Hiện nay trên thế giới số bệnh nhân cần tế bào hay cơ quan đang sinh trưởng để cấy ghép ngày một nhiều, nhưng nguồn tế bào và cơ quan người không đủ. Ý tưởng sử dụng cơ quan động vật để thay thế đã xuất hiện cách đây gần một thế kỷ. Các thí nghiệm cấy ghép cơ quan các loài động vật khác nhau cho bệnh nhân đã được tiến hành. Trong một số trường hợp đã dẫn đến kết quả cấy ghép thành công nhưng phản ứng loại thải xảy ra nhanh. Hai cơ quan là tinh hoàn và buồng trong của mắt thì sự loại thải xảy ra chậm hơn nhiều. Các mô này biểu hiện một phân tử có tên là phối tử Fas trên bề mặt của chúng, làm chết các tế bào miễn dịch đã hoạt hoá.
Các loài khác nhau đã được thử nghiệm làm nguồn cơ quan cung cấp cho con người. Đầu tiên Linh trưởng, bao gồm hắc tinh tinh được cho là thích hợp nhất. Nhưng sau đó nhận thấy ngay rằng sự lựa chọn này không phải là tốt nhất. Các cơ quan của Linh trưởng bị loại thải sau khi cấy ghép. Linh trưởng là loài đang được bảo vệ và giá của nó cực kỳ đắt. Hơn nữa, Linh trưởng có nguy cơ truyền bệnh cho con người cao nhất. Cho nên ý tưởng sử dụng Linh trưởng làm nguồn cơ quan cho con người đã được loại bỏ. Lợn được cho là tốt nhất. Loài này có quan hệ gần gũi với con người, ăn tạp và các cơ quan của nó có kích thước tương tự với con người. Lợn không có quan hệ họ hàng gần gũi với người như Linh trưởng nên khả năng truyền bệnh của nó cho người là không dễ
dàng hơn. Hơn nữa sự sản xuất lợn giống có thể tiến hành trong những điều kiện kiểm soát được bệnh tật với một giá thành thấp. Mặt khác, hiện nay lợn được sử dụng làm nguồn thức ăn phong phú cho con người.
Sự ghép mô khác loài hãy còn chưa được ứng dụng phổ biến trong thực tế. Vấn đề thứ nhất cần giải quyết là một lĩnh vực khoa học. Các cơ chế loại thải chưa được hiểu biết đầy đủ và tất cả các protocol sử dụng để ức chế cơ chế này, có liên quan đến chuyển gen hay không hãy còn chưa được xác định. Tính nghiêm ngặt của sự loại thải sẽ khác nhau đối với các tế bào và cơ quan được ghép. Thực vậy, mô mạch máu bị loại thải mạnh nhất. Điều này là do tế bào nội bì cơ quan được ghép của lợn bị phân huỷ một cách nhanh chóng bởi thể bổ sung của người (human complement). Nó gây ra sự nghẽn mạch và phân huỷ nhanh cơ quan ghép. Các tế bào tách ra hoặc toàn bộ khối tập hợp của cơ quan là không nhạy cảm với hiện tượng này. Tuy nhiên các đảo tuỵ của lợn bị loại thải nhanh chóng khi ghép vào Linh trưởng.
Vấn đề thứ hai nảy sinh từ thực tế là các cơ quan lợn nói chung là không hoạt động một cách hiệu quả ở người. Một quả tim lợn sẽ hoạt động chính xác ở người. Một quả thận sẽ không thích nghi quá tốt với người được ghép. Hiện nay dường như chưa có dự tính ghép gan lợn cho người. Các chức năng của gan quá phức tạp nên không thể tương hợp một cách dễ dàng giữa các loài động vật có vú khác nhau. Các tế bào tách chiết hoặc các khối tập hợp của cơ quan có thể gây ra ít vấn đề hơn. Các tế bào tuyến tuỵ của lợn tiết insulin có thể hoạt động một cách chính xác ở người. Tương tự đối với các neuron tiết dopamine hoặc đối với các tế bào da.
Người ta cho rằng việc ghép mô khác loài có thể đưa ra một giải pháp nhất thời giúp cho bệnh nhân có thể sống được cho đến khi có được cơ quan người để thay thế. Trong các trường hợp đặc biệt, các tế bào lợn tồn tại không dài hơn một ngày sau khi ghép cho bệnh nhân hoặc có thể được sử dụng trong tuần hoàn máu nhân tạo. Các tế bào gan lợn được sử dụng để ghép cho các bệnh nhân bị viêm gan cấp tính. Các tế bào gan này được duy trì trong một lò phản ứng nhân tạo (extracorporeal reactor) và chúng giải độc cho máu người tuần hoàn trong lò phản ứng này. Các tế bào lợn có thể hoạt động chức năng dài hơn nếu chúng được lấy từ lợn chuyển gen kháng với thể bổ sung của người.
Vấn đề thứ ba là khả năng nhiễm nguồn bệnh virus của lợn đối với bệnh nhân được cấy ghép.
Mặc dầu trong thực tiễn ghép mô khác loài chưa trở nên phổ biến, nhưng nó vẫn là một phương pháp hấp dẫn cho việc thay thế cơ quan và liệu pháp tế bào (cell therapy). Sử dụng tế bào gốc của người có thể là thích hợp hơn đối với liệu pháp tế bào trong tương lai. Cho đến nay việc tạo cơ quan người in vitro vẫn là một thách thức. Chỉ tế bào da và tế bào máu nuôi cấy in vitro được chuẩn bị đều đặn để cấy ghép cho bệnh nhân. Vì vậy lợn vẫn là một nguồn cơ quan đầy tiềm năng đối với người.
Yếu tố căn bản trong việc tạo ra vật nuôi chuyển gen để cung cấp nội quan cấy ghép cho các bệnh nhân là ngăn cản sự loại thải thể ghép nhờ sự hoạt hoá các nhân tố bổ sung thuộc hệ miễn dịch của người. Các nhà khoa học đã tạo ra lợn chuyển gen biểu hiện gen mã hoá các nhân tố ngăn cản sự bổ sung của người (human complement inhibitory factors) như nhân tố làm tăng nhanh sự phân huỷ (decay-accelerating factor) (Rosengard, 1995). Mục tiêu này đang được tiếp tục nghiên cứu.