Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu sinh kế xã đảo tam hải, huyện núi thành, tỉnh quảng nam (Trang 31 - 33)

a. Vị trí địa lý

Tam Hải là xã nằm phía Đông của huyện Núi Thành, có chiều dài bờ biển khoảng 10km, có hệ thống sông Trường Giang bao bọc ở phía tây và 3 mặt giáp biển [22]. Với vị trí như vậy, xã Tam Hải gặp nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế- xã hội so với các vùng khác trong huyện, tuy nhiên đó lại là lợi thế để phát triển kinh tế biển của xã.

b. Đặc điểm khí tượng thủy văn

Xã Tam Hải mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, chỉ có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa; các chỉ số khí hậu thời tiết rất phù hợp cho sinh trưởng và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên lượng mưa, lượng nhiệt phân bố không đồng đều theo mùa gây ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí mùa vụ và sinh hoạt đời sống nhân dân. Cụ thể:

+ Nhiệt độ trung bình năm : 26,40C + Lượng mưa trung bình hàng năm : 2.490 mm + Lượng bốc hơi trung bình : 1.160 mm + Độ ẩm không khí trung bình : 82%

Nhiệt độ cao kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 do chịu sự chi phối của gió tây nam và gió đông nam hoạt động từ tháng 3 đến tháng 7. Nhiệt độ thấp từ tháng 12 đến tháng 2 năm saumang đặc điểm của gió đông bắc hoạt động từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12,chiếm 80% lượng mưa cả năm. Hằng năm thường xuất hiện từ 8 đến 10 cơn bão ảnh hưởng đến xã. Bão thường xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 11 kết hợp với mưa lớn gây ra lũ lụt [24]. Đây là điều kiện không thuận lợi cho phát triển kinh tế biển của xã và gây trở ngại lớn trong việc đi lại của người dân.

Xã Tam Hải có hệ thống sông ngòi chảy qua gồm sông Tam Kỳ, sông Trường Giang, sông Ba Túc, sông An Tân, sông Trâu. Các con sông này đều bắt nguồn từ phía tây, tây bắc chảy về phía đông đổ ra biển qua cửa An Hòa và cửa Lở. Các sông đều có lưu vực nhỏ từ 50 đến 100 km², độ dốc lớn, chiều dài từ 20 đến 40 km, lưu lượng nước thay đổi theo mùa. Trong đó, chế độ thủy văn của xã chịu tác động lớn nhất từ hoạt động của hệ thống sông Trường Giang. Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, sông Trường Giang chạy dọc theo bờ biển tỉnh Quảng Nam. Phía Bắc đổ ra biển tại Cửa Đại - Hội An, phía Nam đổ ra biển tại cửa An Hoà, cảng Kỳ Hà, Núi Thành. Do ảnh hưởng của thủy triều từ hai cửa nên lưu lượng trong sông thay đổi, lúc âm (chảy ngược–dòng chảy từ cửa An Hoà về phía cửa Đại), lúc dương (chảy xuôi– dòng chảy từ cửa Đại về phía cửa An Hoà). Lưu lượng trong sông rất nhỏ, chỉ vài chục m3/s. Riêng sông Trường Giang tại huyện Núi Thành có chiều dài khoảng 23,4km, bắt đầu sông tại xã Tam Tiến, Tam Hoà, Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải chảy ra cửa Lở hoặc cửa An Hoà. Hiện tại đoạn sông này đang diễn ra các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, lượng tàu thuyền qua lại ở khu vực này rất nhiều[4].

c. Điều kiện thổ nhưỡng và địa hình

Xung quanh xã được bao bọc bởi biển và sông Trường Giang, toàn xã có 07 thôn trong đó có 5 thôn đất liền và 2 thôn ốc đảo (Thôn Xuân Mỹ và Long Thạnh Tây). Địa hình của xã tương đối bằng phẳng và thấp, có nhiều cồn cát ổn định; một phần đồng bằng do các sông ngòi bồi đắp trên nền cát biển và có nhiều đầm phá. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản của xã.

Bên cạnh đó, vùng này còn có nhiều bãi đá trầm tích nhô lên khỏi mặt biển từ 10 đến 12 m như đảo hòn Dứa, Bàn Than...Tuy nhiên, địa chất của xã khá phức tạp với nhiều tầng đá như hệ tầng đá biến chất Cambri sớm, hệ tầng đá phun trào bazan và đá trầm tích núi lửa Plixoen – Pleixtoxen hạ, hệ tầng trầm tích Đệ Tứ [4]. Bên cạnh điều kiện thuận lợi như vậy, vẫn tồn tại những điểm không thuận lợi như đất cằn cỗi và bị mặn hóa không thích hợp cho các loại cây trồng. Do vậy, ở xã chủ yếu

là trồng các loại cây chắn sóng, chắn gió và trồng rừng. Đất cát chiếm diện tích lớn nhất trong thành phần đất đai của khu vực này.

Một phần của tài liệu sinh kế xã đảo tam hải, huyện núi thành, tỉnh quảng nam (Trang 31 - 33)