Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của Tây Nguyên

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY CÀ PHÊ VÙNG TÂY NGUYÊN 54 (Trang 30 - 32)

Tây Nguyên là vùng cao nguyên giáp với Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Tây Nguyên gồm năm tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là 5.465.959 ha.

Tây Nguyên lại có thể chia thành ba vùng địa hình đồng thời là ba vùng khí hậu, gồm Bắc Tây Nguyên (gồm các tỉnh Kon Tum và Gia Lai), Trung Tây Nguyên (gồm các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông), Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng). Trung Tây Nguyên có độ cao thấp hơn và nền nhiệt độ cao hơn hai vùng phía Bắc và Nam Tây Nguyên.

Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà gồm nhiều cao nguyên liền kề nhau. Đó là các cao nguyên Kon Tum cao khoảng 500m, cao nguyên Kon Plông, Kon Hà Nừng, Plâyku cao khoảng 800m; cao nguyên K’Drắk, Buôn Ma Thuột cao khoảng 500m, cao nguyên Mơ Nông cao khoảng 800 - 1000m, cao nguyên Lâm Viên cao khoảng 1500m và cao nguyên Di Linh cao khoảng 900 – 1000m. Tất cả các cao nguyên này đều được bao bọc về phía Đông bởi những dãy núi và khối núi cao (chính là Trường Sơn Nam). Ngoài hai cao nguyên Kon Tum và Lâm Viên có những vùng núi cao hiểm trở, địa hình Tây Nguyên phần lớn là đồi thấp và thung lũng, bồn địa tương đối bằng phẳng. Độ cao trung bình của vùng so với mực nước biển từ 800 – 1000m. Đây là vùng sinh thái lớn thứ hai của cả nước sau vùng trung du và miền núi phía bắc.

Tây Nguyên có diện tích đất đỏ khoảng 3 triệu ha, chiếm gần 55% diện tích toàn vùng. Tài nguyên đất đỏ ở Tây Nguyên rất đa dạng nên có khả năng phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, chè, hạt tiêu…và các loại cây ăn quả, với khoảng 1,4 triệu ha đất đỏ bazan rất màu mỡ với độ dày canh tác cao, đất phù sa khoảng 200 nghìn ha. Diện tích rừng chiếm ưu thế trong hệ thống sinh thái nông lâm nghiệp của vùng, tuy nhiên đang có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây.

Trong năm, khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt là mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó tháng 3 và tháng 4 là hai tháng nóng và khô nhất. Lượng mưa mỗi năm vào khoảng 1600 - 2.400 mm, lượng mưa này dồn chủ yếu vào mùa mưa (chiếm khoảng 90% lượng mưa của cả năm). Khí hậu tương đối điều hòa, biên độ dao động nhiệt trong ngày từ 15 đến 18oC.

Dân số Tây Nguyên khoảng 4,93 triệu người, mật độ dân số trung bình xấp xỉ 90 người/km2. Thành phần dân cư rất phong phú, với 46 dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc ít người còn ở trong tình trạng kém phát triển, tập quán sản xuất lạc hậu, mức sống thấp, lệ thuộc nhiều vào tự nhiên. Phần lớn người Kinh hiện sinh sống ở Tây Nguyên do các cuộc vận động xây dựng kinh tế mới vào đầu những năm 1980 và do làn sóng di dân tự do cuối những năm 90 dưới sức hút của sản xuất cà phê. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư thuộc nhóm cao nhất trong cả nước. Khi xem xét về mặt phát triển bền vững thì yếu tố này tiềm ẩn sự bất ổn về mặt xã hội.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY CÀ PHÊ VÙNG TÂY NGUYÊN 54 (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w