quá trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài.
- Địa điểm diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp
Địa điểm trọng tài được hiểu là nơi tiến hành các phiên họp xét xử trọng tài. Việc chọn địa điểm trọng tài trước tiên phụ thuộc vào quyền của các bên tham gia tranh chấp. Nhưng nếu các bên không lựa chọn được thì Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành lựa chọn địa điểm trọng tài.
Cụ thể, tại khoản 6, Điều 49, Pháp lệnh Trọng tài quy định: “Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết vụ tranh chấp tại Việt Nam hoặc nước ngoài; nếu không thỏa thuận được thì Hội đồng trọng tài quyết định nhưng phải bảo đảm thuận tiện cho các bên trong việc giải quyết”
Tại Điều 18, quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) quy định: “việc xét xử được tiến hành tại Việt Nam theo yêu cầu của các bên hoặc trong trường hợp cần thiết, chủ tịch ủy ban trọng tài có thể quyết định việc xét xử tiến hành ở một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam”.
- Thời gian tiến hành trọng tài
Xuất phát từ nguyên tắc thỏa thuận trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà pháp luật các nước thường trao cho các đương sự quyền xác định thời
gian tiến hành phiên họp trọng tài sao cho thuận lợi nhất cho mình. Nhưng khi các bên không thỏa thuận được thì quyền đó sẽ thuộc Hội đồng trọng tài.
Tại khoản 1 Điều 38, Pháp lệnh Trọng tài thương mại quy định:
“Thời gian mở phiên họp giải quyết tranh chấp do Chủ tịch Hội đồng trọng tài quy định nếu các bên không có thỏa thuận khác”
Điều cần lưu ý ở đây là các bên chỉ có quyền thỏa thuận về thời gian diễn ra phiên họp trọng tài còn quá trình giải quyết tranh chấp thì các bên phải tuân theo quy định của Hội đồng trọng tài.
- Ngôn ngữ trọng tài
Vấn đề này pháp luật các nước thường dành cho các bên đương sự quyền được lựa chọn, thỏa thuận ngôn ngữ phù hợp với mình. Thực tiễn giải quyết tranh chấp Hợp đồng thương mại quốc tế thường chỉ có một ngôn ngữ được sử dụng và đó là ngôn ngữ giao dịch giữa các bên trong việc đàm phán ký kết hợp đồng. Có một số quốc gia không trao quyền này cho các bên đương sự mà quy định ngôn ngữ trọng tài là ngôn ngữ của quốc gia đó.
Đảm bảo nguyên tắc thoả thuận, pháp lệnh trọng tài thương mại quy định tại khoản 7 Điều 49 như sau “Các bên có quyền thỏa thuận về sử dụng ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt”
Tương tự như quy định của pháp lệnh tại Điều 22, quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam quy định: “đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài các bên có quyền thỏa thuận về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài: nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt. Các bên có quyền yêu cầu trung tâm cung cấp phiên dịch và phải trả chi phí”.
- Chọn luật áp dụng
Theo khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, quy định, các bên tham gia tranh chấp có quyền chọn luật áp dụng, nếu trong trường hợp các bên không lựa chọn được thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định việc chọn
luật áp dụng. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có quyền lựa chọn pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 7 và các tập quán thương mại để giải quyết vụ tranh chấp (khoản 5 Điều 49 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003)