I. THỰC HIỆN CÔNG TÁC TẠO ĐỘNG LỰC TẠI XÍ NGHIỆP:
1. Tạo động lực cho người lao động thông qua tiền lương:
1.1. Lựa chọn hình thức và điều kiện trả lương:
Căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh của xí nghiệp, xí nghiệp đã lựa chọn áp dụng hình thức trả lương khoán sản phẩm: Xí nghiệp tiến hành khoán sản phẩm cho từng bộ phận riêng lẻ và hàng ngày có theo dõi, kiểm tra chặt chẽ sản lượng của từng bộ phận thông qua báo cáo sản lượng hàng ngày. Số sản phẩm vượt khoán sẽ được tính với đơn giá bằng 150% đơn giá của sản phẩm khoán. Trả lương theo hình thức sản phẩm khoán như vậy có tác dụng tích cực đối với sản xuất, làm cho người công nhân quan tâm đến thành quả lao động của mình từ đó mà nâng cao được năng suất lao động, đồng thời làm
cho tiền lương phản ánh trực tiếp số lượng và chất lượng lao động của mỗi người.
Thực hiện trả lương theo khoán sản phẩm làm cho công nhân thấy rõ giá trị của lao động có kỹ thuật, tác dụng của phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, do đó thúc đẩy công nhân hăng hái thi đua học tập nâng cao kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của trình độ khoa học kỹ thuật.
Thực hiện trả lương theo sản khoán phẩm đòi hỏi công việc tổ chức và quản lý sản xuất, tổ chức và quản lý lao động phải được tiến hành một cách chặt chẽ và nghiêm túc, vì vậy đã thực sự thúc đẩy công tác cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động và quản lý sản xuất, quản lý lao động ngày càng tiến bộ.
Để quản lý lao động về mặt số lượng, Xí nghiệp đã sử dụng sổ danh sách lao động. Danh sách lao động do phòng tổ chức lập, nhằm nắm chắc tình hình biến động, phân bổ, sử dụng lao động hiện có của xí nghiệp. Đồng thời, Xí nghiệp còn căn cứ vào sổ lao động để quản lý về mặt số lượng và chất lượng lao động, về việc thực hiện chế độ đối với người lao động. Bên cạnh đó, Xí nghiệp còn sử dụng bảng chấm công được lập riêng cho từng bộ phận, trong đó có ghi rõ có ghi rõ ngày làm việc, ngày nghỉ việc của từng người lao động. Bảng chấm công được để ở nơi công khai để mọi công nhân viên có thể theo dõi thời gian lao động của mình, đồng thời cũng biết được thời gian lao động của các thành viên khác. Cuối tháng bảng chấm công này được lấy làm căn cứ để tổng hợp thời gian lao động và tính lương cho từng bộ phận, từng tổ sản xuất. Để theo dõi kết quả lao động, Xí nghiệp đã sử dụng báo cáo nhân sự được tập hợp hàng ngày. Phòng tổ chức nhận báo cáo lao động hàng ngày để theo dõi sự biến động và sản lượng sản xuất được trong ngày được ghi vào bảng theo dõi sản lượng. Cuối tháng tổng hợp sản lượng cho từng bộ phận làm căn cứ tính lương cho từng bộ phận.
Tuy vậy, Xí nghiệp còn gặp một số khó khăn trong việc đảm bảo điều kiện trả lương. cụ thể là công tác thống kê sản phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Để đảm bảo tính chính xác và tính công bằng của tiền lương thì đòi hỏi
công tác thống kê sản phẩm phải được tiến hành một cách chặt chẽ, muốn vậy thì việc khoán sản phẩm phải được thực hiện tới từng người lao động. Nhưng do đặc điểm sản xuất của xí nghiệp là số lượng của một mã hàng không nhiều lại thay đổi liên tục nên xí nghiệp mới chỉ khoán đến từng tổ sản xuất và dựa vào kết quả bình bầu A-B-C trong tổ để xác định hệ số của từng người cụ thể. Cũng chính vì vậy mà công tác định mức để đưa ra đơn giá sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Xí nghiệp chỉ có thể đưa ra định mức đơn giá cho từng nhóm sản phẩm trong từng công đoạn dựa trên việc cân đối đơn gía trong hợp đồng gia công và hao phí lao động.