Lịch sử ra đời của nhóm hàng TCMN Việt Nam

Một phần của tài liệu “Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường Mỹ” (Trang 33 - 36)

Nhóm hàng gốm sứ mỹ nghệ

Gốm là một trong những phát minh quan trọng của tổ tiên ta và gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân ta từ ngàn đời nay. Với trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm, gốm cổ Việt Nam đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc và truyền lại từ đời này sang đời khác

Gốm cổ truyền Việt Nam đã có cách đây sáu, bảy ngàn năm, xuất hiện trong những di chỉ thuộc thời kỳ hậu đồ đá mới Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun...Qua từng giai đoạn lịch sử, gốm cổ truyền Việt Nam đã có những bước phát triển cao và phong phú, con người đã biết sử dụng bàn xoay và chế tạo ra men để phủ ngoài, tăng thêm vẻ đẹp cho đồ gốm. Trong lịch sử Việt Nam, tập I, trang 38 có ghi: “Trong giai đoạn Phùng Nguyên...những loại hình đồ gốm (nồi, bát, cốc, vò...) có hình dáng đẹp, khỏe, chắc phần nhiều đã được chế tạo từ đôi bàn tay con người. Mặt ngoài đồ gốm phủ đầy hoa văn trang trí với những đường vạch sắc sảo, những nét cong uyển chuyển mềm mại, được phối khí đối xứng hài hòa. Đó là một biểu hiện về óc thẩm mỹ khá cao của người Việt Nam lúc bấy giờ...”

Đến thời Lý – Trần, đất nước thái bình, quân sự vững mạnh, kinh tế văn hóa phát triển, nghề gốm đã phát triển cực thịnh. Theo tài liệu giới thiệu “Lịch sử gốm ở Thổ Hà” của sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, và tài liệu “Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Trang”, tư liệu của Viện Mỹ thuật, năm 1964, cho biết: Vào khoảng thời Lý – Trần có ba người đỗ Thái học sinh, được cử đi sứ nhà Tống là Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát, Thanh Hóa; Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà, Hà Bắc; Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt, Hải Dương. Cả ba ông này khi đi sứ đã học được nghề gốm. Lúc trở về ba ông chọn ngày lành tháng tốt, lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng và phân công:

+ Ông Tiến về Thổ Hà dạy dân làng chuyên chế các hàng sắc gốm đỏ; + Ông Tú về Phù Lãng dạy dân làng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng thẫm.

Cho đến nay, đồ gốm được sản xuất ở khắp nơi trong cả nước, sản phẩm ở mỗi vùng có kỹ nghệ sản xuất riêng và đặc trưng cho từng địa phương ấy, tiêu biểu là: gốm Bát Tràng ( là một xã thuộc Gia Lâm, Hà Nội do làng Bồ Bát chuyển về); gốm Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh); gốm Hương Canh (Vĩnh Phú); gốm Quế Huyền (Hà Nam); gốm Mường Chanh (Mai Châu, Sơn La); gốm, sứ Vĩnh Long; gốm, sứ Bình Dương (ở hai huyện Tân Phước Khánh – Tân Uyên)...Trong số các loại trên, gốm sứ Bát Tràng, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long là mặt hàng xuất khẩu giá trị cao, nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Những mặt hàng gốm sứ này có mẫu mã đa dạng, men phủ có nhiều loại như: men ngọc, men hoa lam, men rạn...và đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đưa về một số lượng ngoại tệ lớn cho đất nước.

Nhóm hàng mây tre đan, cói lá thảm

Trong số các đồ dùng sinh hoạt quen thuộc từ lâu đời của nhân dân Việt Nam có đồ gốm và đồ mây tre đan. Một trong những cái nôi của nghề đan tre nứa của nước ta phải kể đến là xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Nói là nghề đan tre Ninh Sở, nhưng thật ra rất ít mặt hàng đan bằng nan tre mà bằng nan nứa, giang, cật, sậy...những thứ cây này đều là họ tre, nứa. Do cây tren quen thuộc với con người và làng quê Việt Nam, nên người ta gọi là nghề tre đan cho thêm gần gũi và thân thương.

Nghề tre đan còn phát triển ở rất nhiều địa phương khác trong cả nước như: xã Đông Phương Yên, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ; xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây; xã Hoàng Thịnh, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, còn có nghề mây song, nghề dệt chiếu cói. Nghề mây song ban đầu phát triển ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau đó phát triển ở một số địa phương khác như: xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây; xã Hoàng Đông, huyện

Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; huyện Duy Sơn (Quảng Nam); huyện Nhạn Tháp (Bình Định). Nghề đan các sản phẩm bằng cói phát triển ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Các sản phẩm đan bằng lá như nón làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Tây) cũng rất nổi tiếng trong cả nước và gần đây cũng đã được thị trường thế giới ưa chuộng.

Nhóm hàng dệt thổ cẩm, thêu ren

Một trong những quê hương của hàng thổ cẩm là Cao Bằng (huyện Hòa An và Hòa Quảng). Nghề dệt thổ cẩm Cao Bằng đã có từ hai ba trăm năm nay nhưng người dân ở đây chỉ mới ý thức dệt thổ cẩm để xuất khẩu từ những năm 1960 khi các công ty xuất khẩu và ngành thủ công nghiệp tỉnh chú ý và có chủ trương cụ thể để phát triển

Ngoài Cao Bằng, nghề dệt thổ cẩm còn phát triển ở các địa phương như: làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội; huyện Sapa, tỉnh Lào Cai; huyện Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) và một số huyện thuộc tỉnh Nam Định

Còn nghề thêu ren phát triển ở Hoa Lư (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) và một số huyện thuộc tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh và thành phố Hồ Chí Minh

Trong những năm gần đây, các sản phẩm thêu ren, thổ cẩm của ta đã được thị trường nước ngoài ưa thích và đã đem về kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho đất nước.

Nhóm hàng sơn mài

Chất liệu chính dùng trong ngành sơn mài là nhựa từ vỏ cây sơn, ở nước ta cây sơn được trồng nhiều trên những triền đồi đất vùng trung du Bắc Bộ.

Nhựa cây sơn có nhiều đặc tính độc đáo nên đã sớm được sử dụng từ thời xa xưa trong các việc thông thường trong đời sống hàng ngày. Do có độ dính cao

và rất bền chắc, nhựa sơn được dùng như một thứ keo để gắn gỗ, tre nứa, hàng thúng mủng đựng nước. Do chịu được độ ẩm cao, người ta dùng nhựa sơn quét lên đồ đạc bằng gỗ như bàn, ghế, tủ, giường, rương...vừa bóng lại vừa đẹp, vừa tăng độ bền cho gỗ.

Theo các tài liệu, nghề sơn mài Việt Nam phát triển nhất vào thời Lê, đời vua Lê Hiến Tông, cụ Trần Lư, còn có tên là Lương, tự là Tu Khê, sinh năm Canh Dần (1470) đỗ đồng Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống thứ năm, hiệu Trần Thượng Công được tôn làm bậc thầy đầu tiên về ngành nghề này. Để tưởng nhớ công ơn của ông thầy dạy nghề đầu tiên, các môn đệ đã lập đề thờ cụ Trần Thượng Công ở làng Bình Vọng, quê cụ, nay thuộc huyện Thường Tín (Hà Tây).

Các học trò của cụ Trần Lư đã lập thành từng phường thợ sơn, tỏa đi làm nghề khắp nơi trong cả nước. Mỗi nơi lại sáng tạo, nảy nở ra nhiều cải tiến, kỹ thuật độc đáo của phường mình và giữ riêng bí mật nhà nghề; làm bảo vật của địa phương để giữ nghề cho riêng địa phương mình. Các sản phẩm cũng thường được đặt tên theo các địa danh. Hàng đồ nét Cát Đằng, hàng thúng khảo chợ Đầu (Nam Định), hàng tráp quả chợ Bằng (Hà Đông)...có nước sơn quang dầu rất bóng.

Hiện nay, chúng ta còn giữ được khá nhiều tác phẩm nghệ thuật có tô sơn như các tượng phật bằng gỗ chạm nổi, bằng đất đắp được sơn son thếp vàng, các đồ thờ, ngai thờ ở các chùa, chiền, đền đài dưới các thời phong kiến như tượng phật ở chùa Phật Tích (Thạch Thành, Hà Bắc), Chùa Đậu (Hà Tây), chùa Tây Phương (Sơn Tây), chùa Tây Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc (Hà Nội)...

Một phần của tài liệu “Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường Mỹ” (Trang 33 - 36)