Giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng chuyển giao công nghệ

Một phần của tài liệu Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 39 - 43)

Một giao dịch chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua ba công đoạn cơ bản là giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và chấm dứt thực hiện hợp đồng.

Xét dưới khía cạnh pháp lý, giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ là hành vi của các bên nhằm xác lập quan hệ hợp đồng. Quá trình giao kết thường được chia thành hai giai đoạn cơ bản là thương lượng và ký kết.

Thương lượng là quá trình các bên bày tỏ ý chí của mình, trên cơ sở bình đẳng và tự do thỏa thuận. Thực chất, quá trình thương lượng có mục đích "thu hẹp" những yêu cầu của bên này đối với bên kia, dần dần tiến đến sự thống nhất. Thương lượng có thể được tiến hành một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Thương lượng trực tiếp là việc các bên trực tiếp gặp mặt nhau hoặc trực tiếp trao đổi thông qua các phương tiện kỹ thuật truyền thông như điện thoại, internet… Bản chất của thương lượng trực tiếp là ở chỗ, hầu như ngay lập tức bên này có thể biết được ý kiến của bên kia. Thương lượng gián tiếp là việc các bên đưa ra các đề nghị thông qua những phương tiện ghi nhận thông tin như giấy tờ, fax, telex, thư điện tử hoặc các hình thức khác. Bản chất của thương lượng gián tiếp là các bên không ngay lập tức nhận thông tin mà cần phải có một khoảng thời gian nhất định.

Thương lượng thành công là việc các bên thống nhất về nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ. Thương lượng thành công sẽ dẫn đến việc ký kết hợp đồng.

Xét dưới khía cạnh pháp lý, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ là việc các bên bằng hành vi thể hiện sự ràng buộc của mình đối với những nội dung đã thương lượng. Ký kết hợp đồng có thể được thực hiện dưới hình thức ký kết trực tiếp hoặc ký kết gián tiếp.

Ký kết trực tiếp là việc ký kết được thực hiện "mặt đối mặt", bên này ký vào văn bản hợp đồng rồi trao cho bên kia. Ký kết gián tiếp là việc ký kết không được thực hiện một cách trực tiếp mà thông thường, một bên xác nhận trước, một bên xác nhận sau.

Việc ký kết trực tiếp hay gián tiếp không có nhiều ý nghĩa về mặt pháp lý. Hiệu lực của hợp đồng chỉ được phát sinh sau khi cả hai bên đã ký vào văn bản hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận về thời điểm phát sinh hiệu lực sau thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng.

* Thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ

Thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ là quá trình các bên, bằng hành vi của mình tiến hành thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ phụ thuộc nhiều vào nội dung hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận, tuy nhiên phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Đảm bảo tính thời hạn

Đảm bảo tính thời hạn là một trong những yêu cầu quan trọng của hợp đồng chuyển giao công nghệ. Các bên phải thực hiện đúng tiến độ theo thỏa thuận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bên chuyển giao công nghệ phải chuyển giao công nghệ đúng thời hạn để đảm bảo tiến độ triển khai công nghệ của bên tiếp nhận. Thông thường, các đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ được các bên quy định rõ về các mốc thời gian chuyển giao để đảm bảo sự tiếp thu thành công công nghệ của bên nhận cũng như đảm bảo chất lượng của sản phẩm được tạo ra. Bên nhận chuyển giao công nghệ cũng phải thanh toán đúng hạn các nghĩa vụ tài chính đối với bên chuyển giao theo thỏa thuận.

- Thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ

Thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ là một đòi hỏi để hoàn thành hợp đồng chuyển giao công nghệ. Việc thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ có thể định lượng được như thanh toán tiền, chuyển giao sản phẩm hàm chứa công nghệ thường được thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ đối với những nghĩa vụ khó có thể định lượng được đòi hỏi các bên phải có trách nhiệm cao, như nghĩa vụ đào tạo kỹ thuật, nghĩa vụ bảo mật thông tin…

- Thực hiện trên tinh thần hợp tác

Trên hết, việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được thực hiện trên tinh thần hợp tác, nghĩa là các bên phải có trách nhiệm không làm tổn hại lợi ích chính đáng của nhau với mục tiêu giữ gìn mối quan hệ lâu dài. Tinh thần hợp tác sẽ góp phần hạn chế phát sinh các tranh chấp không đáng có, hoặc nếu có phát sinh tranh chấp thì có thể giải quyết ổn thỏa với mức chi phí thấp nhất.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, nếu một trong các bên có vi phạm, thì tranh chấp phải được giải quyết trên cơ sở thương lượng một cách bình đẳng. Các bên có thể thỏa thuận các chế tài được áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, chế tài áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm:

- Phạt vi phạm

Là chế tài áp dụng theo thỏa thuận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ mà theo đó, bên vi phạm sẽ phải trả cho bên bị vi phạm một số tiền nhất định. Chế tài phạt vi phạm được áp

dụng có thể không phụ thuộc vào mức độ thiệt hại của bên bị vi phạm, hoặc thay đổi tùy mức độ thiệt hại.

- Bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại là chế tài được áp dụng theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật mà theo đó, bên vi phạm sẽ phải bồi thường bằng tài sản cho những thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu. Bồi thường thiệt hại được áp dụng theo nguyên tắc, số tiền bồi thường không vượt quá thiệt hại thực tế.

- Buộc thực hiện đúng hợp đồng

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là chế tài mà theo đó, bên vi phạm phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng. Chế tài này thường được áp dụng trong trường hợp mà việc dừng thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Buộc thực hiện đúng hợp đồng có thể không phải là một chế tài độc lập, mà thường được thực hiện kèm theo việc phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại.

- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Tạm dừng việc thực hiện hợp đồng là chế tài mà theo đó, bên bị vi phạm có thể tạm thời không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình để yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại. Chế tài này chỉ nên áp dụng nếu bên bị vi phạm có lợi thế nếu tạm ngừng thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.

- Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Đình chỉ thực hiện hợp đồng là chế tài mà theo đó, bên bị vi phạm đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Sau khi đình chỉ thực hiện hợp đồng, các bên không có nghĩa vụ và quyền đối với nhau. Những nghĩa vụ đã thực hiện vẫn có hiệu lực.

- Hủy bỏ hợp đồng

Hủy bỏ hợp đồng là chế tài theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật mà theo đó, một bên có quyền đơn phương yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi giao kết. Các bên có trách nhiệm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Do đặc thù của hợp đồng chuyển giao công nghệ, đối tượng được chuyển giao là sản phẩm trí tuệ nên không dễ gì lấy lại được nguyên vẹn như trước khi chuyển giao, do vậy pháp luật có quy định, trong trường hợp vi phạm không cơ bản thì không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể thỏa thuận hạn chế mức độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với việc vi phạm hợp đồng chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

* Chấm dứt hợp đồng chuyển giao công nghệ

Chấm dứt hợp đồng chuyển giao công nghệ là sự kiện pháp lý hoặc hành vi pháp lý, theo thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định để các bên kết thúc quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Luật Chuyển giao công nghệ không có quy định riêng về chấm dứt hợp đồng chuyển giao công nghệ, tuy nhiên, đối chiếu với quy định trong Bộ luật Dân sự thì hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể kết thúc trong những trường hợp sau đây:

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được hoàn thành; - Chấm dứt theo thỏa thuận của các bên;

- Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện; - Hợp đồng chuyển giao công nghệ không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thỏa thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoặc hủy bỏ;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)