Với những kết quả đã trình bày ở trên chúng tôi khẳng định đề tài đã trả lời các câu hỏi nghiên cứu và hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra.
Biểu đồ 4: Biểu đồ tỉ lệ kết quả nhận thức, thái độ, hành động của học sinh qua tìm hiểu về giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa khoa bảng dòng họ Trần xã Cổ Am huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng.
Biểu đồ 3: Biểu đồ tỉ lệ kết quả hiểu biết của học sinh qua tìm hiểu về giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa khoa bảng họ Trần xã Cổ Am huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng.
1. Dòng họ Trần xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng có nguồn gốc ở huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân (nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Cụ thủy tổ họ Trần xã Cổ Am là Trần Khắc Trang thuộc dòng dõi quyền quý, ngài là con nuôi của Hoàng Đế nhà Trần đã về đây định cư từ năm 1407. Mặc dù không được sinh ra trên đất Vĩnh Bảo nhưng nơi đây đã trở thành nơi định cư của dòng họ, trải qua hơn 610 năm với 24- 25 đời con cháu và phát triển thành một dòng họ lớn, lâu đời trên đất Vĩnh Bảo có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực.
2. Trải qua lịch sử hơn 610 năm xây dựng và phát triển, dòng họ Trần xã Cổ Am là một dòng họ “Coi trọng giáo dục, sùng văn thượng võ, hành đức đi đôi với hành nghiệp” đã đúc kết được nhiều truyền thống quý báu, tự hào.
Trước hết là truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ từ đời cụ tổ và đến hiện nay được thể hiện rất rõ nét với nhiều người đỗ đạt cao, nhiều tấm gương tiêu biểu. Cụ tổ Trần Khắc Trang thuộc dòng dõi quý tộc nhà Trần, thi đỗ cử nhân, là tướng quân về định cư tại đây mở đầu cho sự hiếu học, khoa bảng ở nơi đây. Thời phong kiến, dòng họ tự hào có nhiều người đỗ đại khoa nhất làng, có người đỗ tiến sĩ đầu tiên của làng xã là Trần Lương Bật đỗ tiến sĩ năm 1664 và có nhiều gia đình đỗ đạt cao. Trong thời đại ngày nay, dòng họ có nhiều người đỗ đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều cá nhân, nhiều gia đình thành đạt. Không ít người giữ các chức vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước, các GS, PGS, TS đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, đóng góp không nhỏ công sức và trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến truyền thống yêu nước, cách mạng của dòng họ Trần xã Cổ Am. Cụ tổ họ Trần đã anh dũng cầm quân đánh giặc bị thương, rồi định cư ở đây mở mang cho vùng đất này. Trong thời kỳ phong kiến và trong thế kỷ XX, dòng họ có nhiều người làm tướng cầm quân đánh giặc. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, con cháu dòng họ Trần xã Cổ Am cũng luôn sẵn sàng gác bút nghiên, tạm biệt quê hương để cùng cả nước ra trận, có nhiều đóng góp về sức người, sức của cho tiền tuyến. Họ ra chiến trường với một tinh thần kiên trung, chiến đấu hết lòng vì quê hương, đất nước. Sự đóng góp đó được Đảng và nhà nước công nhận khi tặng Danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 8 bà mẹ, rồi nhiều thương binh, liệt sĩ, lão thành cách mạng. Chùa Mét – nhà thờ tổ của dòng họ còn là cơ sở của cách mạng, là cơ sở đóng quân, mở lớp huấn luyện trước khi nam tiến của đội vệ quốc đoàn thuộc quân khu Đông Triều vào năm 1946. Trong kháng chiến chùa từng là địa chỉ bí mật tin cậy để cán bộ kháng chiến đi về và liên lạc. Đây cũng từng là nơi cán bộ của huyện mở các lớp tập huấn, huấn luyện, học tập cho các cán bộ Đảng, nuôi dưỡng thương bệnh binh; Được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng ba và được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia; vinh dự nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Dòng họ còn tự hào có nhiều tác giả đã đóng góp nhiều tác phẩm trong nhiều lĩnh vực như: văn học, nghệ thuật và khoa học. Các tác phẩm đó thuộc nhiều thể loại như: văn chương, thơ phú, tiểu thuyết, sách; tác phẩm sân khấu, điện ảnh; các công trình khoa học; văn bia, hương ước,...
3. Lịch sử đất nước Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với lịch sử của các dòng họ. Văn hóa dòng họ chính là một phần của văn hóa dân tộc, góp phần làm rạng rỡ văn hóa quê hương đất nước. Ngày nay con cháu dòng họ Trần xã Cổ Am luôn ý thức giữ gìn và phát huy được những giá trị ông cha để lại, tích cực đóng góp xây dựng, tôn tạo nhà thờ của dòng họ, tích cực tham gia vào các hoạt động của dòng họ, hoàn thiện gia phả, tộc ước của dòng họ. Tích cực học tập, công tác, làm ăn kinh tế, luôn gắng sức, phát huy hết khả năng của mình trong mọi lĩnh vực công tác, để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giầu mạnh, văn minh, tiến bộ. Điều đó được thể hiện bằng những thành tích cụ thể trong học tập, công tác, trong làm kinh tế của con cháu trong dòng họ. Và ý nghĩa hơn là nhờ sự gìn giữ tôn tạo của con cháu trong dòng tộc mà nhà thờ họ Trần xã Cổ Am (chùa Mét), đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1998, là một báu vật đất Cổ Am, trở thành địa chỉ Văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo của địa phương và đất nước.
4. Đề tài là một công trình khảo cứu cung cấp cho người đọc bức tranh toàn cảnh về nguồn gốc, lịch sử phát triển của dòng họ Trần xã Cổ Am trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt là văn hóa truyền thống của dòng họ với truyền thống hiếu học – khoa bảng, truyền thống yêu nước và cách mạng, sự nghiệp trước tác của dòng họ và những đóng góp của dòng họ cho quê hương đất nước… Vì thế, tác giả mong muốn đề tài sẽ trở thành đề tài tiền thân cho các đề tài nghiên cứu về truyền thống lịch sử, văn hóa của các dòng họ khác nhau góp phần hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử dòng họ, đời sống văn hóa, xã hội của dòng họ và của địa phương; hiểu được tầm quan trọng và vai trò của dòng họ đó trong việc lưu giữ và trao truyền các giá trị truyền thống góp thêm cơ sở khoa học cho các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong việc hoạch định và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tại địa phương sẽ góp phần thực hiện chiến lược con người trong thế kỷ XXI, làm nền tảng cơ sở để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó thế hệ trẻ ý thức gìn giữ, phát huy truyền thống đó và coi nó là một hành trang trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
5. Hướng phát triển của đề tài:
- Tiếp tục lập và hoàn thiện gia phả của dòng họ trên máy tính và đưa gia phả trên trang webside của dòng họ hoặc trang webside do tác giả lập khi được dòng họ cho phép.
- Nghiên cứu tạo App Mobile trên điện thoại di động để tuyên truyền quảng bá truyền thống văn hóa, khoa bảng dòng họ Trần xã Cổ Am rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân.
- Nghiên cứu về dòng họ Trần xã Cổ Am đặt trong mối tương quan với các dòng họ lớn khác tại địa phương và đất nước. Qua đó giao lưu học tập những điểm hay, điểm đặc sắc của các dòng họ khác để đề xuất áp dụng nhằm phát triển hơn nữa dòng họ Trần tại xã Cổ Am cũng như các dòng họ khác.