Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi thích vui vẻ, ghét sự căng thẳng và gò bó. Bởi vậy, các em thường có ấn tượng đối với những giáo viên vui vẻ trên lớp. Sự vui vẻ, thoải mái sẽ góp phần khiến các em tiếp thu bài giảng tốt hơn mà không cảm thấy sợ hãi và áp lực.
Đặc trưng của môn Lịch sử là kiến thức dài, nhiều sự kiện, khá khô khan nên học sinh đã “ngán học” mà trong tiết dạy giáo viên cứ gò ép thì các em sẽ mất dần hứng thú và xa rời với môn học. Bởi vậy, người dạy lịch sử đôi khi phải biết pha trò để thay đổi không khí lớp học bằng những mẩu chuyện vui về các nhân vật lịch sử. Ví dụ: khi giảng mục 3, bài 4, SGK Lịch sử 10 (Các quốc gia cổ đại phương Tây), giáo viên có thể trích dẫn những mẩu chuyện vui về các nhà Khoa học cổ đại.
Truyện về Ơ-clít:
“Có một lần, sau khi giảng về phân số, thầy giáo hỏi Ơ-clít:
- Nếu có người đưa cho em hai quả táo to bằng nhau, một quả nguyên và một quả đã bổ làm đôi. Người đó bảo em hãy chọn một phần, hoặc là quả táo nguyên, hoặc là quả táo đã bổ ra làm đôi, em chọn phần nào?
Ơ-clít trả lời:
-Thưa thầy em sẽ chọn quả táo đã bổ ra làm đôi ạ! Thầy ngạc nhiên hỏi lại:
-Thế em không biết hai nửa quả táo cũng chỉ bằng một quả táo thôi hay sao? Ơ-clít nhanh trí đáp lại:
-Thưa thầy, cũng bằng nhau nhưng em lấy hai nửa quả táo vì biết đâu quả táo nguyên đã chẳng bị sâu đục khoét ở trong!”
Truyện về Ác-si-mét:
“Ác-si-mét là công dân của Syracuse, một thành phố trên hòn đảo mà ngày nay chúng ta gọi là Sicile. Ông sinh khoảng năm 287, mất năm 212 trước CN, sống gần 75 tuổi.Vua của thành Syracuse cho làm một chiếc vương miện bằng vàng nguyên chất. Khi vương miện được làm xong, nhà vua nghi ngờ rằng nó có thể pha lẫn bạc và đã hỏi Acsimet làm thế nào để biết được báu vật có đúng là vàng nguyên chất không ? Ác-si-mét đã suy nghĩ rất lâu nhưng chưa tìm được ra câu trả lời, mà ngày trả lời vua sắp đến. Một hôm, lúc đang tắm ở một nhà tắm công cộng, nhà bác học bỗng nhận thấy rằng mực nước dâng cao lên khi ông nhảy vào nước . Người ta kể lại rằng, lúc đấy bất thình lình ông phát hiện ra phương pháp giải quyết bài toán về chiếc vương miện, quá phấn khởi ông vội vàng nhảy ra khỏi bể tắm và vừa chạy trần truồng vừa hét tướng lên :" Ơrêka” (Tìm ra rồi).”
Ở bài 31, SGK Lịch sử 10 (Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII), khi giảng mục 3, phần II, giáo viên có thể kể một câu chuyện vui về Hoàng đế Na-pô-lê-ông như sau:
“Na-pô-lê-ông là vị hoàng đế rất kiêu ngạo ngay cả với mọi người trong gia đình. Khi được tin vợ ông mới sinh hoàng tử và yêu cầu ông đặt tên cho đứa bé, Na-pô-lê-ông bèn bảo: “Nó bằng cái đuôi của ta cũng khá lắm rồi. Đặt tên cho nó là… Lê-ông”. Hay ở bài 34 SGK Lịch sử 10: Các nước tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, khi giảng mục 1 về các thành tựu khoa học kĩ thuật cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, giáo viên có thể kể cho học sinh nghe một câu chuyện vui về Rơn-ghen như sau: “Một bệnh nhân giàu có gửi cho nhà vật lý học người Đức Rơn-ghen, người tìm ra tia X để chữa bệnh một lá thư có nội dung như sau: Xin nhà khoa học gửi cho tôi một ít quang tuyến X có kèm theo lời chỉ dẫn để tôi chữa bệnh đau ngực, tôi sẽ thanh toán đầy đủ. Nhà vật lý học đã trả lời như sau : Tôi lấy làm tiếc hiện nay tôi không còn một tia X nào. Hơn nữa ,việc gửi đi rất khó. Tốt hơn hết là ông gửi cho tôi lồng ngực của ông..."
Hoặc khi giảng mục 1, phần IV, bài 21, SGK Lịch sử 12: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 – 1960), giáo viên có thể kể một câu chuyện vui về Bác như sau: “Dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn cố dành thì giờ đi thăm cán bộ, nhân dân ở các địa phương và cơ quan, để hiểu đời sống của mọi người và nhắc nhở giữ gìn vệ sinh.
Đến thăm các cơ quan, Người thường đến những nơi cán bộ ít hoặc không bước chân tới. Đến một cơ quan nọ, Bác đi thẳng vào nhà ăn. Bác bước xuống chỗ nhớp nháp, trơn, người phụ trách cơ quan vội thưa Bác là chỗ đó bẩn, dễ ngã và mời Bác đi hướng khác.
Nhưng Bác không nghe, Bác nói:
- Bác đi lối này để chú biết bẩn sau dọn cho sạch sẽ!
Vào nhà ăn, bác xem kĩ tường, trần nhà, nền nhà, bàn ăn, Bác chỉ vào chỗ ruồi đang bay, Bác bảo:
- Hình như có tiếng vè vè của máy bay ''trực thăng''. Rồi Bác phê bình:
- Hồi xưa thằng Tây nó to, ác như thế, nó có súng to súng nhỏ mà ta còn đánh được, thế mà bây giờ con ruồi nó không có súng, nó không to thế mà các cô, các chú không đoàn kết tiêu diệt được nó.”
Thậm chí, ngoài những mẩu chuyện vui về các nhân vật lịch sử, giáo viên có thể kể cho học sinh những sáng tác truyện cười về lịch sử trên báo như:
Mẩu chuyện thứ nhất:
“Trong giờ học lịch sử, thầy giáo hỏi: - Ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương? Cả lớp im lặng. Thầy giáo chỉ một học sinh:
- Em biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương không? Học sinh sợ sệt:
- Dạ không phải em!
Vừa lúc đó ông hiệu trưởng đi ngang. Thầy giáo phân bua:
- Thầy xem, học trò bây giờ tệ quá. Tui hỏi ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương mà không ai biết.
Thầy hiệu trưởng gật gù:
- Thôi anh nói anh Vương làm bản báo cáo rồi tui nói ban giám hiệu xuất quĩ đền cho. Đừng làm rùm beng mang tiếng chết!”
Một câu chuyện khác:
“Trong một buổi thi vấn đáp môn lịch sử, thầy giáo hỏi: - Anh hãy cho biết Lê Lợi là ai?
- Dạ, em không biết!
- Thế anh có biết Trần Hưng Đạo là ai không? - Dạ, em không biết ạ!
- Thôi nếu anh trả lời được câu này, tôi sẽ cho anh qua. Anh có biết Trưng Trắc, Trưng Nhị là ai không?
- Dạ, em cũng không biết ạ! Thầy giáo lắc đầu, quát to:
- Vậy thì mời anh ra khỏi phòng thi, tôi không thể cho anh qua được. - Thế thầy có biết Hùng móm, Minh sẹo, Phúc vữa… là ai không? - Hả?
- Thầy có băng của thầy, em cũng có băng của em. Thầy đừng mang băng của thầy ra mà dọa em nhé!”
Kết quả của những mẩu chuyện vui lịch sử không phải là để gây cười cho học sinh mà mục đích cuối cùng là để học sinh có ấn tượng tốt hơn về tiết học lịch sử, về bộ môn lịch sử.
Và hệ quả đi kèm với nó là sự hào hứng của học sinh với tiết học cùng với việc tiếp thu bài có hiệu quả hơn. Bởi vậy sẽ là rất đáng mừng nếu mỗi giáo viên lịch sử chúng ta đều áp dụng phương pháp giảng dạy này trong bài giảng của mình.