Quy hoạch giao rừng tự nhiên

Một phần của tài liệu Khóa luận quản lý rừng cộng đồng và sinh kế của người dân xã phong sơn, huyện phong điền, tỉnh thừa thiên huế (Trang 25 - 28)

2.1.3.1. Mục tiêu

Bằng mọi biện pháp để thực hiện và tạo ra động lực kinh tế thu hút nhân dân tích cực tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng, người dân gắn bó với khu rừng trên nền tảng lợi ích việc bảo vệ và phát triển rừng gắn liền cụ thể, với lợi ích của chính họ nhằm đạt được những mục tiêu sau:

1. Tạo cho rừng có chủ thật sự, từ đó rừng được bảo vệ tốt sẽ có ý nghĩa về mặt an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội và hướng đến sẽ xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trong khu vực.

2. Phát huy được tác dụng nhiều mặt về khả năng phòng hộ, chống xói mòn, bảo vệ đất, bảo vệ mùa màng, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Tăng thu nhập cho cộng đồng từ các hoạt động nghề rừng.

3. Góp phần hoàn thiện khung chính sách giao rừng tự nhiên cho cộng đồng cũng như tiến trình thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình giao rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn bản quản lý.

2.1.3.2. Quy hoạch, sử dụng rừng tự nhiên

a. Vị trí, quy mô diện tích

Thôn Sơn Quả: Rừng tự nhiên giao nằm ở TK79, khoảnh 1, 3 thuộc quy hoạch rừng sản xuất với tổng diện tích 192,4 ha (ranh giới từ lòng khe Tiền tranh trở vào). Loại rừng được giao: thuộc kiểu trạng thái IIB rừng phục hồi sau khai thác kiệt bình quân 52 m3/ha. Trữ lượng cao nhất 60 m3/ha, thấp nhất là 44 m3/ha.

Thôn Thanh Tân: Rừng tự nhiên giao nằm ở TK79, khoảnh 4, 6 thuộc quy hoạch rừng sản xuất với tổng diện tích 211,9 ha (ranh giới từ lòng khe Tiền tranh trở ra). Loại rừng được giao: thuộc kiểu trạng thái IIB rừng phục hồi sau khai thác kiệt bình quân 46 m3/ha. Trữ lượng cao nhất 61 m3/ha, thấp nhất là 34 m3/ha.

b. Đối tượng giao và cơ cấu tổ chức

- Giao cho cộng đồng nhóm hộ quản lý bảo vệ. Thôn Sơn Quả gồm 4 tổ bảo vệ rừng với 28 hộ gia đình, Thôn Thanh Tân gồm 4 tổ bảo vệ rừng với 29 hộ gia đình.

- Về mặt tổ chức phải thành lập “Ban tự quản” thay mặt cho nhóm hộ bao gồm các thành viên đó là: trưởng thôn làm trưởng ban tự quản, 4 tổ trưởng tổ bảo vệ rừng làm thành viên.

- Nhiệm vụ của Ban tự quản là xây dựng phương án giao rừng tự nhiên, hương ước bảo vệ và phát triển rừng của ban, tổ chức và chỉ đạo các tổ bảo vệ rừng thực hiện tốt hai nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động mọi người dân có ý thức bảo vệ rừng, tổ chức kiểm tra, thanh tra các tổ bảo vệ rừng cũng như thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện phương án giao rừng tự nhiên cho nhóm hộ.

c. Tình hình khu rừng được giao

Theo kết quả điều tra, diện tích rừng tự nhiên giao thuộc trạng thái rừng phục hồi sau khai thác kiệt, phần lớn là những quần thụ non, thành phần loài phức tạp, không đều tuổi, kết cấu tầng tán không rõ ràng và đường kính bình quân không đạt quá 20 cm, ngoại trừ một số cây còn sót lại với phẩm chất kém. Hiện nay vẫn còn sự tác động mạnh mẽ theo hướng chủ quan của con người nên mật độ cây có trữ lượng trong lâm phần thấp, song lớp kế cận cây tái sính có mục đích có mật độ tương đối lớn, sinh trưởng phát triển rất mạnh và ổn định về mặt định lượng cũng như định tính. Về tổ thành loài cây rất phong phú về chủng loại, song đại đa số là các loài gỗ tạp và chỉ có một số ít loài chiếm ưu thế trong lâm phần được sắp xếp từ lớn đến nhỏ theo tỷ lệ % và D như sau:

Tim lan 11,69% D=21, Ba Soi 11,42% D=16, Trâm 7,19% D=17, Ngát 6,47% D=15, Máu chó 4,59% D=16, Ươi 4,59% D=18, Cà ổi 4,41% D=16, Chôm rừng 3,69% D=15, Bạng 3,69% D=14, Giẻ 3,51% D=16, Đàn 3,42% D=15, Trám 2,88% D=17, Sp 2,70% D=15, Huỳnh 2,43% D=16, Chuồng 2,25% D=26, Trường 2,16% D=16, Bời Lời 1,80% D=15, Sến 1,62% D=16, Mán đĩa 1,53% D=15, Cơi 1,17% D=17, Bộp 1,08% D=17, Giổi 1,08% D=18, … và một số loài khác chiếm 14,45%.

Theo số liệu điều tra cây tái sinh trong khu vực được thống kê theo mật độ và loài, chiếm tỷ lệ % nhiều nhất trong lâm phần trên 1 ha như sau:

Mật độ bình quân/ha = 2.245 cây trong đó:

Ba soi 377c chiếm 16,79%, Tim Lang 281c chiếm 12,51%, Ngát 279c chiếm 12,45%, Trâm 140c chiếm 6,22%, Giẻ 132c chiếm 5,88%, Ươi 127c chiếm 5,65%, Trám 122c chiếm 5,43%, … các loại khác 787c chiếm 35,07%.

Hình thức và thời hạn giao:

- Hình thức giao: ổn định lâu dài, có kèm theo chính sách hưởng lợi của cộng đồng tham gia nhận rừng (QĐ 178/CP). Chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn tạm giao 10 năm đầu, giai đoạn giao hẳn 50 năm sau.

- Thời hạn giao: 60 năm.

2.1.3.3. Nhiệm vụ cụ thể khi được giao rừng

a. Công tác bảo vệ rừng

* Tổ chức tuần tra bảo vệ, kiểm tra rừng

Thành lập 4 tổ bảo vệ, kiểm tra rừng, mỗi tổ gồm 7-8 hộ gia đình luân phiên bảo vệ theo định kỳ nửa tháng 1 lần hoặc đột xuất khi có tình hình phức tạp xảy ra. Toàn bộ diện tích được giao phải được tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt. Lập sổ theo dõi bảo vệ và ký nhận bàn giao giữa các tổ về tình hình diễn biến tài nguyên rừng, các hiện tượng chặt phá, có nội dung rõ ràng, không được làm hình thức. Theo định kỳ 3 tháng 1 lần Ban tự quản và tổ trưởng thành lập hội đồng kiểm tra toàn bộ diện tích rừng được giao.

* Truy quét các đối tượng vi phạm

- Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, Ban tự quản phối hợp với thôn và lực lượng Kiểm lâm sở tại tiến hành truy quét ngay tại cội, các cửa rừng, các khe suối làm đường vận chuyển lâm sản về nơi tập kết, vận chuyển tiêu thụ.

- Theo dõi phát hiện các phương tiện vận tải vào khu vực thôn vận chuyển trái phép lâm sản, báo ngay cho kiểm lâm sở tại để bắt giữ, lập biên bản xử lý. Chống các hành vi mua, bán, tàng trữ lâm sản trái phép của một số đối tượng.

- Phát hiện những đối tượng khai thác rừng trái phép, săn bắt động vật hoang dã… làm việc với các đối tượng này và đưa ra trước hội nghị của thôn để kiểm điểm giáo dục theo nội dung quy ước bảo vệ rừng của thôn và Hương ước bảo vệ và phát triển rừng của Ban tự quản. Nếu những đối tượng cố tình hoạt động trái phép, tái phạm, vi phạm nhiều lần thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

b. Công tác phát triển rừng

Tiến hành khảo sát, xác định đất trống trong khu vực, vận động nhân dân tổ chức trồng rừng vào hàng năm. Chọn các loài cây có giá trị kinh tế và có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhằm vừa bảo vệ được môi trường vừa tạo quỹ phục vụ cho hoạt động phúc lợi của Ban.

Một phần của tài liệu Khóa luận quản lý rừng cộng đồng và sinh kế của người dân xã phong sơn, huyện phong điền, tỉnh thừa thiên huế (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w