mòn đồng thời cả ở dạng lớp và dạng khe, rãnh ở mức độ mạnh do khối lượng nước lớn tập trung theo các khe thoát xuống chân dốc với tốc độ lớn, làm đất bị đào khoét theo chiều sâu đôi khi đến tận đá gốc.
Như vậy nguyên nhân của hiện tượng xói mòn do nước xảy ra ở các nước vùng nhiệt đới ẩm chủ yếu là do mưa nhiều và đất dốc. Ngoài tác động va đập của mưa và dòng chảy đối với đất thì khả năng xói mòn còn bị chi phối bởi các yếu tố độ dốc, chiều dài dốc của bề mặt đất; cấu trúc đất và các biện pháp canh tác áp dụng đối với đất. Những tác động tổng hợp trên được thể hiện qua phương trình mất đất phổ dụng của xói mòn do nước được Weischmaier và Smith xây dựng.
Xói mòn do gió và các yếu tố ảnh hưởng
Xói mòn do gió xảy ra chủ yếu ở các vùng khô hạn, đôi khi cũng xảy ra ở vùng khí hậu ẩm về mùa khô. Gió và những trận cuồng phong có thể mang những hạt đất mịn lên cao và đưa đi xa hàng trăm km. Những ảnh hưởng của xói mòn do gió thường rất nghiêm trọng, nó không chỉ bào mòn, bóc đi lớp đất mặt phì nhiêu nhất mà còn có thể bóc hết đất mặt làm trơ bộ rễ của cây trồng và cuối cùng làm cây trồng không thể sống được. Ảnh hưởng của xói mòn do gió đôi khi không chỉ xảy ra ở những vùng khô hạn mà cả ở những vùng ít mưa hoặc có mùa khô kéo dài và khốc liệt như ở vùng ven biển hoặc Tây Nguyên ở nước ta, gió có thể di chuyển các đụn cát hay bào mòn lớp đất mặt về mùa khô.
Tác động cơ học của gió
Tương tự như đối với xói mòn do nước, hiện tượng xói mòn làm mất đất do gió gây ra cũng có liên quan tới hai quá trình đó là các quá trình tách rời các hạt đất và vận chuyển
chúng đi theo gió. Ðầu tiên bằng các hoạt động va đập gió làm tách rời những phần tử nhỏ
từ các hạt hoặc cục đất, sau đó chúng lôi cuốn các hạt này theo gió và sẽ tạo ra sức va đập mài mòn lớn hơn, rồi sau đó tùy thuộc vào điều kiện sức gió, chúng lôi cuốn các hạt đất bị tách rời đi ra khỏi vị trí ban đầu của chúng, những hạt lớn thì chỉ bị lôi cuốn đi ở một khoảng cách nhất định, còn những hạt nhỏ mịn (bụi) có thể bị gió cuốn đi rất xa.
Việc vận chuyển các hạt sau khi chúng đã bị tách rời diễn ra theo nhiều cách, cách đầu tiên và quan trọng nhất là cách vận chuyển theo kiểu nhảy cóc ở trường hợp này các hạt đất có thể di chuyển liên tục theo hướng gió ở những khoảng cách ngắn và ít khi được đưa cao quá 30cm, khối lượng vận chuyển các hạt đất theo kiểu này chiếm tới 50- 75% lượng đất chuyển dời. Sự di chuyển của xói mòn theo gió cũng có thể xảy ra theo kiểu lăn trườn trên bề mặt đối với những hạt có kích thước lớn hơn (có đường kính khoảng 0,84 mm) khối lượng đất vận chuyển theo kiểu này chiếm khoảng 5- 25%. Quá trình vận chuyển đáng chú ý nhất của xói mòn do gió là sự di chuyển của các hạt bụi như thể huyền phù chúng bao gồm các hạt cát mịn và những hạt có kích thước nhỏ hơn chúng có thể được gió đưa lên cao rồi mang đi xa hàng trăm dặm. Tỷ lệ vận chuyển ở dạng này thường chiếm tới trên 15% và đôi khi chiếm tới 40%.
Những yếu tố ảnh hưởng đến xói mòn do gió
Sự nhạy cảm của xói mòn do gió có liên quan rõ đến độ ẩm của đất, đất ẩm thường không bị gió cuốn. Những vùng khô hạn và có gió nóng kéo dài sẽ làm cho đất đạt đến giới hạn độ ẩm cây héo hoặc thấp hơn đây cũng chính là thời điểm trước khi hiện tượng xói mòn do gió xảy ra. Tốc độ của các dòng gió xoáy và giông bão có tác động gây ra xói mòn đất mạnh hơn rất nhiều so với tốc độ gió thông thường. Những thử nghiệm đã chỉ ra cho thấy khi đất khô tốc độ gió đạt khoảng 20km/h có thể bắt đầu lôi cuốn được các hạt đất và lượng đất bị mang đi theo gió sẽ tăng lên rất nhanh theo cấp lũy thừa khi tốc độ gió đạt tới mức từ 30 km/h trở lên. Xói mòn do gió chịu ảnh hưởng của các yếu tố:
- Tốc độ gió và sức cuốn của gió - Ðiều kiện bề mặt đất
- Ðặc tính của đất
- Tình trạng thực vật che phủ trên bề mặt đất
- Sự ổn định về các đặc tính cơ lý của đất như dung trọng, tỷ trọng và kích thước của các hạt có khả năng bị bào mòn do đất.
Xói mòn do gió thường không nghiêm trọng ở những nơi có độ ẩm, bề mặt đất có độ gồ ghề được tạo ra bởi những biện pháp làm đất thích hợp như: cày bừa tạo ra những cục đất có kích thước lớn, lên những mặt luống cao để tạo ra độ gồ ghề, giữ lại các gốc rơm rạ, thảm thực vật và cây trồng... Ðây cũng chính là những biện pháp tác động có hiệu quả để giảm thiểu tác hại của xói mòn do gió.
Lượng đất mất do xói mòn của gió được xác định là hàm của nhiều yếu tố. E = f (ICKLV)
Trong đó: E- khả năng lượng đất bị xói mòn do gió, f- phương trình đất bị xói mòn, I- yếu tố khí hậu xói mòn do gió ở địa phương, C- mức độ gồ ghề của bề mặt đất, K- độ rộng của cánh đồng, L- chất lượng che phủ của thảm thực vật, V- ảnh hưởng của các biện pháp canh tác.
Các biện pháp kỹ thuật chống xói mòn, rửa trôi đất
Có nhiều biện pháp kỹ thuật để chống xói mòn bảo vệ đất. Song mỗi biện pháp chỉ có khả năng thích ứng tối ưu với từng khu vực và trong từng điều kiện cụ thể. Một số biện pháp được áp dụng phổ biến là:
Một số biện pháp công trình nhằm hạn chế xói mòn
Trong các vùng nhiệt đới, biện pháp công trình (thiết kế đồi ruộng, xây dựng ruộng bậc thang nắn dòng chảy...) là rất cần thiết trong việc canh tác và bảo vệ đất dốc. Chức năng chủ yếu của công trình là dẫn dòng, ngăn dòng làm cho chảy chậm lại, lưu chứa tạm thời hay bố trí dòng chảy an toàn để xói mòn là thấp nhất. Các biện pháp công trình bao gồm thiết kế lô thửa, xây dựng hệ thống ruộng bậc thang. Những biện pháp này có tác dụng bảo vệ đất tốt nhất (đạt hiệu quả bảo vệ 80- 90%) nhưng cũng đòi hỏi việc đầu tư vốn lớn sau đây là một số biện pháp chính thường được áp dụng ở vùng đồi núi nước ta: