Đỗ Bích Thúy
1.
Lạc đường. Con Mốc vẫn cắm đầu chạy. Cho đến khi sắp khuỵu xuống thì trước mặt nó hiện ra một khe nước. Từ phía dưới, sâu thăm thẳm, vẳng lên tiếng nước réo ùng ục. Mốc phi thẳng vào tầng tầng lớp lớp giang già phủ kín mặt khe, bỏ lại sau lưng lũ chó ăn thịt gầm gừ kéo đuôi lượt thượt tức tối.
Mốc chìm dần giữa tán giang dày khít và rơi xuống một vụng nước. Nước trong văn vắt, lặng mà sâu. Nó đang nằm trên đỉnh một ngọn tháp. Chỗ
này có lẽ đã cách xa Pụ Dín lắm. Không mấy khi theo chị Pao đi lấy chuối rừng về cho lợn mà gặp nhiều chuối vàng to chừng này. Chuối rừng mọc khắp các khe suối, lẫn với giang, cây dong và ngõa, đến mùa thi nhau nở hoa đỏ ối cả vùng. Nhưng chỉ nhiều chuối đen chứ chuối vàng ít lắm, người các bản lên chặt về chăn lợn hết, cây bé cũng hết.
Đêm qua, lúc thoát khỏi mấy bàn tay sắp chọc dao vào cổ mình, Mốc đã phi một mạch không kịp nhận ra hướng về nhà, lâu lắm mới dừng lại để đạp cái rọ mõm ra. Rồi tối trời, lại mệt quá, nó dúi đầu vào một bụi lau mà ngủ. Sáng nay, cứ nhằm đường hẹp đường rậm mà chạy. Đường rậm thường không có người đi, mà thiếu hơi người thì lũ chó ăn thịt kia còn tha hồ tìm.
Mốc uống no nước rồi bò lên bờ, nằm vắt qua một tảng đá đầy rêu. Xung quanh tối thẫm, không có tí ánh mặt trời nào. Mốc nhúng cái chân đang còn chảy máu ròng ròng xuống nước...
* **
Từ Pụ Dín nhìn qua mấy quả núi cũng thấy khói nương Pụ Cháng. Mùa thu hoạch, gió mạnh một tí là có mùi cơm mới bay sang. Vậy mà muốn
đến thăm nhau là phải đi từ lúc mặt trời chưa mọc đến khi mặt trời sắp lặn, trẻ con không đứa nào đi nổi. Pụ Cháng ở thấp hơn, gần đường ôtô,
đi về chợ huyện chỉ mất nửa ngày. Gần huyện nên trẻ con Pụ Cháng cũng khôn sớm hơn trẻ con Pụ Dín, nhiều đứa bé tí đã biết nhận mặt đồng tiền lúc theo mẹ bán bán mua mua ở chợ.
Xa thế nhưng cũng gần, hai bản có nhiều nhà là anh em họ hàng với nhau. Trước kia Pụ Cháng toàn người họ Giàng, họ Thào; Pụ Dín chỉ có họ Lù, họ Ly, sau này đi sang nhau lấy dâu nhiều mới thành họ hàng anh em. Lẽ
ra là họ hàng anh em phải hay đến thăm nhau thì bây giờ lại không thế. Người già muốn đến nhưng yếu chân yếu mắt không đi được. Người trẻ
thứ gì cũng khỏe lại không muốn đi. Tại cái đầu ít nghĩ đến nhau thì tự
dưng chân cũng mỏi theo thôi mà. Người Pụ Dín nói thế.
Ấy dà, nói thì không vừa lòng nhau, không nói thì bảo khinh nhau, bảo không có mồm. Biết thế nào cho phải. Người Pụ Cháng lại nói thế.
Mặc kệ thôi. Gió vẫn cứ mang hương cơm mới về Pụ Cháng, lại mang mùi rượu hoẵng lên Pụ Dín. Trời mưa thì nước mới vẫn chảy từ trên cao xuống thấp, trời cạn thì chỗ nào cũng khô như nhau. Trời đất chẳng làm gì để bản này ghét bản kia, mà người già đêm nào cũng nói đi nói lại ghét nhau là tự mở cửa cho ma đói vào bụng mình. Từ ngày Pụ Dín, Pụ Cháng gom lại chưa đầy chục nóc nhà đã thân nhau như mấy đốt ngón tay, cứ
năm nào có người cãi nhau là năm ấy mất mùa. Bây giờ không phải một, hai người mà cả bản ghét nhau thì cái gì đến đây?
Người trẻ không còn muốn sang đi hội với nhau nữa. Mọi thứ cứ khác dần đi, bắt đầu từ ngày Pụ Cháng có điện về.
Pụ Cháng nằm ngay cạnh đường lên huyện lị. Lúc người ta kéo điện qua tiện đường lắp cho Pụ Cháng một trạm hạ thế. Vậy là bỗng chốc cả Pụ
Cháng, nhà lớn nhà bé, nhà giàu nhà nghèo, chỗ nào cũng sáng như ban ngày. Từ Pụ Dín nhìn xuống thấy như mặt trời không lặn ở Pụ Cháng, còn ở Pụ Cháng từ ngày không còn thắp đèn dầu nữa, nhìn lên lại thấy Pụ
Dín tối hơn ngày trước. Có lần gặp nhau ở chợ, bọn con trai Pụ Cháng còn bảo: "Dạo này Pụ Dín đi ngủ sớm thế. Chẳng thấy ánh lửa gì cả". Không biết chúng nó nói thật bụng hay cố tình trêu tức, nhưng đám con trai Pụ Dín đã giận tái mặt: "à thì chúng mày khinh bọn tao đấy. Mới sáng hơn một tí đã học khinh người ở đâu về rồi".
Vậy là cãi nhau. Lúc đầu chỉ nói nặng lời hơn bình thường, nhưng sau cứ
nóng mặt dần lên, không giữ được nữa là mở miệng to ra, suýt nữa còn
đánh nhau. May mà bọn con gái gọi về.
Sau lần cãi nhau giữa đám thanh niên ấy, hai bản xa nhau hẳn ra. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều nhận thấy thế. Người Pụ Dín đi chợ huyện không qua Pụ Cháng nữa mà đi vòng, qua hai quả núi nữa mới xuống đến
đường cái. Mất gần một tháng, bọn con trai con gái Pụ Dín mới dọn xong
đường riêng cho mình. Thấy thế, thanh niên Pụ Cháng đi săn cũng không
đi về phía Pụ Dín. Nhưng dần dần, từ ngày có điện về người Pụ Cháng cũng ít lên núi. Pụ Cháng đã tự mở một cái chợ bé, có máy xay xát, có thêm cả một cái quán phở nữa, lúc nào cũng ồn ào. Bây giờ, xe ôtô qua lại, dù lên huyện hay về tỉnh cũng muốn dừng lại Pụ Cháng một lúc. Pụ
Cháng ở ngay sau cổng trời một, quanh năm gió lồng lộng, nhìn xuống phía dưới là thung lũng toàn sa mộc mọc hoang, đều tăm tắp. Dưới chân sa mộc toàn hoa cúc đỏ. Dín dần thành nếp, Pụ Cháng thành chỗ nghỉ
Pụ Cháng, Pụ Dín ngày càng không giống nhau, càng xa nhau. Cho đến khi ngay trung tâm chợ Pụ Cháng có một người đàn ông râu rậm mang theo vợ từ xuôi lên, mở một quán thịt chó, thì hai bản không còn nối lại với nhau được nữa.
Bao đời nay, người Pụ Cháng, Pụ Dín nuôi chó giữ nhà, giữ nương, coi nó như bạn. Chó lớn lên cùng với người. Có con chó giữ cửa, người lớn
đi làm cứ để trẻ con ở nhà, không phải lo gì. Đến mùa bẻ ngô, nhổ sắn, mang con chó lên nương làm nhà cho nó ở, rồi người cứ về nhà mà ngủ. Trẻ con có khi bịđánh vì hư, nhưng con chó thì một câu chửi cũng không phải nghe. Cứ ở với người mãi, chó bố chó mẹ già ốm, lông rụng, nằm một chỗ, thì chó con đã kịp lớn lên cả đàn. Cần tiền đến đâu cũng chỉ bán con gà con lợn, không ai bán chó đi lấy tiền bao giờ.
Vậy mà bây giờ Pụ Cháng lại để người lạ đến giết chó như giết gà thế thì Pụ Dín không chịu được rồi. Cậy giàu, cậy thừa tiền thừa của không cần chó canh nương nữa đấy mà. Nhưng không cần thì thôi chứ, sao lại đem giết thịt con chó bao nhiêu năm bầu bạn với mình? Tệ quá. ác quá. Người Pụ Dín giận lắm. Giận mà không biết làm gì quay ra lo giữ đàn chó trong bản, không cho đi chơi xa, nhỡ lao xuống Pụ Cháng lại không có đường về.
* **
Đã mấy đêm rồi, đang dở giấc, nghe tiếng móng chân con Mốc cào cào vào cánh cửa gỗ Pao lại bật dậy, rút then cho nó vào nhà. Đấy là lúc gần sáng, tiếng chó bị giết thịt dưới Pụ Cháng bắt đầu vọng lên, nghe rõ lắm.
Đưa con Mốc vào, cho nó nằm ngay dưới chân giường mình, rồi Pao cũng thức luôn đến sáng. Con Mốc run lên từng chập. Đi săn gặp thú dữ,
gì làm nó biết sợ. Chỉ đến bây giờ, nghe tiếng chó tru lên từng đêm mới thấy con Mốc run bần bật thế này. Sợ hay là uất ức cũng không rõ nữa, nhưng cứ soi đèn pin vào mặt nó là thấy hai con mắt mở chừng chừng, đỏ
như hai hòn than.
Hôm nào vào phiên chợ, xe qua lại nhiều. Hôm ấy lão chủ quán giết nhiều chó. Nghe tiếng kêu cũng biết loại chó nào bị giết. Pụ Dín, Pụ
Cháng xưa nay chỉ có mấy loại thôi, ai mà không nhận ra được. Chó vàng chân đen, đuôi cong kêu như tiếng xé vải; chó đen, tai cụp, đuôi quét đất kêu tiếng dài mà dữ; chó khoang trắng khoang đen kêu như tiếng trẻ con khóc mẹ... Những tiếng kêu từ trong cổ, không há miệng ra được, nghe càng sợ, dội đi dội lại Pụ Dín mãi.
Nhà Pao nuôi chó khoang từ đời ông bà, trước cả ông bà nữa. ở Pụ Dín, nhà nào nuôi loại chó gì thì cứ nuôi mãi. Chó con chui ra, con nào của nhà mình thì lấy, con nào của nhà khác thì đợi đến lúc nó biết ăn cơm là mang đến tận nhà trả. Nhà khác cũng thế. Chó khoang hiền lại chăm, thức suốt đêm đi hết nương này qua nương khác được. Họ Ly ở Pụ Dín ít người nên chó khoang ở Pụ Dín cũng ít. Như nhà Pao đây, có mỗi con Mốc. Thỉnh thoảng có nhà mang chó con đến cho nhưng chỉ nuôi được vài ngày là chết dù Pao có nhá cơm cho nó ăn từng bữa. Nhà ít người, Pao có mỗi con Mốc làm bạn, đi đâu cũng chó nó theo. Con Mốc cao lừng lững, tai dài dựng đứng, mùa khô nghe tiếng chân nó chạy trên suối cạn như tiếng vó ngựa. Bố Pao già yếu rồi, việc canh nương vụ nào cũng phần con Mốc.
Hồi đầu mùa đông năm Pao lên hai tuổi, mẹ đẻ một lúc hai em, một trai một gái, nhưng không em nào sống được vì yếu quá. Mẹ ra nhiều máu, lại buồn quá cũng ốm luôn từ đấy, không còn làm được việc gì nặng nữa. Nhà không có con trai nên bố Pao là con cả cũng dần dần thành con thứ. Càng ngày bố càng cố ý để mấy em trai lo hết việc trong họ. Bố buồn.
Nhưng buồn bao nhiêu cũng để trong bụng thôi, không nói ra vì sợ mẹ
biết lại càng ốm thêm.
Việc nhà dồn hết vào đôi tay bố, lo đủ miệng ăn đã khó còn phải kiếm thuốc, gọi thầy mo cho mẹ nữa, nên nhà nghèo càng nghèo thêm. Năm Pao lên tám tuổi thì người già trong họ bắt đầu đến nhà Pao nói chuyện với bố. Đến buổi tối, lúc cả nhà ăn cơm xong rồi, ngồi bên bếp uống nước chè. Hôm nào các ông chú đến thì mẹ Pao cũng chỉ pha nước chè mới rồi lui vào buồng, để bố Pao ngồi tiếp chuyện. Lúc đầu còn nói xa nói gần, sau thì các ông chú nói thẳng ra là cả họ nóng bụng quá rồi, muốn bố Pao có con trai để lo việc họ sau này. Chú Dín cũng có con trai, nhưng chú người yếu, da xanh, làm việc gì cũng chỉđược một nửa đã thõng tay đứng thở, ngày nào cũng ho vài trận. Lấy vợ vào cũng không hơn gì. Vợ chú Dín to gấp đôi chú, làm việc gì cũng một nhoáng đã xong. Mọi việc trong nhà dồn lên tay thím hết, kể cả việc dạy con. Nhưng xưa nay, việc dạy con trai thành người lớn có bao giờ lại là việc của mẹ, con trai thì phải theo bố chứ. Hai đứa nhà chú Dín, tám chín tuổi đẽo con quay gỗ chưa nổi, bao giờ mới biết tra cán con dao? Bao giờ mới làm việc đàn ông trong nhà được, nói gì đến việc họ việc làng. Bố Pao không như chú Dín, việc gì cũng thạo cũng giỏi, ngày còn thanh niên cả Pụ Dín không ai dám so tài. Cả họ trông chờ vào bố Pao. Từ hồi hai em Pao mất mọi người lại
đợi mẹ Pao mang bụng, nhưng đợi mãi, đợi mãi không thấy, chỉ thấy mẹ
Pao người càng ngày càng mỏng đi, bé lại. Thế mà bố Pao thì nhanh già quá, gần bốn mươi mà tóc đã bạc rồi. Bà thím bảo, người nào buồn nhiều, khổ nhiều thì mau già, nhưng sống lâu. Bố Pao nói, sống lâu mà cứ buồn mãi, khổ mãi không sướng bằng chết sớm. Những câu chuyện nói qua nói lại thế mẹ Pao nghe hết. Nghe rồi thở dài.
Ngày xưa, ông nội, ông ngoại Pao chơi thân với nhau từ lúc còn rủ nhau mang con quay gỗ lim ngâm bùn dưới vũng trâu đầm ba tháng đi đấu ở
bản khác, cách Pụ Dín mấy cái nương sắn. Lớn lên, hai người lấy vợ cùng một năm, làm bố trẻ con chỉ trước nhau vài ngày. Hứa với nhau trước nên lúc mẹ Pao vừa tròn tuổi mười hai là ông ngoại cho về làm dâu họ Ly rồi. Mẹ Pao là con út, về làm dâu cả, nhưng nhà bên này không có con gái nên ông bà thương chiều như con gái ruột, việc nặng không bắt làm. Mẹ
Pao cũng lo việc nhà chồng như nhà mình, coi bố mẹ chồng như bố mẹ
mình. Về làm dâu lúc còn bé quá, mấy năm liền con dâu toàn ngủ chung với mẹ chồng. Sau này mẹ mới kể với Pao, ông bà nội đòi lấy dâu sớm thế là để giữ phần, sợ một vài năm sau lớn thành con gái rồi lại nhìn thấy người con trai khác chứ không phải bố Pao. Đến lúc ấy cố ép hai người lấy nhau cũng khổ.
Hồi mới cưới về, bố Pao cũng chăm cho mẹ Pao như chăm em gái út, đi rừng gặp hoa gì cũng hái về cho, bắt cả một con sóc con về buộc chân nuôi trong nhà, con sóc ở mãi rồi cũng quen, bỏ dây ra cũng không đi nữa. Mẹ Pao kể, hồi bà nội bắt đầu đuổi con dâu sang buồng riêng với chồng, đêm nào con sóc cũng chen vào nằm giữa hai người, thỉnh thoảng cào cào cho mỗi người một cái.
Vì mẹ Pao làm dâu mà không giống con dâu, bao nhiêu năm họ Ly coi mẹ con Pao như con gái trong họ rồi, thế nên bây giờ bàn chuyện kiếm vợ
mới cho bố Pao các ông chú mới không dám nói thẳng ra, cứ vòng quanh xa gần mãi, mặc dù bản này đàn ông lấy vợ hai nhiều lắm, vợ cả không đẻ được con trai là lấy thêm vợ hai thôi, rồi muốn ở chung cũng được mà thích tách ra ở riêng thì ở, không ai ngăn. Dâu nào cũng là dâu, cháu nào cũng là cháu, cứ mang họ nhà chồng là được đối xử như nhau hết.
Đêm nào cũng thế, mẹ dựa lưng vào vách, ôm Pao trong lòng, không cố
tình nghe nhưng câu chuyện của đàn ông bên ngoài cứ vẳng vào buồng. Các ông chú nói:
- Mày là cái nóc của họ Ly, bây giờ chân cột cha mục mà cái nóc muốn mục trước, thế có được không? Con vợ mày ốm, nó không đẻ được nữa, thì thôi, ép cũng không ra. Vậy thì mày phải nghĩ xa xa qua cái ngưỡng cửa một tý có ai trách mày không?
Bố nói:
- Không nói nhiều nữa, không nói nữa. Nhé! Các ông chú à, cháu đứng chỗ thấp, chỗ cao cũng như nhau cả thôi, không xếp lại nữa. Việc làng việc họ cần đến đâu, cháu làm được thì làm, không làm ngay được thì để
sau này anh em thằng Sình thằng Sính làm. Cây nhà mình đang héo, lòng dạ nào đi tìm cây khác...
Mẹ thở dài, tóc mẹ xõa xuống mặt Pao. * **
Buồng riêng của Pao có một lỗ cửa nhìn ra đầu hồi bên phải, phía mặt trời lặn, cứ mở miếng gỗ che lỗ cửa ấy ra thì căn buồng này là chỗ tối muộn nhất trong nhà. Mặt trời lặn đến đâu thì cái ô nắng vuông vuông lại nhích dần lên tường đến đấy, nhưng ô nắng chỉ lên đến chỗ Pao treo cái túi thêu là dừng lại rồi tắt dần. Mùa đông, sợ gió vào, Pao cắt một mảnh áo mưa trắng, lấy que gài vào lỗ cửa để không bị tối. Có mỗi cái lỗ cửa ấy thôi, để
lúc nào không có việc là Pao lại ngồi trong giường nhìn ra. Nhìn ra mà