ODA cũng là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là được sử dụng để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cho người dân Malaysia. Việc quản lý ODA được thực hiện một cách tập trung ở một cơ quan đầu mối duy nhất đó là Văn phòng Kinh tế Kế hoạch của Malaysia. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch về thu hút, quản lý và sử dụng ODA ở cấp Trung ương, đồng thời phê duyệt các chương trình, dự án, và quyết định phân bổ ODA để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
Công tác theo dõi, đánh giá việc thực hiện các dự án, chương trình ODA được chính phủ Malaysia rất chú trọng và được thực hiện ngay từ khâu lập kế hoạch của dự án, mặc dù nước này cũng chưa xây dựng được phương pháp giám sát một cách chuẩn mực. Những hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ phía các nhà tài trợ được Malaysia đặc biệt coi trọng nhằm nâng cao năng lực con người thông qua các lớp đào tạo. Đặc biệt, Malaysia thực hiện rất nghiêm túc việc phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong việc kiểm tra đánh giá việc thực hiện các dự án ODA. Việc kiểm tra đánh giá được thực hiện bằng cách hài hòa hệ thống đánh giá, khuyến khích việc phối hợp thực hiện giữa nhà tài trợ và nước nhận viện trợ. Theo đó, nội dung kiểm tra đánh giá được thực hiện trên cơ sở xem xét tính hiệu quả của dự án so với các chính sách, chiến lược đã được đề ra cũng như là chú trọng vào việc nâng cao hiệu quả thực hiện và kết quả đầu ra của dự án có đúng với mục tiêu ban đầu không.
Công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc triển khai dự án, chương trình ODA được thực hiện một cách thường xuyên nhằm tăng cường tính minh bạch, hạn chế những thất thoát lãng phí trong việc sử dụng nguồn vốn ODA. Nhìn chung, công tác quản lý và sử dung nguồn vốn ODA của Malaysia đã đạt được những thành công nhất định trong việc đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện nguồn vốn đồng thời đảm bao cho việc đạt được các mục tiêu cụ thể mà cả nhà tài trợ và quốc gia tiếp nhận đặt ra.