* Phương pháp chính trị - tư tưởng
- Phương pháp chính trị - tư tưởng là tác động tuyên truyền giáo dục của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý để xác lập nhận thức đúng đắn về sứ mệnh của tổ chức, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi thành viên nhằm thực hiện công việc một cách tối ưu.
- Phương pháp quản lý chính trị - tư tưởng có những đặc trưng cơ bản: + Lựa chọn công cụ
Chủ thể quản lý sử dụng các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động để tác động vào đối tượng quản lý nhằm giúp họ nhận thức được sứ mệnh của tổ chức và bổn phận của mình.
+ Cách thức tác động
Phương pháp này được thực hiện thông qua các biện pháp: học tập, hội nghị, hội thảo, toạ đàm, giao lưu.v.v.
+ Đối tượng, hoàn cảnh và tính chất công việc
Phương pháp này gắn liền với nhiều tổ chức, trong nhiều đối tượng và phải lựa chọn những hoàn cảnh khác nhau.
* Phương pháp tâm lý - xã hội
- Phương pháp tâm lý - xã hội là tác động bằng tâm lý, tình cảm của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý để tạo nên sự hiểu biết, chia sẻ và gắn bó giữa các thành viên nhằm xây dựng “bầu không khí hữu ích” của tổ chức.
- Phương pháp quản lý tâm lý - xã hội có những đặc trưng cơ bản: + Lựa chọn công cụ
Chủ thể quản lý tác động bằng yếu tố tình cảm, tâm lý đối với nhân viên và tạo ra cơ hội cho nhân viên được tiếp xúc, trao đổi những tâm tư, nguyện vọng của
họ; tạo điều kiện để nhân viên giao lưu với nhau, giúp họ hiểu biết và chia sẻ với nhau trong công việc và cuộc sống.
+ Cách thức tác động
Phương pháp này được thực hiện thông qua các hình thức: giao lưu, tổ chức hoạt động văn hoá - thể thao, picnic.v.v.
+ Đối tượng, hoàn cảnh và tính chất công việc
Phương pháp này được sử dụng một cách phổ biến ở nhiều tổ chức với mọi đối tượng và phải chọn những hoàn cảnh thích hợp.
Những phương pháp quản lý được trình bày ở trên là những phương pháp chung nhất cần phải được áp dụng ở tất cả các loại hình quản lý và cấp độ quản lý nhưng sự vận dụng nó là mang tính đặc thù. Ngoài các phương pháp chung thì ở các loại hình quản lý cụ thể còn có những phương pháp quản lý riêng của nó.
Tuy nhiên, theo tiếp cận quy trình quản lý, có thể chia các phương pháp quản lý thành các loại sau: phương pháp lập kế hoạch, phương pháp tổ chức, phương pháp lãnh đạo, phương pháp kiểm tra. Những phương pháp này sẽ được trình bày ở những phần sau.
Chủ đề ôn tập và thảo luận:
1. Làm rõ khái niệm phương pháp quản lý và đặc trưng chung của phương pháp quản lý
2. Phân tích đặc trưng của những phương pháp quản lý cơ bản
3. Nhận diện và đánh giá việc thực thi các phương pháp quản lý cơ bản ở những tổ chức cụ thể
Tài liệu tham khảo chương 4:
Lê Hồng Lôi: Đạo của quản lý, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2004, trang 91- 117.
PHẦN 3: CÁC CHỨC NĂNG CỦA QUY TRÌNH QUẢN LÝ
Các chức năng của quy trình quản lý là phần nội dung quan trọng trong hệ thống tri thức của khoa học quản lý. Nó cung cấp những vấn đề liên quan tới “kỹ thuật học” quản lý. Việc tuân thủ các chức năng quản lý cũng chính là sự biểu hiện của việc thực thi quy luật quản lý đối với chủ thể quản lý trong quá trình hoạt động của nó.
Có nhiều quan niệm và phân loại khác nhau về các chức năng quản lý. Sự khác nhau đó thể hiện ở số lượng và tên gọi các chức năng.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ X, H.Fayol đưa ra năm chức năng: Dự đoán và lập kế hoạch; Tổ chức; Điều khiển; Phối hợp và Kiểm tra.
Vào thập niên 30 của thế kỷ XX, Gulick và Urwich nêu lên bẩy chức năng quản lý (POSDCORB): Hoạch định, Tổ chức, Điều khiển, Quản lý nhân sự, Phối hợp, Kiểm tra và Tài chính.
Ở thập niên 60 của thế kỷ XX, H.Koontz và các đồng sự chỉ ra năm chức năng: Hoạch định, Tổ chức, Định biên, Lãnh đạo và Kiểm tra.
Cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các giáo sư đại học Mỹ đã có sự thống nhất về sự phân chia các chức năng quản lý. James Stoner, Stephan Robbins chia thành 4 chức năng: Hoạch định, Tổ chức, Lãnh đạo và Kiểm tra.
Tuy có những quan niệm và phân loại khác nhau về các chức năng quản lý nhưng sự khác nhau đó chỉ mang tính hình thức. Xét về mặt bản chất, có thể cho rằng bốn chức năng của quy trình quản lý (Lập kế hoạch, Tổ chức, Lãnh đạo và Kiểm tra) là đã đủ bao chứa nội dung của nó.
Phần này sẽ trình bày những nội dung liên quan đến 4 chức năng quản lý nói trên, bao gồm:
- Chương 6: Chức năng tổ chức - Chương 7: Chức năng lãnh đạo - Chương 8: Chức năng kiểm tra
CHƯƠNG 5: LẬP KẾ HOẠCH VÀ RA QUYẾT ĐỊNH QUẢN LÝ
Chương này gồm các nội dung như sau: - Khái niệm “Lập kế hoạch” và “Kế hoạch” - Đặc điểm của kế hoạch
- Vai trò của kế hoạch - Phân loại kế hoạch
- Nội dung các bước lập kế hoạch - Phương pháp lập kế hoạch - Những yêu cầu khi lập kế hoạch - Khái niệm “Quyết định quản lý” - Đặc điểm của quyết định quản lý - Vai trò của quyết định quản lý - Phân loại quyết định quản lý - Quy trình ra quyết định quản lý