Thông điệp của trái tim

Một phần của tài liệu Chuyện về cuốn nhật ký sau 35 năm lưu lạc - Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Trang 74 - 76)

- người lính Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký suốt hơn 30 năm qua

Thông điệp của trái tim

TT - Thế là ròng rã nhiều ngày, trang báo Tui Tr giới thiệu câu chuyện về cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm đã tạm khép lại. Câu chuyện tựa như chuyện cổ tích ấy đã khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa lý tưởng vốn đã ấp ủ sâu kín trong trái tim của tuổi trẻ VN.

Ngọn lửa từ trái tim của một thế hệ tuổi trẻ trong chiến tranh đã

ngời sáng mãi lý tưởng của thế hệ trẻ hôm nay đang gánh trên vai mình sự nghiệp cao cả mà thế hệ đi trước đã trao lại.

Phải có con mắt tinh đời và một trái tim biết yêu thương sâu nặng mới thấy được “lửa” trong cuốn nhật ký tình cờ tìm thấy trong đống tro tàn của chiến tranh để đưa ra lời khuyên “đừng đốt cuốn sổ này.

Bản thân trong nó đã có lửa rồi!” (Nhật ký Đặng Thùy Trâm - tr.21). Đó là lời của một người lính đứng bên kia trận tuyến của tác giả cuốn nhật ký, thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu. Và rồi lời nhắn nhủ “các bạn trẻ, với điều bạn học được từ những gì cô ấy viết, hãy chiến đấu chống đói nghèo với lý tưởng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm bằng cách hi sinh những niềm vui tầm thường... Hãy xem Tổ quốc các bạn cần gì trước khi tính toán đến nhu cầu của bản thân và nuôi dưỡng tinh thần của bác sĩ Đặng Thùy Trâm” (Tuổi Trẻ ngày 3-8-2005), cũng từ một người đã từng là lính Mỹ trên chiến trường, nơi Thùy Trâm đã ngã xuống, tiến sĩ Frederic Whitehurst, người đã trân trọng giữ gìn cuốn nhật ký của Thùy Trâm trong suốt 35 năm để hôm nay chúng ta có may mắn được đọc.

Càng hiểu hơn nhân cách và bản lĩnh của tác giả cuốn nhật ký khi biết về người mẹ của chị, cũng như tấm lòng cao cả của con gái mình, cụ bà Doãn Ngọc Trâm “càng nghĩ càng thương bao nhiêu bà mẹ khác. Họ cũng có con đi chiến đấu như Thùy, cũng hi sinh như Thùy, nhưng không may mắn để lại được chút tâm sự như Thùy. Có những bà mẹ đến giờ này vẫn chưa biết con mình nằm lại nơi đâu” (Tuổi Trẻ ngày 4-8-2005).

Và bên kia đại dương, nhạy cảm cũng với một trái tim người mẹ, mẹ của Frederic Whitehurst, khi được con trai mình cho xem hai cuốn sổ nhật ký tìm được tại chiến trường VN xa xôi, hiểu sâu sắc về con mình, bà đã khuyên Fred “hãy cẩn thận bởi vì hai cuốn sổ này có thể thiêu cháy cuộc đời anh”. Mà quả vậy, “trái tim Fred luôn bị nung nấu vì ngọn lửa tỏa ra từ hai cuốn sổ nhỏ

ố vàng” (tr.23) của người con gái xa lạ đã chết trong ngọn lửa chiến tranh mà chính anh buộc phải tham gia.

Đúng như lời của người chỉnh lý cuốn nhật ký, Đặng Kim Trâm thiết tha muốn nhìn vào mắt người đã thấy được trong cuốn nhật ký của chị mình “có lửa”, tìm cách giữ gìn nhằm làm cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên trong trái tim mọi người để “nói với nhau rằng tiếng nói của tình yêu và khát vọng hòa bình có thể vượt qua mọi chiến tuyến để đến với những trái tim tốt lành” (tr.27). Cuốn nhật ký của một người con gái VN hi sinh cách đây 35 năm đã vượt xa ý định của người viết, nó đã đảm đương được một sứ mệnh cao cả: “là một cây cầu, một con đường bắc qua dòng sông chứa chất những vô tình, những cay đắng, những lòng tin lầm lạc” mà Robert Whitehurst, anh trai của người lính Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký, viết trong thư gửi đến mẹ của Thùy Trâm (Tuổi Trẻ ngày 28-7-2005).

Ngọn lửa trong cuốn nhật ký ấy vẫn cháy sáng mãi mãi khát vọng sống mãnh liệt mà Thùy Trâm đã viết bốn ngày trước khi hi sinh: “Mình sẽ trở về chắt chiu vun xới cho tổ ấm gia đình, mình sẽ biết quí từng phút, từng giây hòa bình ấy bởi vì có sống ở đây mới hiểu hết giá trị của cuộc sống. Ôi! Cuộc sống đổi bằng máu xương, tuổi trẻ của bao nhiêu người. Biết bao cuộc đời đã chấm dứt để cho cuộc đời khác được tươi xanh” (tr.255).

Trong suy ngẫm, tôi cảm nhận được câu chuyện tưởng như chuyện cổ tích về số phận của cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm là một thông điệp của lòng nhân ái, khát vọng hòa bình và ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống con người dù họ ở đâu trên quả đất này.

Một phần của tài liệu Chuyện về cuốn nhật ký sau 35 năm lưu lạc - Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Trang 74 - 76)