó, các bộ chủ quản, các địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc giám sát sử dụng vốn ODA để đạt mục tiêu hiệu quả.
Trung Quốc đặc biệt áp dụng nguyên tắc ai hưởng lợi người đó phải trả nợ, theo đó, người sử dụng vốn ODA phải luôn luôn chú trọng đến tính hiệu quả, đảm bảo cho công trình sau khi hoàn thành đi vào sử dụng phát sinh lợi nhuận để có thể thu hồi vốn trả cho nhà tài trợ khi đến hạn.
Chính sách ưu tiên trong sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Trung Quốc khá thành công. Trong đó chú trọng khuyến khích các cơ sở địa phương sử dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đặc khu kinh tế. Các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng ODA đó là công nghiệp và năng lượng, nguyên liệu, khoa học giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp. Từ đó đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất của nền kinh tế nước này.