1.2.1.1. Khái niệm rủi ro
Rủi ro có thể xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống và hoạt động của con người. Xã hội càng phát triển, hoạt động của con người càng đa dạng, phong phú thì rủi ro đối với con người càng nhiều và phức tạp.
Trong kinh doanh, các doanh nghiệp luôn phải đối phó với hàng loạt các sự kiện bất lợi, những nguy hiểm, bất trắc nằm ngoài sự mong đợi như: bão, lụt, đình công, khủng hoảng kinh tế… Những sự kiện này ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận dự kiến của doanh nghiệp và được coi là rủi ro. Trên thực tế, mọi quyết định kinh doanh của doanh nghiệp đều được đưa ra trong những điều kiện có rủi ro nhất định. Đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng mở rộng và liên tục biến đổi phức tạp thì rủi ro xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát hơn. Vấn đề đặt ra là nên nhận thức rủi ro cho các doanh nghiệp như thế nào để từ đó có những giải pháp hiệu quả.
Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về rủi ro và những quan điểm này không hoàn toàn thống nhất với nhau. Có thể chia làm hai luồng quan điểm: quan điểm truyền thống và quan điểm hiện đại.
- Theo quan điểm truyền thống
“Rủi ro là sự không chắc chắn về tổn thất” “Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất”
Trong từ điển Tiếng Việt do Trung tâm từ điển học Hà Nội xuất bản năm 1995 thì: “Rủi ro là điều không lành, không tốt, bất ngờ xảy đến”.
Như vậy, theo các quan điểm trên cho thấy, các khái niệm đều thống nhất khi đề cập tới hai thuộc tính cơ bản của rủi ro:
Một là, sự không chắc chắn (uncertainty): rủi ro là biến cố có khả năng xảy ra trong tuơng lai và không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn. Nếu biến cố là chắc chắn và có tổn thất thì đương nhiên đó không phải là biến cố rủi ro. Ví dụ, tài sản cố định được tính khấu hao hàng năm và giá trị của nó sẽ giảm dần theo vòng đời hoạt động của nó. Như vậy biến cố hao mòn và sự giảm dần về giá trị của tài sản cố định là chắc chắn, vì thế nó không phải là biến cố rủi ro. Như vậy, ở đây sự không chắc chắn của biến cố rủi ro dùng để chỉ khả năng một biến cố xảy ra có xác suất nằm giữa 0 và 1, do vậy nó hoàn toàn mang tính khách quan.
Hai là, kết quả là tổn thất, mất mát (loss): khi rủi ro xảy ra thì luôn đi kèm theo đó là tổn thất và thiệt hại về của cải hoặc con người. Tổn thất theo cách hiểu thông thường là sự thiệt hại, mất mát, chịu ảnh hưởng bất lợi về vật chất, tinh thần, cơ hội hoặc mối quan hệ do rủi ro đưa đến.
Điểm hạn chế dễ nhận thấy của quan niệm truyền thống về rủi ro là chỉ gắn rủi ro với tổn thất, thiệt hại. Việc định nghĩa rủi ro gắn liền với tổn thất là dễ hiểu và được chấp nhận trong thời gian dài vì chúng phần lớn được nghiên cứu và ứng dụng trong phạm vi bảo hiểm. Câu hỏi đặt ra là tổn thất và thiệt hại như thế nào và trong trường hợp nào thì được coi là rủi ro? Trong kinh doanh, khả năng kết quả cuối cùng sai lệch theo chiều hướng bất lợi so với dự tính cũng là một loại rủi ro. Quan niệm truyền thống về rủi ro đã không đề cập và bao quát được loại rủi ro này.
- Quan điểm hiện đại
Quan điểm hiện đại về rủi ro xuất hiện từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều loại rủi ro, các doanh nghiệp cũng quan tâm nghiên cứu, nhận dạng và quản lý rủi ro. Trong quá trình đó, người ta nhìn rủi ro với khía cạnh rộng, bao quát và tích cực hơn. Các doanh nghiệp thay vì sợ, né tránh rủi ro thì đã chủ động chấp nhận rủi ro. Trên thực tế luôn tồn tại một mối quan hệ tuyến tính giữa cơ hội và rủi ro. Các doanh nghiệp cần phải chấp nhận rủi ro để có cơ hội, không chấp nhận rủi ro tức là không có cơ hội (no risks, no oportunities). Các quan điểm theo hướng hiện đại khi nghiên cứu về rủi ro nêu như sau:
“Rủi ro là tình huống một biến cố không chắc chắn xảy ra và có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến mục tiêu của dự án”.
“Rủi ro là sự biến động tiềm ẩn ở những kết quả”.
Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm về rủi ro, có thể đưa ra một khái niệm chung nhất về rủi ro như sau:
“Rủi ro là tình huống khách quan trong đó tồn tại khả năng xảy ra sự sai lệch so với kết quả được dự tính hay mong đợi”.
Theo cách tiếp cận của quan điểm này rủi ro có một số đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, rủi ro là một biến cố khách quan. Rủi ro chịu ảnh huởng bởi các nhân tố từ môi trường khách quan gắn liền với sự kiện chứ không phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của con người về sự kiện đó.
Thứ hai, rủi ro gắn liền với sự không chắc chắn. Rủi ro là tình huống trong tương lai mà con người chỉ có thể dự đoán về khả năng xảy ra.
Thứ ba, sự biến động so với kết quả dự tính hay mong chờ là yếu tố cơ bản để xác định rủi ro. Khái niệm này bao hàm cả rủi ro gắn với các tổn thất và những rủi ro gây ra sự sai lệch so với kết quả mong đợi. Trong những tình huống cụ thể có thể sự sai lệch so với dự tính không gây ra tổn thất, doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận nhưng không cao như dự tính cũng được coi là rủi ro. Như vậy khái niệm này tạo ra được sự linh hoạt trong việc ứng dụng các công cụ lượng hóa trong quản lý rủi ro. Vì kết quả dự tính của con người là căn cứ để xác định và đánh giá rủi ro.
Thứ tư, rủi ro có thể đem lại kết quả thuận lợi (còn gọi là rủi ro ngược - upside of risk) hoặc thiệt hại, tổn thất và mất mát cho doanh nghiệp (còn gọi là rủi ro xuôi - downside of risk). Quan điểm này giúp các doanh nghiệp có cái nhìn rộng hơn về rủi ro. Bởi vì rủi ro là những sự kiện xảy ra trong tương lai, ngoài dự đoán nên kết quả cũng không thể lường trước được. Khi doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tức là đã chấp nhận rủi ro. Kết quả có thể tốt hơn hoặc kém hơn so với dự kiến.
1.2.1.2. Rủi ro trong hoạt động ngân hàng
Trên thực tế, các ngân hàng (không bao gồm ngân hàng Nhà nước) cơ bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, mục đích tồn tại và hoạt động là lợi nhuận kinh doanh. Trong hệ thống các ngân hàng cũng có một số ngân hàng tổ chức mô hình doanh nghiệp nhưng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận như NHPT, Ngân hàng Chính sách Xã hội… Tuy vậy, những ngân hàng này cũng đều hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, mặc dù lợi nhuận không phải là mục tiêu hoạt động nhưng bắt buộc phải tuân thủ quy tắc cơ bản nhất của hoạt động kinh doanh đó là bảo toàn vốn. Như vậy, trong quá trình hoạt động các ngân hàng (trong đó có NHPT và Ngân hàng Chính sách Xã hội) luôn phải quan tâm đến vấn đề liên quan đến vốn và bảo toàn vốn, nghĩa là phải tính đến yếu tố rủi ro trong hoạt động của ngân hàng. Việc nhận thức đúng đắn về rủi ro trong hoạt động của ngân hàng có ý nghĩa quan trọng trong quản lý những rủi ro phát sinh, đảm bảo hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Từ những phân tích về cách tiếp cận của các quan điểm ở mục 1.2.1.1 trên về rủi ro, có thể đưa ra quan điểm về rủi ro trong hoạt động của ngân hàng như sau:
“Rủi ro trong hoạt động của ngân hàng là những sự cố khách quan làm tổn thất vốn, tài sản và uy tín của ngân hàng trong phạm vi không gian và thời gian nhất định".
Tiếp cận theo quan điểm này sẽ đảm bảo tính toàn diện về rủi ro trong hoạt động của ngân hàng. Nghĩa là khi phát sinh những tình huống rủi ro nhất định thì sẽ xuất hiện
những sai lệch trong kết hoạt động. Sự sai lệch kết quả có thể mang lại cho ngân hàng tổn thất và cũng có thể (rất ít trường hợp) đưa đến những kết quả ngoài mong đợi, trường hợp này xảy ra gọi là rủi ro ngược.
Tuy nhiên, trong thực tế, các tình huống rủi ro của ngân hàng hầu hết đưa đến những tổn thất và mất mát về tài sản và thu nhập vì thế có thể đưa ra một cách tiếp cận khác được chấp nhận rộng rãi hiện nay về rủi ro ngân hàng như sau:
“Rủi ro ngân hàng là những biến cố khách quan xảy ra, gây mất mát thiệt hại tài sản, thu nhập của ngân hàng trong quá trình hoạt động”
Quan điểm này về rủi ro của ngân hàng cơ bản phản ánh đúng thực trạng rủi ro trong ngành ngân hàng trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay.
- Phân loại rủi ro ngân hàng:
Phân chia rủi ro theo các loại tài sản có các loại rủi ro: Rủi ro trong quản lí và kinh doanh ngân quỹ; rủi ro tín dụng, rủi ro trong quản lí và kinh doanh chứng khoán; rủi ro trong cho thuê; rủi ro đối với các tài sản khác của ngân hàng.
Nếu phân chia rủi ro theo nguyên nhân và các yếu tố tác động các loại rủi ro sau:
Rủi ro tín dụng; rủi ro lãi suất; rủi ro hối đoái; rủi ro do thanh khoản; rủi ro tồn đọng vốn và các loại rủi ro khác.
1.2.1.3. Rủi ro tín dụng
Tín dụng là một trong những hoạt động quan trọng nhất của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Với tư cách là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng chính là hoạt động gắn liền với đầu ra của các doanh nghiệp này.
Theo khoản 8 điều 20 Luật các TCTD “hoạt động tín dụng là việc tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn tự có, nguồn vốn huy động để cấp tín dụng”.
Theo khoản 10 điều 20 Luật các TCTD “Cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng thỏa thuận để khách hàng sử dụng một khoản tiền với nguyên tắc có hoàn trả bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác”.
Trong hoạt động tín dụng, biến cố rủi ro luôn có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm và trong bất kỳ công đoạn nào. Tương ứng đối với mỗi loại tín dụng trên, các tình huống rủi ro hoàn toàn có thể khác nhau đưa đến cho ngân hàng những mức độ tổn thất khác nhau. Do đó, trong hoạt động tín dụng các ngân hàng luôn phải tính toán và xem xét yếu tố rủi ro, coi đó là một trong những nội dung quản trị.
a. Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng là loại rủi ro cơ bản thường gặp trong hoạt động ngân hàng. So với các loại rủi ro khác của ngân hàng, loại rủi ro này thường làm cho ngân hàng bị tổn thất nhiều hơn.
Khi nghiên cứu, xem xét về rủi ro tín dụng có một số quan điểm sau:
- Rủi ro tín dụng là khả năng khách hàng không trả, hoặc trả không đúng hạn, hoặc không trả đầy đủ gốc và lãi cho ngân hàng.
- Theo Qyết định số 493/2005/QĐ-NHNN, rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng do khách hàng không thực hiện mục tiêu hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết.
- Theo Basel: rủi ro do tính không chắc chắn về khả năng hay sự sẵn sàng của đối tác trong việc đáp ứng các nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng.
Từ những quan điểm nghiên cứu này có thể quan niệm rủi ro tín dụng một cách đơn giản như sau:
“Rủi ro tín dụng là khả năng xẩy ra tổn thất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng do khách hàng không thực hiện theo đúng cam kết với ngân hàng”
b. Đặc điểm và yếu tố xác định rủi ro tín dụng
- Rủi ro tín dụng gắn với hoạt động tín dụng của ngân hàng, ở tất cả các loại hình tín dụng bao gồm: cho vay, bảo lãnh, cho thuê, chiết khấu thương phiếu, đồng tài trợ…
- Rủi ro là yếu tố khách quan nhưng vẫn nhận biết được, có khả năng đo lường được (khác với sự không chắc chắn là không nhận dạng và không đo lường được). Tuy nhiên, rủi ro tín dụng không thể bị loại trừ triệt để mà chỉ có thể bị hạn chế sự xuất hiện cũng như tác hại của chúng gây ra.
* Các yếu tố xác định rủi ro gồm có giá trị đo lường xác suất không trả được nợ (PD), tỷ lệ tổn thất khi khách hàng không trả được nợ (LGD), dư nợ của khách hàng tại thời điểm không trả được nợ (EAD), tổn thất ước tính (EL).
EL= EAD x PD x LGD EL port = ∑ EL loan
+ EL (expected loss): tổn thất ước tính --> hỗ trợ hiệu quả thực hiện swap tín dụng, chứng khoán hoá các khoản
+ PD (Probility of Default): cho biết khả năng không trả được nợ của khách hàng trong 1 khoảng thời gian nhất định. Giá trị của PD thay đổi từ 0 đến 1. Cơ sở tính toán là các số liệu về các khoản nợ trong quá khứ của khách hàng (nợ đã trả, nợ trong hạn, nợ không thu hồi được). Theo Basel II để tính nợ của khách hàng trong 1 năm thì ngân hàng phải tập hợp đủ ít nhất dữ liệu trong vòng 5 năm là căn cứ xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng
+ EAD (Exposure At Default): tổng dư nợ của khách hàng tại thời điểm không trả được nợ. Đối với khoản vay từng lần thì tính toán EAD dễ dàng. Nhưng đối với khoản vay hạn mức, theo Basel EAD được tính toán như sau:
EAD= Dư nợ bình quân + LEQ x hạn mức tín dụng chưa sử dụng tính bình quân LEQ (Loan Equivalent Exposure): tỷ trọng phần vốn chưa sử dụng có nhiều khả năng sẽ được khách hàng rút thêm tại thời điểm không trả được nợ. Do vậy LEQ x undrawn là phần dư nợ khách hàng rút thêm tại thời điểm không trả được nợ ngoài mức dư nợ bình quân. Ước lượng LEQ dựa trên dữ liệu lịch sử về khách hàng, gồm các nhân tố loại hình cho vay, khế ước, đánh giá trả nợ của khách hàng, loại hình doanh nghiệp...
+ LGD (Loss Given Default): là tỷ trọng phần vốn bị tổn thất trên tổng dư nợ tại thời điểm khách hàng không trả được nợ. Tử số tính toán bao gồm tổn thất phần gốc, lãi quá hạn, chi phí hành chính như chi phí xử lý tài sản thế chấp, chi phí dịch vụ pháp lý...
LGD = (EAD- số tiền có thể thu hồi)/EAD
Nhân tố ảnh hưởng quyết định tới Số tiền thu hồi là tài sản bảo đảm và cơ cấu tài sản của doanh nghiệp
c. Tiêu chí phản ánh rủi ro tín dụng
- Tiêu chí định lượng.
+ Nợ quá hạn và tỷ lệ nợ quá hạn (Nợ quá hạn là khoản nợ mà khách hàng không trả được khi đã đến hạn thỏa thuận ghi trên hợp đồng).
+ Nợ khó đòi và tỷ lệ nợ khó đòi (Nợ khó đòi là khoản nợ quá hạn đã quá một kỳ gia hạn nợ, hoặc không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không bán được, con nợ thua lỗ triền miên, phá sản. Thời hạn nợ tồn đọng khá lâu, có thể kéo dài trên 1 năm, 2-3 năm hoặc lâu hơn và rất khó giải quyết). Tỷ lệ nợ xấu cao thì rủi ro xảy ra càng cao và có thể dẫn đến tổn thất một phần vốn hoặc mất toàn bộ vốn. Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ nợ xấu không được vượt quá 5%.
+ Hệ số rủi ro tín dụng: tỷ lệ tổng nợ cho vay so với tổng tài sản. Hệ số càng cao thì lợi nhuận càng cao nhưng đồng nghĩa với rủi ro cao.
- Tiêu chí định tính: tính đa dạng hoá của tài sản, xếp hạng tín dụng khách