4. Một số nhân vật tiêu biểu của dòng họ Trần xã Cổ Am đối với quê
4.2. Thời kỳ tiền khởi nghĩa
4.2.1. Trần Quang Diệu (1896 – 1930)
Trần Quang Diệu sinh năm 1896, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, tại làng Cổ Am (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Cha là tú
tài Trần Xuân Cư, mẹ là Hoàng Thị Diên, người cùng làng, làm nghề dệt vải. Cụ sinh được hai người con trai là Trần Quang Diệu và Trần Quang Quanh. Cả hai anh em đều tham gia và là cán bộ nòng cốt của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ở Cổ Am.
Ông là một trong những người tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 15/2/1930 tại Vĩnh Bảo, giết chết tri huyện ác ôn Hoàng Gia Mô. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Vĩnh Bảo đã bị thất bại. Quân khởi nghĩa lần lượt rơi vào tay giặc, trong số đó có hai anh em Trần Quang Diệu. Thực dân Pháp và bọn tay sai rất dã man và hèn hạ, chúng đã ra lệnh khai quật mộ cụ Tú Cư để bức ông ra trình diện. Toà đề hình thực dân đã xử tử Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Giáo (Nãi Am), Trần Nhất Đồng (Tiên Am), ông đội Phúc (Kim Ngân) còn 44 người nữa bị lưu đày, trong đó có Trần Quang Quanh.
Ông được nhà nước truy tặng liệt sĩ vào tháng 4/1960 và công nhận là Lão thành cách mạng.
4.2.2. Nhà văn Khái Hưng (1897 – 1947)
Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh 1897. Bút danh của ông từ chữ Khánh Giư sắp xếp lại mà thành. Ông là con của tổng đốc Trần Mỹ, là anh của nhà văn Trần Tiêu.
Khái Hưng viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và truyện thiếu nhi. Tuy nhiên ông chỉ xuất sắc ở tiểu thuyết. Ông là cây bút tiểu thuyết chủ lực, tiêu biểu nhất của Tự lực văn đoàn. Tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng, 'Hồn bướm mơ tiên' (1933) là tiểu thuyết đầu tay của Tự lực văn đoàn; tiểu thuyết cuối cùng của ông là 'Thanh Đức' (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của nhóm. Ngoài những tác phẩm riêng Khái Hưng còn viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết: 'Gánh hàng hoa' (1934), 'Đời mưa gió' (1934) và ra chung tập truyện ngắn 'Anh phải sống' (1934).
Cùng với các tác phẩm nói trên, các tiểu thuyết của Khái Hưng như 'Nửa chừng Xuân' (1934), 'Trống Mái' (1936), 'Tiêu Sơn tráng sĩ' (1937), 'Gia đình' (1938), 'Thoát ly' (1938), 'Đẹp' (1939), 'Thừa tự' (1940), 'Hạnh' (1940) và các truyện ngắn thường miêu tả những tình yêu tự do, chống lại lễ giáo phong kiến. Bên cạnh đó ít nhiều đưa ra những cải cách xã hội theo xu hướng cải luơng. Kịch của Khái Hưng thường chỉ một hồi, một cảnh nửa bi nửa hài ít được công diễn.
Trong những năm 1933 - 1945, Khái Hưng là nhà văn được khá nhiều thanh niên thành thị ưa chuộng. Họ coi ông là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả. Độc giả của ông không phải là những người lao động mà là thanh niên trí thức tiểu tư sản, trong đó phần đông là các cô gái. Lời văn của Khái Hưng lúc đầu bay bướm sau bình dị hơn. Nói chung Khái Hưng là nhà tiểu thuyết có tài, có công trong việc thúc đẩy ngôn ngữ phát triển...
Ông mất năm 1947 tại Xuân Trường, Nam Định.
Trần Tiêu sinh năm 1900 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông là con tổng đốc Trần Mỹ. Ông là cha của GS-NSND Trần Bảng và GS.TS Trần Tiến (Việt kiều Pháp).
Trần Tiêu là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Các tác phẩm chính bao gồm: 'Con trâu' - tiểu thuyết đăng báo 'Ngày nay' từ số 140 ngày 10/12/1938, sau đó in thành sách do Nhà xuất bản 'Đời nay' ấn hành năm 1940; 'Chồng con' tiểu thuyết (1941), 'Năm hạn' tập truyện ngắn (1942), 'Sau luỹ tre' tập truyện ngắn (1942), 'Truyện quê' đoản thiên tiểu thuyết (Nhà xuất bản Lượm lúa vàng, 1942).
Cách mạng tháng Tám thành công ông viết tiểu thuyết 'Làng Cầm đổi mới' phản ánh sự đổi đời của làng Cổ Am. Trần Tiêu từng làm Uỷ viên Hội đồng nhân dân xã Cổ Am và tham gia kháng chiến một thời gian. Sau vì ốm nặng, Trần Tiêu trở về Hải Phòng chữa bệnh rồi dạy học tư ở trường trung học Bạch Đằng. Ông mất ở Hà Nội năm 1954.