Khái niệm phân tích tình hình tài chính

Một phần của tài liệu Giáo trình " Phân tích hoạt động kinh doanh" (Trang 95 - 97)

1 4 Nhiệm vụ phân tích hoạt động kinh doanh

5.1.1 Khái niệm phân tích tình hình tài chính

Phân tích tài chính là một tập hợp các khái niệm, phương pháp và công cụ cho phép thu nhập và xử lý các thông tin kế toán và các thông tin khác trong quản lý doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình tài chính, khả năng và tiềm lực của doanh nghiệp, giúp cho các nhà quản lý đưa ra các quyết định tài chính và quyết định quản lý phù hợp.

Hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các loại hình sở hữu khác nhau đều bình đẳng trước pháp luật trong việc lựa chọn sản phẩm ngành nghề kinh doanh. Do vậy có nhiều đối tượng quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp trên các góc độ khác nhau như: Ban Giám đốc, các nhà đầu tư, các cổ đông, các chủ nợ, các nhà cho vay tín dụng, các nhân viên ngân hàng, các nhà quản lý, các nhà bảo hiểm… kể cả cơ quan Chính phủ và người lao động. Mỗi một nhóm người này có những nhu cầu thông tin khác nhau và do vậy, mỗi nhóm có xu hướng tập trung vào những khía cạnh riêng trong bức tranh tài chính của một doanh nghiệp. Mặc dù mục đích của họ có thể khác nhau nhưng thường liên quan đến nhau, do vậy các công cụ và kỹ thuật phân tích cơ bản mà họ sử dụng để phân tích tình hình tài chính lại giống nhau.

Đối với các chủ doanh nghiệp và các nhà quản trị doanh nghiệp, mối quan tâm hàng đầu của họ là tìm kiếm lợi nhuận và khả năng trả nợ. Ngoài ra các nhà quản trị doanh nghiệp còn quan tâm nhiều đến mục tiêu khác nhau, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ với chi phí thấp, đóng góp phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên một doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện được các mục tiêu này nếu đáp ứng được hai thử thách sống còn và hai mục tiêu cơ bản: kinh doanh có lãi và thanh toán được nợ. Một doanh nghiệp bị lỗ liên tục, rút cuộc sẽ bị cạn kiệt các nguồn lực và phải đóng cửa. Mặt khác, nếu doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ đến hạn cũng bị buộc phải ngừng hoạt động và đóng cửa.

Đối với các chủ ngân hàng và các nhà cho vay tín dụng, mối quan tâm của họ hướng chủ yếu vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì vậy, họ đặc biệt chú ý đến số lượng tiền và các tài sản khác có thể chuyển đổi nhanh thành tiền, từ đó so sánh với số nợ ngắn hạn để biết được khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chủ ngân hàng và các nhà cho vay tín dụng cũng rất quan tâm tới số lượng vốn của chủ sở hữu, bởi vì số vốn chủ sở hữu này là khoản bảo hiểm cho họ trong trường hợp doanh nghiệp gặp rủi ro. Không mấy ai sẵn sàng cho vay nếu các thông tin cho thấy người vay không bảo đảm chắc chắn rằng khoản vay đó có thể và sẽ được thanh toán ngay khi đến hạn.

Đối với các nhà cung cấp vật tư, hàng hoá, dịch vụ… họ phải quyết định xem có cho phép khách hàng sắp tới được mua chịu hàng hoá hay không. Nhóm người này cũng giống như chủ ngân hàng, họ cần phải biết khả năng thanh toán của khách hàng hiện tại và thời gian sắp tới.

Đối với các nhà đầu tư, mối quan tâm của họ hướng vào các yếu tố như rủi ro, thời gian hoà vốn, mức sinh lãi, khả năng thanh toán vốn… Vì vậy, họ cần những thông tin về điều kiện tài chính, tình hình hoạt động, về kết quả kinh doanh và các tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Đồng thời các nhà đầu tư cũng rất quan tâm tới việc điều hành công việc và tính hiệu quả của công tác quản lý. Những điều đó nhằm đảm bảo sự an toàn về tính hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh các chủ doanh nghiệp (chủ sở hữu), các nhà quản lý, đầu tư, các chủ ngân hàng, nhà cung cấp còn nhiều nhóm người khác quan tâm đến thông tin tài chính của doanh nghiệp. Đó là các cơ quan tài chính, những người lao động… Những người này có nhu cầu thông tin về cơ bản giống như các chủ ngân hàng, các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp… Bởi vì nó liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm đến khách hàng hiện tại và tương lai của họ.

Phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp mà trọng tâm là phân tích các báo cáo tài chính và các chỉ tiêu đặc trưng tài chính thông qua một hệ thống các phương pháp, công cụ và kỹ thuật phân tích giúp cho việc đánh giá toàn diện, tổng hợp khái quát và xem xét một cách chi tiết hoạt động tài chính doanh nghiệp. Trên cơ sở đó nhận biết, phán đoán, dự báo và đưa ra các quyết định tài chính, quyết định tài trợ cũng như đầu tư phù hợp.

Một phần của tài liệu Giáo trình " Phân tích hoạt động kinh doanh" (Trang 95 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w