Tài nguyên nhân văn 1 Cơ cấu dân tộc

Một phần của tài liệu Tổ chức lãnh thổ Việt Nam (Trang 38 - 39)

VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

4.1.3.Tài nguyên nhân văn 1 Cơ cấu dân tộc

4.1.3.1. Cơ cấu dân tộc

Cư dân trong vùng chủ yếu là dân tộc Kinh với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và các nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ. Tỷ lệ dân tộc ít người chỉ có 3,8% trong dân số toàn vùng. Hình thức quần cư theo hai xu hướng chính là kiểu làng xã tập trung thành những điểm ở các dải đất cao xen kẽ trong vùng và kiểu phân bổ dọc theo hai bờ của hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng.

4.1.3.2. Dân số

Tổng dân số của vùng năm 2001 là 17.243,3 nghìn người. Mật độ dân số trong vùng cao nhất trong cả nước, năm 2001 đạt 1148 người/ km2, tốc độ gia tăng dân số khá cao ở mức gần 2% trừ Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định. Do vậy tiềm năng về số lượng lao động của vùng rất lớn.

4.1.3.3. Trình độ học vấn

Trình độ dân trí và học vấn của cư dân trong vùng cao hơn so với các vùng khác. Tỷ lệ người mù chữ trong độ tuổi lao động thấp nhất 10,7% so với mức trung bình của cả nước là 12,5%. Số lao động có kỹ thuật cao nhất 14% tổng số lao động so với cả nước là 10%. Số cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng chiếm 35,5% tổng số cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên của cả nước và so với vùng Đông Nam Bộ là 20,2%…

* Tài nguyên nhân văn của vùng rất đa dạng và phong phú. Vùng có lịch sử hình thành sớm, là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Lịch sử

4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta gắn liền với vùng đất này. Đồng bằng sông Hồng tiêu biểu cho truyền thống văn hoá, truyền thống yêu nước, truyền thống cần cù lao động của nhân dân Việt Nam. Cấu trúc làng xã, cách quản lý xã hội của các vùng trên lãnh thổ Việt Nam đều bắt nguồn từ vùng này.

Sự phát triển kinh tế xã hội lâu đời đã hình thành nên nhiều điểm, cụm kinh tế - xã hội và thị trấn, thị xã và hình thành hai trung tâm phát triển kinh tế vào loại lớn nhất của cả nước là Hà Nội và Hải Phòng.

- Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và kinh tế của cả nước; đồng thời là trung tâm công nghiệp, thương mại và giao thông vận tải – thông tin liên lạc của các tỉnh phía Bắc.

- Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng nhất miền Bắc, là vị trí tiếp nhận và trao đổi hàng hoá, nguyên liệu của vùng và của vùng khác.

Ngoài ra còn phải kể đến một tỉnh có vai trò cũng vô cùng quan trọng đó là Nam Định. Nam định là trung tâm công nghiệp dệt lớn nhất của cả nước với liên hợp các xí nghiệp dệt Nam Định, với số lượng công nhân lên tới trên 1 vạn người, hàng năm sản xuất ra trên 50 triệu mét vải. Cùng với một số nhà máy dệt khác trong vùng, số lượng vải dệt ra hàng năm ở đây chiếm tới 36% số lượng vải của cả nước.

Mức độ đô thị hoá của Đồng bằng sông Hồng là khá cao. Năm 2001 dân số thành thị trong vùng đạt 3528,5 nghìn người, chiếm 21% dân số toàn vùng. Toàn vùng có 12 thành phố, thị xã và khoảng 88 thị trấn. Đây là những cơ sở quan trọng hình thành bộ khung lãnh thổ phát triển kinh tế toàn vùng.

Một phần của tài liệu Tổ chức lãnh thổ Việt Nam (Trang 38 - 39)