- Chuyển giao công nghệ tại Việt Nam
3.1.2. Những bất cập cơ bản của pháp luật về hợp đồng chuyển giao công nghệ hiện hành
hiện hành
Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, nên việc đánh giá những tác động của văn bản luật này đối với sự phát triển của hoạt động chuyển giao công nghệ không phải dễ dàng. Đến thời điểm này (tháng 05/2008), nghị định hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ vẫn chưa được Chính phủ ban hành, cho thấy sự phức tạp và thận trọng của Chính phủ trước một lĩnh vực rất quan trọng đối với quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Việc tìm thấy những bất cập của các quy định trong quá trình áp dụng pháp luật về hợp đồng chuyển giao công nghệ có lẽ cần thêm thời gian. Tuy nhiên, ngay trong bản thân văn bản Luật Chuyển giao công nghệ cũng có một số quy định về hợp đồng chuyển giao công nghệ mà theo người viết chưa được hợp lý.
Thứ nhất, khái niệm "công nghệ mới" không hợp lý, chưa thực sự khuyến khích việc phát triển công nghệ trong nước. Theo Điều 3 Luật Chuyển giao công nghệ thì "Công nghệ mới là công nghệ lần đầu tiên được tạo ra tại Việt Nam". Việc đưa ra khái niệm công nghệ mới là rất cần thiết, nhằm tạo động lực khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông qua chính sách khuyến khích về thuế [10, Điều 44, 49 và 50] cũng như những hỗ trợ khác của nhà nước đối với doanh nghiệp, thông qua đó, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được những cách hiểu, cách tiếp cận thấu đáo khi tham gia ký kết và thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, khái niệm công nghệ mới theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ chỉ dừng lại ở việc xác định công nghệ đó lần đầu tiên được tạo ra ở Việt Nam mà không có sự so sánh với thực tiễn quốc tế thì rõ ràng tính mới không phải đã chắc chắn. Giả sử, công nghệ được các nhà khoa học Việt Nam độc lập nghiên cứu, phát triển nhưng quốc tế đã có từ lâu, thử hỏi
tính mới có nên đánh giá cao hay không? Đối với thời đại ngày nay, việc có thông tin về công nghệ đã nghiên cứu thành công trước khi tiến hành nghiên cứu không quá khó khăn, đồng thời rất cần thiết để đảm bảo tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Ngoại trừ những công nghệ không thể được chuyển giao, không có cách nào khác ngoài việc phải tự lực nghiên cứu, còn đối với những công nghệ khác, trong trường hợp này, cần phải cân nhắc về chi phí giữa việc nhận chuyển giao với việc nghiên cứu.
Thêm nữa, có thể trong quá trình phát triển công nghệ, tổ chức, cá nhân nghiên cứu có thể sử dụng những thành tựu công nghệ của nước ngoài một cách bất hợp pháp hoặc lách các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để sao chép công nghệ, từ đó được hưởng những chính sách khuyến khích thì rất không công bằng.
Thứ hai, Luật Chuyển giao công nghệ chưa có khái niệm "chủ sở hữu công nghệ", do đó địa vị pháp lý của chủ thể này sẽ không thực sự rõ ràng khi tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Trong Luật Chuyển giao công nghệ, không ít lần, các quy định đã xác định các quyền và nghĩa vụ đối với chủ sở hữu công nghệ, tuy nhiên, khái niệm về chủ sở hữu công nghệ cũng như các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công nghệ lại không được quy định. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính hiệu quả trong việc điều chỉnh pháp luật về chuyển giao công nghệ. Chủ sở hữu công nghệ không biết rõ mình có tổng thể những quyền và nghĩa vụ nào, để từ đó chấp hành pháp luật một cách đúng đắn.
Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự, khái niệm quyền sở hữu và chủ sở hữu được quy định như sau:
“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản” [13].
Mặc dù Luật Chuyển giao công nghệ không quy định về khái niệm chủ sở hữu công nghệ, cách hiểu về khái niệm này có thể được viện dẫn từ quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, do công nghệ là một dạng tài sản rất đặc thù, nên việc có một khái niệm riêng về chủ sở hữu công nghệ cũng như quy định cụ thể về địa vị pháp lý của chủ sở hữu công nghệ là rất cần
thiết. Đối với những tài sản thông thường, chủ sở hữu và chủ sử dụng rất dễ dàng phân biệt. Tuy nhiên, do thành tố tri thức giữ một vai trò quan trọng trong công nghệ, nên việc phân biệt giữa chủ sở hữu và chủ sử dụng công nghệ cần phải được quy định thật ràng, nhằm tránh tình trạng sao chép công nghệ, hoặc lợi dụng quyền sử dụng công nghệ để thực hiện những hành vi của chủ sở hữu công nghệ một cách trái phép, gây thiệt hại cho chủ sở hữu công nghệ đích thực.
Thứ ba, Điều 14 Luật Chuyển giao công nghệ còn tồn tại một quy định bất cập, đó là không quy định rõ yêu cầu sự thống nhất về nghĩa trong trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ được lập bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, mà chỉ quy định giá trị pháp lý như nhau đối với hai văn bản này: "Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận; trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt. Hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị như nhau" [10].
Xét về mặt lý luận, việc các bên có những văn bản hợp đồng khác ngôn ngữ là cần thiết để thực hiện được thuận lợi, cũng như đảm bảo khả năng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do các bên chỉ có một thỏa thuận, nên việc thể hiện dưới nhiều ngôn ngữ thì cũng chỉ là những hình thức khác nhau của chính thỏa thuận ấy, nên chúng phải tương đồng về nghĩa. Nhưng hiện nay, nghĩa vụ đảm bảo sự tương đồng về nghĩa trong các văn bản hợp đồng không cùng ngôn ngữ không được quy định. Như vậy, các bên thỏa thuận hai văn bản khác ngôn ngữ và cũng khác về mặt nội dung thì cũng không vi phạm pháp luật. Hiện nay, không phải hợp đồng chuyển giao công nghệ nào cũng cần đăng ký hay xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên việc hai văn bản không giống nhau về mặt nội dung sẽ rất khó xử lý. Đành rằng, hợp đồng là công cụ pháp lý bảo vệ của các bên, nên trách nhiệm cao nhất phải thuộc về các bên trong hợp đồng, vì thiệt hại do các bên gánh chịu. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, việc không quy định cụ thể về sự tương đương về nghĩa giữa hai văn bản khác ngôn ngữ có thể dẫn đến những tranh chấp không đáng có, quy định tại Điều 14 Luật Chuyển giao công nghệ như vậy, vô hình chung, sẽ gây khó khăn cho cơ quan tài phán khi giải quyết tranh chấp.
Thứ tư, những nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của Điều
15 còn khiên cưỡng, không thật sự khoa học.
Hợp đồng là sự thỏa thuận, nên nhiệm vụ chủ yếu của pháp luật là đảm bảo bản chất của hợp đồng trên cơ sở các bên bình đẳng, tự do ý chí. Chính vì vậy, việc quy định các nội dung chủ yếu của hợp đồng là cần thiết đối với các hợp đồng đặc thù như hợp đồng chuyển giao công
nghệ. Dưới giác độ lý thuyết, các nội dung chủ yếu của hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được các bên ghi nhận vào hợp đồng, nếu không hợp đồng sẽ vô hiệu. Tuy nhiên, tại Điều 15 Luật Chuyển giao công nghệ, nhà làm luật đã sử dụng cụm từ "có thể" thay cho từ "phải có" khi quy định những nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ, làm cho tính ràng buộc đối với các bên chủ thể trong việc tuân thủ những nội dung hợp đồng đã được quy định giảm đi đáng kể. Về lý thuyết, những nội dung hợp đồng quy định tại Điều 15 là phù hợp với những nội dung cơ bản thường gặp ở các hợp đồng chuyển giao công nghệ, và do vậy, đã thể hiện đúng bản chất của hợp đồng chuyển giao công nghệ, do đó cần phải quy định đây là những nội dung phải có trong hợp đồng chuyển giao công nghệchứ không phải là có thể thỏa thuận như quy định của luật hiện hành.
Bên cạnh đó, một số quy định về nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ tại Điều 15 không thật sự chuẩn xác về mặt khoa học, do đó làm giảm hiệu quả điều chỉnh của quy phạm rất quan trọng này.
Một là, quy định về thời hạn có hiệu lực của hợp đồng là không chính xác. Trong Bộ luật Dân sự chỉ quy định về thời điểm hợp đồng có hiệu lực, chứ không quy định về thời hạn có hiệu lực của hợp đồng. Về lý thuyết, một hợp đồng có hiệu lực sẽ ràng buộc các bên cho đến khi hợp đồng chấm dứt theo Điều 424 Bộ luật Dân sự. Theo suy luận logic, tại Điều 15 Luật Chuyển giao công nghệ, nhà làm luật ý muốn nói đến thời hạn thực hiện hợp đồng, tức là khoảng thời gian để các bên hoàn thành các nghĩa vụ của mình, nhưng lại sử dụng thuật ngữ thời hạn hiệu lực hợp đồng một cách tùy tiện và không chuẩn xác.
Hai là, việc tách bạch hai nội dung là phạt vi phạm hợp đồng và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là không hợp lý. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, tại Điều 302 có ghi nhận, trách nhiệm dân sự sẽ phát sinh khi một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng, tức là vi phạm hợp đồng, do vậy, nhiều văn bản luật cũng sử dụng cụm từ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thay cho cụm từ trách nhiệm dân sự. Trong khi đó, phạt vi phạm là một chế tài do các bên thỏa thuận áp dụng cho bên không thực hiện đúng hợp đồng. Mặc dù hiện nay, phạt vi phạm không được coi là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng các bên vẫn được quyền thỏa thuận nếu pháp luật không cấm. Chính vì vậy, phạt vi phạm là một nội dung thỏa thuận nằm trong nội dung về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mà không cần phải tách bạch thành hai nội dung khác nhau như quy định của luật.
Thứ năm, quy định về thủ tục cấp phép "2 vòng" tại Điều 23 Luật Chuyển giao công nghệ không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính hiện nay.
Theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp nhận hoặc chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao phải thực hiện việc xin phép thông qua hai bước. Bước thứ nhất, ngay sau khi có ý định ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, cá nhân, tổ chức có nhu cầu phải gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép chuyển giao công nghệ. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép chuyển giaocông nghệ phải có văn bản chấp thuận, nếu không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp nhận hoặc chuyển giao công nghệ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bước thứ hai, sau khi ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, một trong các bên ký kết hợp đồng phải gửi hồ sơ quy định đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép chuyển giao công nghệ, trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép chuyển giao công nghệ có trách nhiệm xem xét sự phù hợp của hợp đồng chuyển giao công nghệ với nội dung ghi trong văn bản chấp thuận để quyết định việc cấp phép, nếu không cấp phép thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Thủ tục cấp phép "2 vòng" như trên được giải thích nhằm đảm bảo tính chính xác cũng như khả năng quản lý hiệu quả các giao dịch chuyển giao công nghệ thuộc diện hạn chế chuyển giao. Tuy nhiên, với tinh thần cải cách thủ tục hành chính như hiện nay, việc quy định thủ tục cấp phép như trên đã gây phiền hà, rườm rà cho doanh nghiệp, đi ngược lại những nỗ lực rút ngắn khoảng cách về tốc độ phát triển công nghệ của nước ta so với khu vực và thế giới.
Xem xét việc quy định nội dung hai bộ hồ sơ (một bộ cho vòng 1 và một bộ cho vòng 2) tại Điều 24 Luật Chuyển giao công nghệ, về cơ bản không khác nhau là mấy, có khác chăng là ở bộ hồ sơ vòng 2 có thêm bản sao hợp đồng và văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước đã cấp ở vòng 1 (mà đáng lẽ văn bản này không cần đưa lên, vì cơ quan quản lý cũng đã lưu khi cấp phép). Nên chăng, việc cấp phép chỉ cần thực hiện một lần, trước hoặc sau khi cá nhân, tổ chức thực hiện chuyển giao công nghệ. Thiết nghĩ, luật nên quy định việc cấp phép trước khi giao kết hợp đồng, cơ quan quản lý sẽ đảm bảo việc thực thi bằng khâu kiểm tra, giám sát, như vậy sẽ vừa tiết kiệm thời gian và chi phí, vừa làm giảm các thủ tục hành chính không đáng có.
Thứ sáu, các quy định tại Điều 27 Luật Chuyển giao công nghệ chưa thể hiện được vai trò đối với mục tiêu điều chỉnh, có thể cân nhắc để cắt bỏ.
Khi nghiên cứu quy định tại Điều 27, dễ dàng nhận thấy Luật Chuyển giao công nghệ không đi xa hơn Bộ luật Dân sự trong các quy định đối với trường hợp một bên vi phạm hợp đồng, nếu không muốn nói là bó hẹp hơn và cuối cùng là vẫn dẫn chiếu một cách chung chung không cần thiết.
Không những thế, việc sử dụng thuật ngữ "xử lý vi phạm hợp đồng" là không chính xác. Khái niệm "xử lý " chỉ dùng trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với chủ thể vi phạm hành chính, chứ không dùng trong những chế tài dân sự. Đối với các vi phạm hợp đồng, các bên có quyền thỏa thuận các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc phạt vi phạm. Nếu bên nào gây ra thiệt hại, bên ấy phải có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại. Do đó, việc giải quyết vi phạm hợp đồng là việc của các bên, nếu vụ việc không được đưa ra cơ quan tài phán. Tinh thần của Điều 27 cũng theo hướng này, nhưng việc sử dụng thuật ngữ "xử lý" dễ gây ra những hiểu lầm, rằng chính cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người ra quyết định buộc bên vi phạm phải thực hiện một trong những nghĩa vụ được quy định trong điều khoản này.
Thứ bảy, không nên quy định về chính sách thuế riêng đối với hoạt động chuyển giao công nghệ tại Luật Chuyển giao công nghệ.
Việc khuyến khích dưới khía cạnh tài chính thông qua những ưu đãi về thuế hiện đang còn nhiều tranh luận về tính hiệu quả, nhưng thực tế đã được áp dụng khá lâu và thường xuyên đối với những chủ thể, lĩnh vực hoặc địa bản mà nhà nước khuyến khích đầu tư, phát triển. Với vai trò nổi bật của mình trong việc đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, lĩnh vực chuyển giao công nghệ thường được hưởng nhiều ưu đãi nhất định, trong đó có ưu đãi về thuế. Tựu trung lại, những sắc thuế chủ yếu điều chỉnh đến hoạt động chuyển giao công nghệ bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân và thuế nhập khẩu.
Việc quy định cụ thể những ưu đãi về thuế tại Điều 44 Luật Chuyển giao công nghệ là