5.1. Khái quát thực trạng cơ cấu các ngành kinh tế:
a. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá:
Trong những năm qua nông nghiệp là lĩnh vực đạt được thành tựu to lớn nhất, ổn định nhất. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân thời kỳ 1986- 1990 là 3,4%, thời kỳ 1990- 1998 là 4,4%, trong đó sản xuất lương thực phát triển mạnh và khá vững chắc. Nếu như năm 1990 nước ta mới chỉ đạt 21,48 triệu tấn lương thực, thì đến năm 1999 đạt 33,8 triệu tấn, năm 2000 đạt 35,6 triệu tấn (bình
quân mỗi năm tăng 1,3 triệu tấn). Xuất khẩu gạo được 4,6 triệu tấn(1999) đứng hàng thứ hai trên Thế giới, với giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.
Bên cạnh cây lương thực, các loại cây trồng khác cũng phát triển nhanh, đặc biệt là cây công nghiệp (cả dài ngày và ngắn ngày) và cây ăn quả. Bình quân thời kỳ 1990-1998 so với năm năm trước đó sản lượng lạc tăng 34%, mía tăng 74%, cà phê tăng 2,8 lần, cao su tăng 87%, hồ tiêu tăng 68%, chè tăng 27,3%, bông tăng 2,38 lần.
Các loại cây ăn quả đặc sản có chất lượng cao phát triển mạnh như nho, vải thiều, cam, sầu riêng… đã đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ nét ở nhiều vùng Nam Bộ và miền núi phía Bắc. Năm 1999 diện tích trồng cây ăn quả các loại cả nước đạt 512,8 nghìn ha, tăng 82% so với năm 1990, sản lượng đạt gần 3 triệu tấn, gấp hai lần năm 1990.
Nông nghiệp nước ta đã từng bước chuyển dần từ nền kinh tế tự cấp tự túc sang nền kinh tế hàng hoá, tỷ suất hàng hoá của một số mặt hàng nông sản phẩm được nâng lên. Chẳng hạn, đối với lúa gạo tỷ suất hàng hoá đã tăng từ 30% lên 50%, các sản phẩm khác như thịt, cá, rau, hoa quả và các cây công nghiệp có tỷ suất hàng hoá cao hơn từ 70% đến 90%.
Ngành chăn nuôi tăng trưởng cao và ổn định, bình quân 10 năm 1990-2000 so với mức bình quân 5 năm trước đó đàn trâu tăng 5%, đàn bò tăng 20%, đàn gia cầm tăng 25%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 25%, sản lượng trứng 33%. Đặc biệt đàn bò sữa tăng khá, năm 1999 đạt gần 34 nghìn con, chăn nuôi bò sữa dần dần trở thành một nghề mới của nông dân ở một số địa phương. Sản xuất lâm nghiệp có bước tăng đáng kể. Từ năm 1990 đến năm 1999 đã trồng được 1.464 nghìn ha rừng tập trung, 300 triệu cây phân tán mỗi năm. nhờ đó đã đưa độ che của rừng từ 26% những năm đầu thập kỷ 90 lên 31% vào năm 1999. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 1999 đạt 5.970 tỷ đồng ( theo giá cố định năm 1994).
Việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản có nhiều tiến bộ. Năm 1990 sản lượng thuỷ sản đánh bắt được của cả nước là 728.511 tấn, đến năm 1999 đã tăng lên gấp đôi, đạt 1.433.500 tấn và tương tự với thời gian trên sản lượng thuỷ sản
nuôi trồng tăng từ 162.076 tấn lên 448.800 tấn và giá trị xuất khẩu đến 10/2000 đạt 1tỷ USD.
Sự phát triển toàn diện của nông nghiệp trong những năm qua làm cho cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp có sự biến đổi theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp có xu hướng giảm nhẹ, ngư nghiệp tăng lên trong giá trị sản lượng nông, lâm, ngư nghiệp.
Bảng 3: Tỷ trọng nông, lâm, thuỷ sản trong giá trị sản xuất toàn ngành từ
1991 - 1999. Đơn vị tính: % 1991 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999 Nông nghiệp 84,5 84,7 84,5 85,3 84,3 84,8 84,6 84,5 81,2 Lâm nghiệp 7,7 6,8 7,0 6,5 6,8 6,5 5,5 5,5 4,4 Thuỷ sản 7,5 8,0 8,5 8,2 9,8 9,2 9,9 10,0 14,2
Nguồn: NXB Nông nghiệp - 2002
Trong cơ cấu cây trồng, tỷ trọng cây lương thực có xu hướng giảm dần, còn tỷ trọng cây công nghiệp tăng nhanh.
Bảng 4: Diễn biến của tỷ trọng cây lương thực và cây công nghiệp.
Đơn vị tính: %
1990 1995 1999
Ngành trồng trọt 100 100 100
Cây lương thực 67,11 63,63 64,79
Cây công nghiệp 13,49 18,36 18,18
Nguồn: NXB Nông nghiệp - 2002
Tóm lại, từ sau ngày đổi mới, nông nghiệp nước ta có nhiều diễn biến tích cực, đạt được những thành tựu to lớn. Đặc biệt đã bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản hàng năm đều tăng. Tuy nhiên so với các nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và Thế giới, hiện tại nông
nghiệp nước ta vẫn là một nền nông nghiệp phát triển chậm, hiệu quả sản xuất kém, năng suất cây trồng vật nuôi thấp, tính bền vững chưa cao.
b. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đang có xu hướng mở rộng, tạo điều
kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH - HĐH:
Trong những năm qua, CCKTNT chuyển biến theo hướng đa dạng hoá ngành nghề. Nhiều ngành nghề thủ công truyền thống ở nông thôn từ chỗ sa sút nay được phục hồi, các làng nghề mới ra đời và phát triển. Cả nước hiện có 1.450 làng nghề (1) trong đó có 300 làng nghề truyền thống lâu đời tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Công nghiệp nông thôn có bước phát triển khá, gắn liền với các hoạt động chế biến, vận chuyển, phơi sấy, bảo quản nông, lâm, thủy sản và sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị … Ở các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, quy mô như lúa gạo ở các Vùng Đồng Bằng, cà phê ở Tây Nguyên, Cao su ở Đông Nam Bộ, thuỷ sản ở các vùng ven biển … đã hình thành một số trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản với quy mô vừa và nhỏ, được trang bị máy móc thiết bị hiện đại, đủ sức thoả mãn các nhu cầu sơ chế, tinh chế sản phẩn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Những năm gần đây hoạt động dịch vụ ở nông thôn đã trở nên sôi động, phong phú hơn, nhiều hoạt động dịch vụ về vốn, bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ cung ứng "đầu vào" và chế biến tiêu thụ sản phẩm… đã phát triển trên diện rộng, có tác dụng tích cực thúc đẩy các ngành nông nghiệp và thương nghiệp phát triển.
Sự phát triển mạnh của công nghiệp và dịch vụ nông thôn đã làm cho CCKTNT có sự thay đổi theo hướng tiến bộ. Tỷ trọng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giảm dần, còn tỷ trọng của sản xuất công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên.
(1)
Bảng 5: Cơ cấu GDP của cả nước và khu vực nông thôn giai đoạn 1990 -
1999
Đơn vị tính: %
Cơ cấu GDP cả nước GDP nông thôn
1990 1996 1997 1998 1999 1990 1996 1997 1998 1999 Công nghiệp 22,67 29,73 32,08 32,70 34,5 8,90 14,70 15,50 15,90 16,1 Nông nghiệp 38,70 27,70 25,77 25,98 25,4 80,00 72,50 70,80 70,30 70,2 Dịch vụ 38,59 42,51 42,15 41,32 40,1 10,20 13,80 13,70 13,80 13,7
Nguồn: NXB Nông nghiệp - 2002
Như vậy sau 10 năm giá trị công nghiệp nông thôn tăng gấp hai từ 8,9% lên 16,1%, giá trị ngành dịch vụ tăng từ 10,2% lên 13,7%.
CCKTNT còn mất cân đối lớn, chủ yếu tập trung trong nông nghiệp (70,2%) còn lại là dịch vụ 13,7% và công nghiệp 16,1%. Có thể nhận thấy việc tăng trưởng chung về kinh tế cả nước trong những năm qua chưa có tác dụng rõ nét đối với chuyển dịch CCKT nói chung và CCKTNT nói riêng, chưa giải phóng được bộ phận lớn lao động nông nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân một cách vững chắc.
5.2. Cơ cấu vùng kinh tế:
Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, địa lý, kinh tế - xã hội, nước ta đã hình thành 7 vùng nông nghiệp chính:
- Vùng núi và trung du Bắc Bộ: Tổng diện tích tự nhiên khoảng 10,3 triệu ha, chiếm 31% diện tích tự nhiên toàn quốc, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 1,2 triệu ha, chiếm 14,85 % diện tích đất nông nghiệp cả nước, đất chưa sử dụng khoảng 6,5 triệu ha. Vùng này sản xuất lương thực chiếm 12% sản lượng thóc cả nước. Ngô là sản phẩm lương thực chính, cả vùng chiếm 33% sản lượng ngô cả nước.
- Vùng đồng bằng sông Hồng: Có diện tích khoảng 1,2 triệu ha, chiếm 3,6
diện tích đất nông nghiệp cả nước. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp có truyền thống và kinh nghiệm thâm canh lúa, ngô có năng suất cao. Ngoài ra còn tập trung sản xuất số loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản.
- Vùng khu bốn cũ (còn gọi là vùng Duyên Hải Bắc Trung Bộ): Tổng diện
tích tự nhiên của vùng là 5 triệu ha, diện tích đất nông nghiệp khoảng 0,675 triệu ha chiếm 8,36% diện tích đất nông nghiệp cả nước. Đây là vùng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do khí hậu, thời tiết khắc nghiệt.
- Vùng Duyên hải miền Trung: Có tổng diện tích tự nhiên 4,5 triệu ha, trong
đó có 0,44 triệu ha đất nông nghiệp. Ở đây tập trung đầu tư phát triển ca cao, điều, lạc, mía, một số loại cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng khai thác thuỷ, hải sản…
- Vùng Tây Nguyên: Có tổng diện tích tự nhiên 5,6 triệu ha, trong đó có 0,73
triệu ha đất nông nghiệp, nhưng diện tích đất chưa được sử dụng còn khoảng 1,6 triệu ha. Đây là vùng có điều kiện thuận lợi trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, chè, trồng và bảo vệ rừng, chăn nuôi bò sữa, bò thịt…
- Vùng Đông Nam Bộ: Có hơn 1,6 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 20,3%
diện tích đất nông nghiệp cả nước. Đây là vùng có điều kiện thuận lợi phát triển cây công nghiệp (cả dài và ngắn ngày), cây ăn quả và chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Có diện tích đất tự nhiên là 3,9 triệu ha
chiếm 11,82% diện tích đất tự nhiên cả nước, trong đó đất nông nghiệp có 2,7 triệu ha chiếm 33,4% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước. Đây là vựa lúa và vùng cây ăn quả lớn của cả nước.
Do điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật của từng vùng khác biệt nên sự phát triển kinh tế của từng vùng cũng có sự khác nhau. Sự phát triển và chuyển dịch CCKTNT ở các vùng gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng đó. Những vùng nào có nền công nghiệp phát triển (cả công nghiệp địa phương
và công nghiệp Trung Ương) thì ở đó nông nghiệp cũng có sự phát triển và việc chuyển đổi CCKTNT cũng diễn ra thuận lợi và mạnh mẽ hơn.