Giải pháp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương

Một phần của tài liệu sinh kế xã đảo tam hải, huyện núi thành, tỉnh quảng nam (Trang 74 - 76)

a. Giải pháp phát triển ngành nghề

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 19 năm 2012 xác định: Phát triển kinh tế thủy sản là trọng tâm của phát triển kinh tế ở địa phương, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế địa phương cần dựa vào phân tích các nguồn lực trên để đưa ra các giải pháp phát triển. Trên cơ sở này, các giải pháp phát triển được đề xuất như sau:

- Khai thác thủy sản: Để khai thác thủy sản được phát triển bền vững cần tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để người dân tiến ra khơi. Hỗ trợ ngư dân vay vốn để sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, cải tiến trang thiết bị, áp dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đạivào hoạt động khai thác xa bờ. Vì khai thác ở vùng khơi thường tiềm ẩn nguy hiểm cao hơn so với vùng ven bờ nên cần có sự phối hợp với cơ quan chức

năng tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn trang bị kĩ thuật cho ngư dân. Khuyến khích thành lập và hỗ trợ các tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ. Đối với hoạt động khai thác ven bờ cần kiểm soát, sắp xếp lại đội tàu khai thác, quy định vùng và mùa vụ khai thác hợp lý.

- Nuôi trồng thủy sản: Vấn đề đầu tiên khiến hoạt đông nuôi trồng thủy sản chậm phát triển là thiếu vốn sản xuất, vì vậy cần hỗ trợ vốn và tập huấn kĩ thuật nuôi cho người dân. Để đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản điều quan trọng là quy hoạch vùng nuôi hợp lý, trồng lại rừng ngập mặn ở những vùng nuôi bị bỏ hoang. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống quản lý chất thải và nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, có hình thức xử phạt đối với những hộ xả thải không qua xử lý. Ngoài ra cần kiểm soát nguồn giống ở địa phương nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát.

- Nông nghiệp: Vì ở địa phương đa số phụ nữ chưa có việc làm nên cần đẩy mạnh, khuyến khích nghề chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình, phòng chống dịch bệnh, duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm có hiệu quả. Và đặc biệt quan trọng là việc khuyến khích trồng rừng nhằm chắn gió, chắn cát và giảm thiểu ảnh hưởng của bão, lũ.

- Các ngành nghề khác: Khuyến khích đầu tư, mở rộng các dịch vụ, ngành nghề như đóng và sữa chữa tàu thuyền, làm triền đà, sản xuất đá lạnh để đáp ứng các yêu cầu của địa phương. Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ N-L-NN sang TTCN-XD và TM-VT-DV. Kêu gọi nhiều nhà đầu tư nhằm phát triển hoạt động du lịch ở địa phương tận dụng tận dụng cảnh quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nhằm tăng thêm nguồn thu địa phương.

b. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Các biện pháp cần được thực hiện ở địa phương gồm: Thứ nhất, xử phạt nghiêm minh đối với hình thức khai thác hủy diệt. Thứ hai, trồng lại rừng ngập mặn ở những vùng nuôi bỏ hoang góp phần tăng nguồn lợi thủy sản. Thứ ba, kiểm soát số lượng tàu thuyền, khuyến khích khai thác xa bờ giảm áp lực lên vùng ven bờ. Vấn đề thứ tư đáng chú ý ở địa phương là quy định mùa vụ khai thác rong mơ tránh làm mất đi nơi cư trú, sinh sản của các loài và ảnh hưởng đến

rạn san hô. Ngoài ra cần nâng cao vai trò của nhóm bảo vệ rạn san hô ở địa phương, tổ chức tập huấn, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

c. Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước: Vì nguồn nước ở địa phương đang dần bị nhiễm mặn nên cần có các biện pháp khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý. Tổ chức giáo dục về vai trò của nước trong nhà trường giúp học sinh nhận thức từ ban đầu. Có đánh giá sơ bộ về trữ lượng nước ngầm ở địa phương để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

d. Quản lý môi trường: Thường xuyên tổ chức các lớp học về môi trường, lồng ghép chương trình dọn vệ sinh ở thôn, xóm. Có các quy định về xả thải đối với nước thải từ nuôi trồng thủy sản và các hoạt động sản xuất. Đưa dự án thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt vào hoạt động giảm bớt việc xả thải bừa bãi ra sông, ra biển của người dân.

Một phần của tài liệu sinh kế xã đảo tam hải, huyện núi thành, tỉnh quảng nam (Trang 74 - 76)