Rủi ro và quản lý rủi ro trong cho vay lại vốn ODA

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro trong cho vay lại ODA của ngân hàng phát triển việt nam (Trang 46 - 55)

1.2.2.1. Rủi ro trong cho vay lại vốn ODA

Cho vay lại vốn ODA là một trong những nghiệp vụ tín dụng quan trọng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng khi tham gia vào việc giải ngân nguồn vốn quan trọng này. Do vậy, hoạt động cho vay lại ODA cũng chịu những rủi ro nhất định cần phải tính đến. Việc quản lý tốt nguồn ODA trong cho vay lại trong đó quản lý rủi ro là một bộ phận quan trọng sẽ có những tác động tích cực đến uy tín và sự phát triển của tổ chức tín dụng nhận ủy quyền của chính phủ/các nhà tài trợ, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với cộng đồng các nhà tài trợ.

Quá trình cho vay lại vốn ODA hầu hết được diễn ra dưới hình thức các ngân hàng và tổ chức tín dụng được Chính phủ /các nhà tài trợ ủy quyền trong việc cho các tổ chức vay lại một phần hoặc toàn bộ lượng vốn ODA để thực hiện các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn hoặc theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ.

Như vậy, một cách tổng quát có thể hiểu “Rủi ro trong cho vay lại vốn ODA là khả năng xảy ra tổn thất trong quá trình cho vay lại của các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được ủy quyền do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết”(xem xét có nên đưa các tổ chức uỷ quyền vào đối tượng chịu tổn thất hay không).

Thực chất rủi ro trong cho vay lại ODA chính là rủi ro tín dụng trong hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng được ủy quyền cho vay lại ODA. Tuy nhiên, đặc thù của nguồn vốn ODA cho vay lại có khác với các nguồn vốn tín dụng thông thường khác cho nên rủi ro xảy ra đối với việc cho vay nguồn vốn này cũng chứa đựng những khác biệt nhất định.

Sự khác biệt trong cho vay lại ODA được thể hiện ở một số nội dung đã nêu ở phần trên như tính tự chủ trong cho vay, ngân hàng và các tổ chức tín dụng có chức năng cho vay lại đều thực hiện việc cho vay theo ủy quyền của Bộ Tài chính/ nhà tài trợ hoặc theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian vay khá dài, trung bình các dự án cho vay lại ODA có thời hạn từ 20 đến 40 năm. Các dự án được vay lại ODA thường chỉ giới hạn trong những ngành khó khăn cần thúc đẩy phát triển, trong từng lĩnh vực cụ thể như: hạ tầng cơ sở, y tế, nông lâm nghiệp và các dự án an sinh xã hội khác. Về lãi suất vay vốn rất thấp, được ấn định và không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng tín dụng. Những dự án được vay lại ODA hiện nay hầu hết là các dự án có suất đầu tư lớn mà hiệu quả không cao, khả năng thu hồi vốn chậm, không hấp dẫn đầu tư tư nhân. Do thời gian vay dài cộng với lãi suất khá thấp cho nên mức độ rủi ro trong việc cho vay lại ODA đối với dự án này cũng không cao. Tuy vậy, trong quá trình cho vay lại ODA cũng có một số trường hợp cho vay lại ODA bị rủi ro xảy ra, mặc dù tổn thất không lớn nhưng trong quản lý cần phải xem xét một cách nghiêm túc, ví dụ các dự án trồng rừng trong lĩnh vực Nông lâm nghiệp không phù hợp quay hoạch, không xem xét yếu tố tự nhiên, phát triển hệ thống giao thông nhưng không đồng bộ toàn tuyến... Những biểu hiện rủi ro trong cho vay lại ODA thường là nợ quá hạn (nợ gốc và lãi vay), dự án đình trệ hoặc khó khăn và phá sản dẫn đến không có khả năng thanh toán nợ vay.

Rủi ro trong cho vay lại vốn ODA bắt nguồn từ một số nguyên nhân cụ thể như: thời hạn vay quá dài, dự án không hiệu quả, gặp khó khăn trong quá trình triển khai, quy trình tín dụng và quản lý rủi ro của ngân hàng chưa chuẩn và chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ giá giữa các loại đồng tiền luôn biến động. Trong quản lý rủi ro đối với hoạt động cho vay lại vốn ODA cần xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng các nguyên nhân này để có những giải pháp quản trị phù hợp và hiệu quả. Khi nghiên cứu và phân tích rủi ro trong hoạt động cho vay lại vốn ODA thường thông qua một số tiêu chí cụ thể.

1.2.2.2. Các tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro trong cho vay lại vốn ODA

Theo phân tích ở mục trên, rủi ro trong cho vay lại ODA cũng chính là rủi ro tín dụng trong hoạt động của các ngân hàng nói chung. Rủi ro trong cho vay lại ODA được đánh giá qua một số chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ nợ gốc quá hạn/tổng dư nợ, tỷ lệ nợ gốc quá hạn/vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ gốc và lãi quá hạn/vốn chủ sở hữu, tỷ lệ số dư quỹ DPRR/vốn chủ sở hữu.

- Tỷ lệ nợ gốc quá hạn/tổng dư nợ. Chỉ số này phản ánh số tổng nợ gốc mà các dự án/ các chủ đầu tư bị quá hạn trả so với tổng dư nợ của ngân hàng tại một thời điểm xác định. Nếu tỷ lệ này thấp nghĩa là số nợ gốc từ cho vay lại ODA quá hạn không lơn so với tổng dư nợ vốn ODA cho vay lại, mức rủi ro không lớn. Nhưng tỷ lệ này lớn nghĩa là số nợ gốc quá hạn lớn, điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng rủi ro trong cho vay lại ở mức cao. Thông thường tỷ lệ này giới hạn ở mức nhất định cho phép của ngành ngân hàng.

- Tỷ lệ nợ gốc quá hạn/vốn chủ sở hữu. Chỉ số này phản ánh tổng số nợ gốc quá hạn so với vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Trong ngành thường hình thành một mức nhất định, nếu thấp hơn mức chung đó chứng tỏ rủi ro ít, quản lý rủi ro của ngân hàng tốt và ngược lại tỷ lệ này cao chứng tỏ năng lực quản trị kém, ngân hàng đang đối mặt với những rủi ro lớn.

- Tỷ lệ nợ gốc và lãi quá hạn/ vốn chủ sở hữu. Chỉ số này được xem xét tương đương chỉ số trên về mặt ý nghĩa. Nếu tại một thời điểm xác định, tỷ lệ này cao nghĩa là số nợ gốc và lãi quá hạn ở mức quá lớn so với vốn chủ sở hữu, điều này đồng nghĩa với mức độ rủi ro cao và ngược lại tỷ lệ này thấp tương ứng với mức độ rủi ro thấp.

- Tỷ lệ số dư quỹ DPRR/ vốn chủ sở hữu. Chỉ số này cũng được hình thành một mặt bằng chung tương đối trong ngành tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ này tại một thời điểm chỉ rõ cách thức và năng lực quản lý rủi ro của ngân hàng. Thường quỹ dự phòng rủi ro lớn đồng nghĩa với năng lực tài chính và tình trạng quản lý rủi ro tốt, ngược lại nếu tỷ lệ này thấp cũng có nghĩa là hoạt động quản lý rủi ro chưa được chú trọng.

1.2.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro trong cho vay lại ODA

a. Nhóm nhân tố thuộc về bản thân ngân hàng

- Thứ nhất, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng: Chất lượng cán bộ tín dụng bao gồm trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Đây là những nhân tố đầu tiên, có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tín dụng và công tác quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng. Đội ngũ chuyên viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu, không đáp ứng được yêu cầu sẽ trực tiếp trở thành nguyên nhân của nhiều loại rủi ro xảy ra trong cả quá trình thao tác nghiệp vụ. Bên cạnh đó, những chuyên viên có đạo đức nghề nghiệp kém cũng có thể trở thành nguyên nhân chủ quan của rủi ro phát sinh.

+ Quy trình tín dụng: Quy trình tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế sai sót khi cho vay và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro tín dụng. Quy trình tín dụng sẽ quy định rõ từng khâu công việc và trách nhiệm cụ thể của các cán bộ có liên quan. Nếu quy trình tín dụng đúng, hợp lý và khoa học đến từng khâu, từng chi tiết sẽ hạn chế tốt nhất khả năng sai sót trong thực hiện và từ đó làm giảm những rủi ro phát sinh. Ngược lại, quy trình tín dụng không chuẩn, thiếu tính khoa học sẽ trở thành một trong những nguyên nhân gây ra rủi ro của hoạt động tín dụng.

+ Chính sách tín dụng: Trên thực tế, quá trình hoạt động của một ngân hàng dựa trên cơ sở chính sách tín dụng thống nhất trong toàn hệ thống. Chính sách được xây dựng hợp lý trong từng giai đoạn cụ thể sẽ phát huy hiệu quả tín dụng cao. Những ngân hàng và tổ chức tín dụng thiếu chính sách tín dụng phù hợp hoặc chính sách không thống nhất, khi đó trong hoạt động tín dụng thường dựa trên kinh nghiệm cá nhân sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và nguy cơ rủi ro cao. Từ thực tế này cho thấy, những mục tiêu, định hướng phát triển trong chính sách tín dụng của ngân hàng cũng là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng.

+ Mô hình đánh giá rủi ro tín dụng:Mỗi ngân hàng phải hình thành và đưa vào sử dụng một mô hình đánh giá rủi ro cụ thể để có thể quản lý rủi ro tín dụng một cách thống nhất và hiệu quả. Mô hình được xây dựng và lựa chọn để đánh giá rủi ro phải phù hợp với tính chất, quy mô và độ phức tạp của các hoạt động trong ngân hàng đó.

b.Nhóm nhân tố thuộc về môi trường hoạt động của ngân hàng

Nhóm nhân tố thuộc về môi trường hoạt động của ngân hàng bao gồm: Khách hàng (chủ các dự án vay lại ODA), môi trường kinh tế, môi trường pháp lý, môi trường chính trị, hệ thống các chính sách có liên quan…

- Khách hàng của ngân hàng là những tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu và được vay vốn của ngân hàng. Lực lượng này có ảnh hưởng lớn đến rủi ro trong hoạt động cho vay của ngân hàng.

Khi khách hàng sử dụng vốn vay ngân hàng không đúng mục đích đã đưa ra trong đơn xin vay vốn như: sử dụng vốn vay vào kinh doanh không đúng mục đích và đối tượng; sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư trung dài hạn, đầu tư vào tài sản cố định... Những việc làm sai trái và không đúng cam kết này của khách hàng đều có thể là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra rủi ro cho ngân hàng và ảnh hưởng đến việc quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, rủi ro tín dụng còn có thể phát sinh từ những yếu tố như: sự yếu kém về năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm quản trị kinh doanh của người điều hành doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh của khách hàng; hoạt động kinh doanh của đối tác, bạn hàng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của khách hàng. Thêm nữa, rủi ro tín dụng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân mang tính chủ quan đó là quan điểm thiếu thiện chí trả nợ vay ngân hàng ngay từ khi nộp hồ sơ xin vay vốn.

- Môi trường kinh tế: là tổng hoà các mối quan hệ và các yếu tố về kinh tế tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Các yếu tố kinh tế như giá cả, lạm phát, lãi suất, tỷ giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, các yếu tố kinh tế luôn vận động và biến đổi theo những chiều hướng khác nhau, qua đó chúng tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có các ngân hàng. Như vậy, xét một cách tổng thể, môi trường kinh tế ảnh hưởng đến biến cố rủi ro tín dụng từ cả phía ngân hàng và phía khách hàng của họ.

-Môi trường pháp lý: Môi trường pháp lý bao gồm hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và những biện pháp để thực thi pháp luật. Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, mọi chủ thể kinh doanh đều có quyền tự chủ về hoạt động kinh doanh của mình nhưng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định. Hoạt động của ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng cũng không nằm ngoài những khuôn khổ pháp luật đó. Cụ thể quá trình ra đời, tồn tại và hoạt động các ngân hàng cũng phải tuân theo những bộ luật, những quy định có liên quan của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành, nghĩa là trong những tình huống và điều kiện cụ thể, họ được và không được làm gì đã được xác định rõ. Tuy nhiên trong các văn bản luật, các quy định được ban hành không đủ mức bao quát sẽ tạo ra kẽ hở và làm xuất hiện những rủi ro nhất định. Bên cạnh đó, các bộ luật, các quy định cũng nêu rõ cách thức giải quyết và xác định trách nhiệm khi rủi ro phát sinh. Từ đó cho thấy môi trường pháp lý là một trong số nhiều nhân tố tác động đến rủi ro trong hoạt động của ngân hàng.

- Môi trường chính trị: Môi trường này bao gồm các nhân tố chứa đựng tính chất chính trị như; quan điểm, đường lối của Chính phủ, vai trò của Chính phủ, mức độ và tình hình chính trị (chiến tranh, khủng bố, xung đột, tách nhập…). Các yếu tố trong môi trường chính trị hoàn toàn có thể thay đổi và biến động, do đó ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế mà cụ thể là hệ thống các doanh nghiệp trong đó có các ngân hàng. Khi có các biến cố chính trị xẩy ra, hầu hết nền kinh tế đi vào khó khăn, trong hoàn cảnh đó các ngân hàng chủ yếu đối mặt với những rủi ro và mất mát nhất định.

- Hệ thống các chính sách kinh tế có liên quan:

+ Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho các ngân hàng, nhưng nới lỏng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng lạm phát và tăng giá bất động sản một cách giả tạo, ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng trong tương lai.

+ Chính sách tỉ giá có tác động khác nhau đến từng ngành và hoạt động xuất nhập khẩu, tác động gián tiếp đến khả năng sinh lời và hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng. Thay đổi lớn về tỉ giá hay biên độ dao động quá lớn thường ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của khách hàng vay vốn và tăng nợ khó đòi, tác động đến ngân hàng sẽ lớn hơn nếu không có qui chế thích hợp về quản lý trạng thái ngoại hối của các ngân hàng. Trong nền kinh tế bị đô la hóa với qui mô lớn, rủi ro tỉ giá thường không cao nhưng rủi ro tín dụng rất lớn và bộc lộ rõ nét khi đồng bản tệ bị mất giá, làm giảm khả năng trả nợ các khoản vay ngoại tệ.

+ Chính sách tài khóa: do chính sách thuế thường có thiên hướng tăng thu ngân sách, những thay đổi đột ngột trong hệ thống thuế cũng có thể tác động tới giá tài sản và khả năng trả nợ của bên vay

+ Chính sách bảo hộ cũng ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, trong đó các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn là kênh chủ yếu cấp vốn cho khu vực doanh nghiệp nhà nước và cho vay với mức lãi suất ưu đãi, nhưng ngân sách nhà nước không cấp bù kịp thời ảnh hưởng đến nguồn vốn ngân hàng, tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Nhà nước ở mức cao. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngoài các yếu tố chủ yếu thuộc môi trường phân tích trên còn có một số yếu tố khác như: môi trường văn hóa xã hội, môi trường tự nhiên và môi trường công nghệ. Đối

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro trong cho vay lại ODA của ngân hàng phát triển việt nam (Trang 46 - 55)