- Vũ Hoàng Giang: Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách đầu tiên của Nhã Nam đưa logo của
Chị Trâm, anh Thạc và em trai tô
TT - Giữa những ý kiến, bày tỏ gửi về, rất bất ngờ khi diễn đàn nhận được cả những tâm tư, hình ảnh xúc động của những người trẻ tuổi 20 ngỡ như đã bỏ đi. Và thật kỳ diệu khi chính những dòng nhật ký từ trái tim của chị Trâm, anh Thạc đã đi thẳng tới những trái tim ấy, khiến họ mím môi mong nhận lại tuổi 20 của mình...
Lần đầu tiên, tôi thấy em trai tôi có vẻ như đang suy nghĩ khi nó đọc được những dòng nhật ký “Có một người con gái tuổi 20” của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trên tờ báo Tuổi Trẻ mà tôi vô tình dùng để gói quà bạn bè nó gửi mang về quê cho nó. Đó là bài “Những trang nhật ký cuối cùng” trên tờ Tuổi Trẻ thứ ba, 26-7-2005. Em trai tôi năm nay 24 tuổi, đó là cái tuổi đẹp nhất của đời người, đầy ước mơ và hoài bão. Nhưng với em trai tôi thì không như vậy. Đơn giản vì nó mắc nghiện ma túy đã gần ba năm nay, cũng đã trải qua mấy lần cai nghiện nhưng không thành công. Em trai tôi xin về quê ở với ông nội với một quyết tâm tự mình vượt qua được sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Tuy không còn mấy tin tưởng vào sự quyết tâm và những hứa hẹn của nó nữa, nhưng cha mẹ tôi chẳng biết còn cách nào khác hơn là đồng ý với hi vọng con trai đã lớn, đã hiểu và tự biết mình phải làm gì; bởi ít ra nó đã từng là sinh viên, đã tốt nghiệp một trường cao đẳng về điện nước, đã có bằng lái xe và trên hết là được sự quan tâm chu đáo của cả gia đình, cộng đồng...
Chuyện tưởng sẽ không có gì đáng nói. Sau khi đọc được bài báo trên, nó đã ngồi im lặng. Rất lâu. Tôi không hiểu nó đang nghĩ gì nhưng linh cảm dường như những dòng nhật ký ấy đã tác động đến nó ít nhiều. Cho đến lúc tôi chuẩn bị đi thì nó gọi lại, dè dặt bảo lần sau về thăm, nếu có thể nhớ mang về cho nó mượn những tờ báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài viết ấy. Và em trai tôi còn bảo rằng nó muốn nói chuyện với bố mẹ tôi vào sáng hôm sau. Tối hôm ấy tôi lục tìm trong đống báo cũ. Việc mua được một tờ báo Tuổi Trẻ hằng ngày nơi tôi ở thật là khó khăn. Báo có hôm về, có hôm không. Tôi cẩn thận xếp tất cả lại để bố mẹ mang về cho em trai. Khi làm công việc này, trong tôi le lói lên một tia hi vọng. Biết đâu dòng nhật ký của những con người tuổi 20 một thời anh hùng, hết mình cống hiến cho lý tưởng... sẽ khiến em trai nghĩ lại về tuổi 20 của mình. Những trang nhật ký quả thật có sức nặng! Em tôi đã suy nghĩ và đi đến một quyết định lên rừng cai nghiện. Tất nhiên là bố tôi, một người lính cùng thời với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm... đã từng chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên những năm 1970-1972, một lần nữa phải gác lại mọi công việc để theo nó lên rừng: một huyện vùng rừng núi xa tỉnh Đắc Lắc sau khi đã liên lạc với những người đồng đội cũ nhờ giúp đỡ.
Trước khi đi em trai tôi có một nguyện vọng là có được hai cuốn sách Mãi mãi tuổi 20 và Có một người con gái tuổi 20 để mang theo đọc. Tôi đã gần như lục tung hiệu sách nhân dân tỉnh Thái Bình để tìm mua nhưng không có. Cuối cùng tôi đã vào Tuổi Trẻ Online, copy và in ra những trang nhật ký. Tôi làm việc đó cả đêm mà không cảm thấy mệt! Sáng 29-7-2005 bố và em trai tôi đã đón chuyến xe đò liên tỉnh Thái Bình - Đắc Lắc lúc 4 giờ sáng để lên đường. Trước khi xe chuyển bánh, em tôi dè dặt nói lên nguyện vọng cuối cùng: nó muốn tôi hãy in những trang nhật ký ấy ra một bản nữa và mang đến cho một người bạn của nó cũng đang cai nghiện. Tôi hứa với em trai rằng sẽ thực hiện việc nó nhờ. Nhưng trước hết, mong nó hãy vượt qua tất cả, cai nghiện thành công và quay trở về sống giữa gia đình, cộng đồng. Tôi mong em trai tôi sẽ tìm lại tuổi 20, dẫu muộn!
NGUYỄN KHÁNH LINH
Chỉ cần có niềm tin...
H. ơi, mấy bữa trước mình có gọi điện về quê, mẹ H. nói trong nước mắt: “Nó vẫn thế, chẳng thay đổi gì con ạ...”.Tại sao thế H., đã hơn ba năm rồi còn gì?
Nhớ lại thời học phổ thông, H. luôn là học sinh giỏi tỉnh mấy năm liền, mình cũng từng là học sinh giỏi quốc gia. Thế nhưng từ ngày chúng mình bước vào giảng đường đại học, những trận bóng đá thâu đêm, những buổi chiều “lên voi xuống chó” với kết quả xổ số; rồi những giây phút phơi mình trên chiếu bạc...
Thế rồi trước những giọt nước mắt của mẹ, trước ánh mắt ngơ ngẩn của mấy đứa em, bọn mình đã hứa chia tay với những “thú vui” tệ hại đó. Giờ đây mình đang “sống lại”, đang gượng đứng dậy theo lời hứa ba năm trước. Còn H., mẹ H. nói giờ này cậu đang lẩn tránh bè bạn, gia đình và đang ở một xó xỉnh đâu đó của Hà Nội.
Mấy hôm nay đọc diễn đàn tuổi 20 trên báo Tuổi Trẻ, thấy các bạn cũng cùng tuổi mình đang nghĩ đến những điều lớn lao, đẹp đẽ mà mình cảm thấy hổ thẹn. Chúng mình đâu phải là những Thánh Gióng mà như phế liệu giữa cuộc đời. Thế nhưng chỉ cần còn niềm tin, còn ước mơ thì “phế liệu” cũng có thể thay da, đổi thịt nhận lại tuổi 20 của chúng mình, được không H.?