Những quy định về giá cả và phương thức thanh toán

Một phần của tài liệu Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 31 - 35)

Giá của công nghệ được chuyển giao là phần giá trị được quy đổi thành tiền mà bên nhận chuyển giao công nghệ phải trả cho bên chuyển giao. Về nguyên tắc, giá của công nghệ sẽ do các bên thỏa thuận trên cơ sở bình đẳng và tuân thủ quy luật thị trường. Dưới giác độ lý thuyết, khả năng thương lượng về giá cả phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản sau đây:

Một là, tính tiên tiến của công nghệ. Công nghệ càng tiên tiến thì chi phí nghiên cứu càng cao, rủi ro đối với tổ chức tiến hành nghiên cứu càng lớn, do vậy giá công nghệ có xu hướng tăng cao. Mặt khác, tính tiên tiến của công nghệ sẽ tạo ra "cầu" về công nghệ lớn, tạo lợi thế thương lượng về giá cho bên chuyển giao. Một trong những công nghệ có giá chuyển giao rất cao hiện nay là công nghệ nano. Kể từ khi được chính thức đưa ra tại Hoa Kỳ năm 2000, công nghệ nano đã được hưởng ứng bằng những sáng kiến quốc gia của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời đã được dành những khoản kinh khí rất lớn cho nghiên cứu và phát triển. Chỉ riêng trong năm 2002, khoản chi phí nghiên cứu và phát triển công nghệ nano đã là khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm 604 triệu USD, Nhật Bản 753 triệu USD và Tây Âu là 585 triệu USD. Công nghệ nano đã được áp dụng và đã tạo ra rất nhiều các sản phẩm nổi bật của thế giới như ống nano, động cơ nano, AND... Đối với ống nano, phân tử dạng ống hoàn toàn được cấu thành bằng nguyên tử các bon, có tất cả các sản phẩm để đảo lộn các lĩnh vực điện tử, quang học, cơ khí, thậm chí cả năng lượng. Giá trị nhiều mặt của nó là do có các phẩm chất như bền hơn thép 100 lần nhưng nhẹ hơn thép 6 lần, đắt hơn vàng 50 lần và chịu nhiệt độ trên 2.8000 C trong chân không [21, tr. 92-93].

Hai là, "phạm vi" chuyển giao công nghệ. Việc chuyển giao quyền sở hữu công nghệ thường có giá cả cao hơn việc chỉ chuyển giao quyền sử dụng công nghệ ấy. Việc độc quyền sử dụng công nghệ cũng sẽ làm giá thanh toán tăng lên so với việc không có được sự độc quyền.

Ba là, "khả năng làm chủ công nghệ được chuyển giao" của bên nhận chuyển giao. Trong trường hợp bên nhận chuyển giao đã có những kinh nghiệm, khả năng tiếp nhận và sử dụng nhất định đối với công nghệ được chuyển giao sẽ góp phần làm cho giá chuyển giao thấp hơn so với các trường hợp chuyển giao khác do việc giảm khối lượng các công việc, phạm vi trách nhiệm của bên chuyển giao trong hỗ trợ, đào tạo bên nhận chuyển giao để tiếp nhận công nghệ. Ví dụ, trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, Việt Nam vừa qua đã phóng thành công vệ tinh viễn thông Vinasat đầu tiên nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh,

truyền hình của Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, giá chuyển giao công nghệ trong lần phóng vệ tinh lần đầu của Việt Nam là rất cao so với giá chung trên thế giới do Việt Nam hoàn toàn chưa có đội ngũ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực này.

Bốn là, ""vai trò, tầm quan trọng của công nghệ" đối với bên nhận công nghệ. Công nghệ càng có vai trò, vị trí quan trọng đối với bên nhận công nghệ thì sẽ có giá chuyển giao càng cao.

Tuy nhiên, đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ mà bên nhận chuyển giao sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước thì giá công nghệ phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, các bên có thể thỏa thuận thanh toán bằng một hoặc nhiều phương thức sau đây:

- Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa

Theo phương thức này, hai bên xác định giá thanh toán bằng một khoản tiền hoặc một lượng hàng hóa nhất, được chia ra để trả gọn một lần hay một số lần vào các thời điểm nhất định theo thỏa thuận, thông thường là các thời điểm kết thúc từng giai đoạn của quá trình chuyển giao công nghệ. Ví dụ: ngày nhận được các tài liệu kỹ thuật, ngày hoàn thành chạy thử, ngày nghiệm thu, ngày bắt đầu sản xuất thương mại, ngày bán lô hàng hóa đầu tiên được sản xuất từ công nghệ được chuyển giao…

- Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn góp của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nếu bên giao và bên nhận công nghệ thỏa thuận góp vốn bằng giá trị của công nghệ vào dự án đầu tư hoặc vào vốn góp của doanh nghiệp thì các bên phải lập hợp đồng chuyển giao công nghệ trong đó toàn bộ giá trị công nghệ của bên giao được quy đổi thành một số tiền nhất định trong tổng vốn đầu tư của bên nhận hoặc vốn điều lệ của doanh nghiệp. Sau khi bên giao đã thực hiện đầy đủ nội dung chuyển giao công nghệ theo quy định trong hợp đồng thì hai bên phải lập biên bản nghiệm thu để xác nhận bên giao đã hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao. Khi đó, giá trị công nghệ mới được tính vào vốn góp của dự án đầu tư hoặc vốn góp vào doanh nghiệp. Hình thức thanh toán này hiện nay được thực hiện khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là trong đầu tư

trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài các phương thức thanh toán nêu trên, pháp luật hiện hành cũng cho phép các bên thỏa thuận thanh toán bằng các phương thức khác. Dưới đây là một số phương thức thanh toán thường được các bên thỏa thuận trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết trong khoảng thời gian vừa qua:

- Trả kỳ vụ theo phần trăm (%) giá bán tịnh

Trả kỳ vụ là việc thanh toán theo định kỳ sau từng khoảng thời gian nhất định, ví dụ sáu (6) tháng hoặc hàng năm. Giá bán tịnh là giá bán sản phẩm, dịch vụ tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, tính theo hóa đơn bán hàng, sau khi trừ đi các khoản sau đây:

+ Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có); + Chi phí mua các bán thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện; + Chi phí mua bao bì, đóng gói, vận tải, quảng cáo

Các chi phí này được xác định theo chi phí thực tế, trừ một số chi phí có mức giới hạn theo quy định của pháp luật.

Phương thức thanh toán này có ưu điểm là phù hợp với khả năng quản lý chi phí của bên nhận, nhưng lại có nhược điểm là bên giao có thể không kiểm soát được chi phí của bên nhận, do đó bên nhận có thể khai tăng chi phí để giảm giá bán tịnh. Chính vì vậy, phương thức thanh toán này thông thường được áp dụng trong trường hợp bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao có những mỗi liên hệ nhất định, như chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ với công ty con.

- Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần.

Doanh thu thuần là doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, tính theo hóa đơn bán hàng trừ đi thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có). Doanh thu có thể được xác định trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ: theo tháng hoặc theo năm. Cách tính theo doanh thu thuần có ưu điểm là bên giao không phải quan tâm đến chi phí của bên nhận, nhưng có nhược điểm là sẽ bị thiệt nếu chi phí sản xuất được tiết kiệm hoặc sẽ không được trả tiền nếu bên nhận không bán được hàng.

Lợi nhuận trước thuế được xác định bằng doanh thu thuần trừ đi tổng chi phí sản xuất. Phương thức này ưu điểm là có thể hạn chế được các nhược điểm của cả hai phương thức trên, nhưng lại có một nhược điểm khác là có thể bên bán không thu được tiền do bên mua không có lợi nhuận.

Theo quy định hiện hành ở nhiều nước, các quy định về khống chế mức giá chuyển giao công nghệ (mức giá trần) đều đã bãi bỏ. Pháp luật nhiều nước cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan đánh giá và định giá công nghệ, nếu định giá sai hoặc làm thiệt hại đến các bên thì phải chịu trách nhiệm pháp luật. Nói chung, các nước đều tôn trọng sự thỏa thuận của các bên [20].

Như vậy, pháp luật hiện hành quy định về giá cả và phương thức thanh toán đã thể hiện sự phù hợp với thực tiễn, tôn trọng sự tự do thỏa thuận của các bên. Các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận nhiều phương thức thanh toán kết hợp sao cho phù hợp nhất với mong muốn và khả năng kiểm soát rủi ro của mình.

Một phần của tài liệu Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 31 - 35)