Việc lập kế hoạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với công việc quản lý. Nó là chức năng cơ bản của mọi nhà quản lý. Các kế hoạch được xây dựng ra một cách hiệu quả sẽ đóng những vai trò cơ bản như sau:
- Kế hoạch là cơ sở cho các chức năng khác của quản lý.
+ Các chức năng khác đều được thiết kế phù hợp với kế hoạch và nhằm thực hiện kế hoạch. Từ những mục tiêu được xác định sẽ làm cơ sở cho việc xác định biên chế, phân công công việc và giao quyền, lựa chọn phong cách lãnh đạo và phương thức kiểm tra thích hợp.
+ Khi kế hoạch phải điều chỉnh thì các chức năng khác cũng phải điều chỉnh ở những nội dung tương ứng.
- Giúp tổ chức ứng phó với sự thay đổi của môi trường.
+ Nếu không có kế hoạch thì tổ chức sẽ không phát triển ổn định và không ứng phó linh hoạt với những thay đổi của môi trường. Chính sự thay đổi hay là tính
bất định của môi trường làm cho việc lập kế hoạch trở nên tất yếu. Bởi lẽ, tương lai ít khi chắc chắn, và tương lai càng xa thì việc lập kế hoạch càng trở nên cần thiết. Vì thế, việc lập kế hoạch chính là cây cầu quan trọng hỗ trợ nhà quản lý ra được những quyết định tối ưu hơn.
+ Tuy vậy, ngay cả khi tương lai có độ chắc chắn cao thì việc lập kế hoạch là vẫn cần thiết vì các lý do: 1) Các nhà quản lý luôn phải tìm mọi cách tốt nhất để đạt mục tiêu; 2) Thuận lợi hơn cho các bộ phận triển khai và thực thi nhiệm vụ.
+ Một kế hoạch tốt sẽ tạo cơ hội cho tổ chức có thể thay đổi.
- Kế hoạch chỉ ra phương án tốt nhất để phối hợp các nguồn lực đạt mục tiêu.
+ Việc lập kế hoạch chu đáo sẽ đưa ra được phương án tối ưu nhất để thực hiện các mục tiêu. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực và tiết kiệm được thời gian.
+ Việc lập kế hoạch sẽ cực tiểu hoá chi phí không cần thiết.
- Tạo sự thống nhất trong hoạt động của tổ chức.
+ Kế hoạch làm giảm bớt những hành động tuỳ tiện, tự phát, vô tổ chức và dễ đi chệch hướng mục tiêu.
+ Tập trung được các mục tiêu bộ phận vào mục tiêu chung. Nó thay thế những hoạt động manh mún, không được phối hợp thành một hợp lực chung, thay thế những hoạt động thất thường bằng những hoạt động đều đặn, thay thế những quyết định vội vàng bằng những quyết định có cân nhắc kỹ lưỡng.
- Là cơ sở cho chức năng kiểm tra.
+ Những yêu cầu của về mục tiêu và phương án hành động là căn cứ để xây dựng những tiêu chuẩn của công tác kiểm tra.
+ Người quản lý sẽ thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra nếu như các kế hoạch được soạn thảo chi tiết, rõ ràng và thống nhất.