Chị vẫn sống trong lòng Đức Phổ

Một phần của tài liệu Chuyện về cuốn nhật ký sau 35 năm lưu lạc - Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Trang 57 - 61)

- người lính Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký suốt hơn 30 năm qua

Chị vẫn sống trong lòng Đức Phổ

TT - Ở Quảng Ngãi, khi gặp lại những người từng quen thân chị Trâm, chúng tôi muốn tìm thêm những thương binh mà chị trực tiếp điều trị. Trong nhật ký ngày 28-4-1969, chị viết: “… Mấy ca thương được chuyển đi, còn lại Kiệm, một thương binh cố định gãy xương đùi… Kiệm lớn xác nặng quá, hai chị em không thể nào nhấc lên được...”.

“Cái chân tôi còn là nhờ chị”

Tập sách in nhật ký của chị có chú thích: “Không phải anh

Trương Văn Kiệm mà là Nguyễn Đức Kiệm, hiện là trưởng Phòng tổ chức - LĐTB&XH huyện Đức Phổ... Anh Đức Kiệm kể là sau khi chị Trâm và mấy em không khiêng được anh ấy xuống trốn tạm ở hố, chị Trâm đã đi gọi anh Thông đến cõng anh”. Kể xong chuyện cũ, anh bùi ngùi nói: “Tôi biết tính chị ấy mà, trong lúc nguy kịch nhất, chị sẵn sàng hi sinh chứ không nỡ bỏ một ai. Nhờ vậy mà tôi sống đây...”.

Nhưng còn anh Trương Văn Kiệm, dũng sĩ diệt Mỹ? Anh nghỉ hưu đã lâu nên hỏi mãi chúng tôi mới tìm được.

Chúng tôi theo lộ Đức Phổ - Phổ Vinh đến nhà anh. Trước đây là con lộ dẫn về căn cứ Phổ Vinh của Mỹ. Thôn Lâm An, xã Phổ Minh, quê anh nằm dọc theo lộ này, hồi ấy là vành đai trắng. Đạn bom cày xới đến mức cả làng muốn kiếm một cái cây làm đòn khiêng cũng không có, phải qua Phổ Vinh xin. Hiện anh ở trên phần đất của cái miếu Cô, hồi trước cha mẹ anh cũng không có đất, không có nhà, phải xin cái miếu làng mà ở. Anh đón chúng tôi, vóc dáng vạm vỡ, chắc nịch. Tuy nhiên khi anh bước đi, chúng tôi mới biết anh chân thấp chân cao.

“Các anh ngồi đi. Hỏi chuyện bác sĩ Trâm phải không?”. Hỏi rồi anh lặng im. Bỗng anh nhấc chân phải, từ từ kéo ống quần lên gối: “Đây, các anh thấy không?”. Chúng tôi thấy nơi ống chân, phía trong, một cái thẹo lớn ăn sâu vào, sần sùi, làm ống chân anh cong lại. Thoa thoa vào cái thẹo, anh nói: “Ba mươi lăm năm rồi, hễ cứ thấy nó là tui nghĩ đến bác sĩ Trâm. Nói thiệt với các anh, cái chân tôi còn là nhờ chị”.

Anh kể: Khoảng đầu tháng 8-1968 (bấy giờ anh mới 19 tuổi, đã là đội trưởng đội quyết tử 53 do xã ủy Phổ Minh tổ chức, chuyên diệt ác, phá kềm), trước khi đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua Trung Trung bộ, anh quyết “làm một vố nữa”: thọc vào ấp diệt ác. Anh đến chỗ vực Lách, Y sĩ Tho (bìa phải), người đã phụ

cõng anh Nguyễn Đức Kiệm (thứ hai từ phải sang), đang kể lại câu chuyện năm xưa với PV Hàng Chức Nguyên - Ảnh: Duy Thông

núi Sầu Đâu thì bị mấy tên Mỹ phục bắn trúng vào ống chân. Anh ngồi kéo chân lên xem thử vết thương thì bị “nó chơi một phát nữa vào đùi, sát háng, làm tui quị luôn”.

Anh lết vào mép sông, núp ở bụi chà gọng rồi bò, bò mãi đến cống Ông Kim thì kiệt sức. Giấu khẩu Garant vào bụi, lấy hai trái lựu đạn cầm tay, chuẩn bị quyết tử... Sáng, tỉnh dậy, thấy bà thím dâu đi dẫy cỏ, anh kéo nhánh chà gọng xuống, cột chiếc khăn đỏ có dòng chữ “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vào rồi cho nhánh cây bật lên...

Đến trưa bà con gom lại được một bầy bò, cột anh giữa hai con bò, lùa đi, đưa anh vào làng. Mỹ lại vây, bố ráp, ai cũng nói chắc anh chết. Khi mở được đường máu đưa anh lên trạm xá Bác Mười, anh gặp chị Trâm và giữ mãi hình ảnh chị trong lòng.

Bệnh xá không còn thuốc tê, chị định trói anh lại để phẫu thuật, anh không chịu: “Cứ làm, khỏi trói, tui chịu được”. Vết thương cứ lầy nhầy mãi, bao nhiêu lần anh yêu cầu bệnh xá “cưa quách cho rồi”, nhưng mỗi lần như thế chị Trâm lại đến bên anh. Anh vẫn nhớ cái giọng nói nhỏ nhẹ, hiền dịu của chị: "Vết thương sẽ lành, em à. Có lẽ sẽ không còn tác dụng nhiều nhưng mà vẫn còn thấy cái bàn chân mình, ngón chân mình...”. “Tui nhớ suốt đời”, đang kể chuyện, bỗng anh nói thế, rồi im lặng, quay nhìn ra phía cửa sổ.

Con người từ đầu đến chân vẫn còn rất nhiều mảnh đạn ấy, con người có rất nhiều giấy chứng nhận của quân giải phóng miền Nam về thành tích nào là “dũng sĩ diệt Mỹ 10 lần ưu tú”, nào là “dũng sĩ bắn máy bay”... ấy, khi xúc động vẫn cứ thấy mình ngượng nghịu. Đó là những lúc câu chuyện của anh quay lại chuyện chị Trâm: “Không chỉ cầm dao, cầm kéo chữa cho bệnh nhân đâu nha, chị còn làm vệ sinh cá nhân, đổ bô, giặt áo giặt quần cho tụi tui nữa... Hiếm lắm mà, trên cả lương y là từ mẫu, cha mẹ nữa mà”.

Hồi anh ở trạm xá có trên dưới 100 ca thương binh, có những ngày hết lương thực, đói... “Chị nhịn, vận động anh em nhịn dành phần cho tụi tui. Bom thả, thiếu hầm, chị nhường hầm cho tụi tui...”. Trong hầm khoét vào vách núi, chỗ anh nằm có treo một cái thùng thiếc, cần gì anh gọi. “Mỗi lần tôi rung chiếc thùng thiếc là liền nghe bước chân chị...”.

Vần thơ, vườn cây để lại Ông Trương Văn Kiệm, người đã được bác sĩ Trâm cứu chữa bàn chân còn nguyên vẹn đến ngày nay

Ở Phổ Cường, Đức Phổ, nơi mà trong nhật ký chị Trâm luôn bày tỏ lòng nhớ thương hết mực, giờ đây vẫn còn những vườn cây thuốc nam. Có chỗ người ta cứ gọi “thuốc chị Trâm”. Chị Tạ Thị Ninh, ở thôn Nga Mân, hiện làm ở trạm y tế xã Phổ Cường, mà trong nhật ký ngày 4-1-1969 chị Trâm ghi: “Nằm bên Ninh nghe nói chuyện...”.

Hồi ấy chị Ninh ở dân y huyện, rồi về trạm xá, thường đưa chị Trâm đi cơ sở, kể: “Về Nga Mân là chị ở nhà tôi. Nhà tôi có bốn cái hầm. Anh Văn

Giá, người chụp nhiều tấm ảnh của chị Trâm, cũng ở đây. Mỹ càn, anh theo du kích lên núi thì bị bắn chết chỗ ruộng. Còn chị Trâm thì ở cái hầm chỗ chuồng vịt kia kìa”. Chị chỉ tay về phía chuồng vịt. Nơi gần chuồng vịt vẫn còn những cây thuốc...

Có thời gian tắc đường, địch đánh ác liệt quá, trạm xá thiếu thuốc, chị Trâm đã xuống Phổ Cường, Phổ Hiệp vận động dân, các em thiếu nhi làm thuốc, trồng cây thuốc. Có những đêm thật nhộn nhịp, chị tổ chức thiếu nhi đi bứt dây kinin đem về cho các dì các chị xắt, phơi tán nhỏ trộn với bột gạo, rồi cưa vỏ đạn làm khuôn in thành viên. Đó là thuốc trị sốt rét. Để rửa vết thương thì có lá trầu; cứ hái vò lấy nước đem lọc rồi nấu lên cho vào chai.

Anh Trương Văn Đượm, hiện ở Nga Mân, hồi ấy trong đội thiếu nhi vẫn còn nhớ những ngày tháng ấy. Anh kể: “Chị thương tụi tui lắm, chị thường nói mình phải tự lực cánh sinh, dùng cây nhà lá vườn để giúp các anh thương binh...”. Để có “thuốc bổ” cho các anh, chị nói bà con kiếm hà thủ ô, củ cây lạc tiên nấu sệt lại bỏ vào chai.

“Không biết từ đâu chị có - chị Ninh nói - nhưng một lần chị đưa hạt cây xuyên tâm liên cho bà con rải. Chị nói để giã thành bột trộn với bột nếp làm thuốc sát trùng...”. Cứ như vậy, từ Phổ Cường, Phổ Hiệp, những bao thuốc tự chế ấy được cõng qua đèo, qua suối, qua đạn bom đưa lên trạm xá Bác Mười.

Về những vùng đất này, ít nhiều chúng tôi cũng có thể hình dung được cảnh xóm làng điêu tàn, đổ nát do địch thả bom, rồi chà đi xát lại, sống chết có thể diễn ra trong một giây, nhưng thật tình chúng tôi không thể hình dung được trong cảnh ấy, trong thời gian chỉ hơn ba năm ấy mà sao chị Trâm, cô bác sĩ người Hà Nội, lại có thể làm được quá nhiều việc và để lại quá nhiều tình thương như thế! Nhiều người vẫn không quên được việc chị đi vận động bà con ăn sạch, uống sạch. Chị

vận động cả việc “đi tiêu nhớ mang theo cây cuốc” nữa. Ở rừng, chị vận động được một buôn người dân tộc biết vào trạm xá khám thai, sinh nở.

Không chỉ để lại tình thương cho Đức Phổ, chị còn để lại những vần thơ nằm mãi trong lòng người ở đây. Anh Trần Văn Trường, một trong những người thân thiết của chị Trâm, ở Quy Thiện, Phổ Hiệp, hiện là phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi, đã chép gửi cho chúng tôi một bài thơ của chị.

Chúng tôi hỏi: “Anh ghi ở đâu mà còn?”. Anh chỉ vào đầu, nói: “Trong đầu chớ đâu? Còn, còn mãi”. Đó là bài thơ khi một lần chị rời Phổ Hiệp đi công tác về bắc Quảng Ngãi đã viết gửi tặng các em thiếu niên ở xã: “...Chị đi xa cửa xa nhà / Đến đây chị đã coi là quê hương / Nhớ sao những buổi giặc càn / Tiếng la, tiếng mõ ầm vang cả trời...”.

Ở Phổ Cường có món cua đồng rán, cua đồng lăn mắm rất ngon, bà con thường ăn. Thường ăn, ấy vậy mà có người mãi đến giờ cứ mỗi lần ăn cua đồng lại nhớ đến chị Trâm, nhớ đến bài thơ chị Trâm để lại: “Ninh, em có nhớ chị không? / Chị nhớ em mãi cua đồng rán thơm / Mỗi lần tới bữa ăn cơm / Chị lại thầm nhớ mùi thơm cua đồng…”.

Ba mươi lăm năm, nằm trong lòng đất lạnh, dĩ nhiên chị không còn “tới bữa ăn cơm” nữa, không còn “thầm nhớ mùi thơm” nữa, nhưng chị Ninh (Tạ Thị Ninh) thì vẫn nhớ chị, mỗi lần tới bữa cơm có món cua đồng. Có đêm, chị Ninh ra ngồi ở đầu hè nhìn ra chỗ chuồng vịt, nơi ngày xưa có căn hầm chị Trâm ở, rồi nhẩm đọc bài thơ và không cầm được nước mắt...

Trang nht ký cui cùng ca BS Đặng Thùy Trâm ghi ngày 20-6-1970. Đó là ngày kinh khng: trm xá b bom phá tan hoang ch còn li tám người, năm thương binh nng và ba ph n. “Cui cùng cũng phi hai người đi. Ch Lãnh và Xâng ra đi...”. Như vy ch còn mình ch Trâm và năm thương binh. Đến ngày 22-6-1970 thì ch hi sinh trên đường... Điu gì

đã đến vi ch trong ngày, đêm 21-6? PV Tuổi Trẻ đã đi tìm...

Một phần của tài liệu Chuyện về cuốn nhật ký sau 35 năm lưu lạc - Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Trang 57 - 61)