Fred Whitehurst: "Tôi muốn cả thế giới biết đến

Một phần của tài liệu Chuyện về cuốn nhật ký sau 35 năm lưu lạc - Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Trang 79 - 82)

- người lính Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký suốt hơn 30 năm qua

Fred Whitehurst: "Tôi muốn cả thế giới biết đến

Đặng Thùy Trâm"

Đến Hà Nội sáng 7-8, Fred Whitehurst - người cựu binh Mỹ đã giữ di vật của các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - dường như phải cố gắng lắm để không bật khóc trước sự đón tiếp của gia đình các liệt sĩ và bất ngờ nhất là những cựu phóng viên chiến trường thuộc Tiểu ban Điện ảnh Quân khu 5 trước đây.

Hoa, những bàn tay nắm trong tay và những lời thăm hỏi ân cần khiến Fred có lúc không nói nên lời. Fred hỏi thăm "các em gái Trâm và mẹ Trâm của tôi". Rồi ông được giới thiệu với những phóng viên chiến trường năm xưa, những người đã từng ở bên kia chiến tuyến với ông.

Fred nói với chúng tôi ngay khi vừa xuống máy bay: "Tôi muốn khóc... bạn còn quá trẻ, bạn không hiểu được đâu..." - sự xúc động khiến Fred nghẹn ngào không thể tiếp tục. Gần một tiếng sau, khi về tới Hà Nội, cuộc trò chuyện của chúng tôi với Fred vẫn đôi lúc bị gián đoạn bởi cảm xúc và ký ức ùa về trong Fred:

"Trong những ngày sắp tới ở VN, tôi định thăm gia đình chị Trâm, chị Hiên, sẽ đi Đức Phổ, Quảng Ngãi - nơi tôi đã ở trong chiến tranh. Tôi cũng muốn nói với mọi người về cuốn nhật ký, về cuộc đời của Đặng Thùy Trâm. Tôi tin rằng Trâm là anh hùng không chỉ của VN mà của cả thế giới. Chị Trâm là người tận tâm, một người tốt, là tấm gương để bất kỳ ai trên thế giới này có thể noi theo. Tôi muốn câu chuyện về chị được kể lại cho mọi người".

* Ông sẽ trở lại Phổ Cường - nơi ông nhặt được cuốn nhật ký. Ông nghĩ về chuyến đi đó?

- Tôi rất xúc động. Cũng như những người lính ở đây, tôi đã từng chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh. Tôi muốn nhìn lại nơi Trâm đã hy sinh. Tôi cũng muốn nhìn thấy Đức Phổ. Cũng như ở thành phố quê hương tôi, Đức Phổ là một làng nhỏ của những người dân không màng vàng bạc châu báu, họ chỉ mong muốn tự do, chỉ mong muốn được quan tâm đến gia đình mình. Tôi không muốn nhìn Đức Phổ như là một chiến trường mà là Đức Phổ bây giờ, với những gì đã diễn ra từ bấy tới nay.

* Phổ Cường trong ký ức ông như thế nào nhỉ?

Ông Fred Whitehurst (trái) cùng hai em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, cạnh họ là chị Bùi Thị Ngọc Hiên - vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá trò chuyện với Robert Whitehurst

- Tôi nhớ Phổ Cường rất rõ. Tôi ở Đức Phổ 2 năm rưỡi. Với tôi, đó là vùng đất rất đẹp, những cánh đồng lúa trải dài dưới chân núi, biển. Đó là vùng đất của những con người chăm chỉ, với những ước muốn giản dị, ngay cả trong chiến tranh mọi người vẫn biết vượt qua bi kịch để mỉm cười. Họ đã vượt qua tất cả. Tôi nhớ rõ về Phổ Cường, Đức Phổ như mới hôm qua.

* Khi đến Phổ Cường, có lẽ ông sẽ gặp lại những người dân trong các bức ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá. Theo truyền thống, người VN sẽ đón tiếp ông một cách ấm áp. Ông có hình dung được không?

- Tôi không biết nữa... (Fred ngập ngừng và khóc). Tôi hy vọng như vậy. Tôi sẽ hiểu cho dù họ phản ứng thế nào đi nữa. Nếu họ không đón tiếp tôi, thì tôi cũng hiểu được. Nếu họ đón tôi như mẹ Trâm đã đón, thì thật đẹp làm sao. Tôi biết rằng truyền thống của người VN là tha thứ. Người VN đã hàng nghìn năm bị giặc ngoại xâm, nhưng họ đẩy lùi giặc và tha thứ. Vì vậy, nếu họ ngồi xuống nói chuyện với tôi thì tôi sẽ rất hạnh phúc. Anh trai tôi và tôi muốn biết nhiều hơn về chị Trâm, về những người bạn của chị.

* Mong muốn lớn nhất của ông trong chuyến đi này là gì?

- Điều quan trọng nhất mà tôi muốn là thế giới phải biết đến Đặng Thùy Trâm.

* Ông có nghĩ là ông đã làm được một việc quan trọng khi lưu giữ và tìm trả lại các kỷ vật không? Thủ tướng của chúng tôi cũng quan tâm đến việc đó.

- Tôi rất vinh dự được Thủ tướng Phan Văn Khải quan tâm. Có điều mọi sự chú ý cần dành cho chị Trâm và cuốn nhật ký của chị ấy. Đó là sự hy sinh của chị. Tôi chỉ là người giữ và anh trai tôi là người giúp làm cho mọi người biết đến cuốn nhật ký. Tôi hy vọng là ở Mỹ, mọi người cũng sẽ lắng nghe và sẽ đọc cuốn sách.

* Tại sao ông lại khóc khi mọi người giới thiệu cho ông những người lính VN ở Đức Phổ?

- Họ biết điều mà tôi biết. Tôi rất vinh dự khi họ ra sân bay đón tôi, nhưng họ biết điều mà tôi biết. Họ đã biết đến chiến sự dữ dội. Họ biết đến cái chết, vậy mà họ vẫn ra đón tôi. Tôi tràn ngập cảm xúc. Tôi cảm thấy kiệt sức rằng họ có thể ra sân bay đón tôi. Tôi nhớ lại quá nhiều điều về cuộc chiến tranh và không ngăn được nước mắt. Khi đọc cuốn nhật ký cũng vậy, tôi không thể đọc thêm vì nó làm tôi khóc. Quá nhiều kỷ niệm... Nhưng tôi biết rằng các phóng viên chiến trường cũng biết điều mà tôi biết. Chúng tôi có chung một ký ức.

Từ đầu thập kỷ 1990, Fred đã bắt đầu tìm kiếm người thân của những Việt cộng mà ông lưu giữ kỷ vật. "Tôi đã mất nhiều năm để hỏi câu hỏi ở đâu? ở đâu? ở đâu?". Hành trình ấy đến bây giờ có lẽ đang bước vào chương cuối, nhưng lại mở ra một hành trình mới, có thể sẽ là một sự gắn bó nào đó với đất nước mà trong những năm tuổi trẻ, ông từng cầm súng chống lại.

Một phần của tài liệu Chuyện về cuốn nhật ký sau 35 năm lưu lạc - Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Trang 79 - 82)