II. Giới thiệu tổng quát chung về Sở Giao dịch Ngân hàng Ngoại thƣơng Việt nam
1- Giới thiệu Sở Giao dịch, Ngân hàng Ngoại thƣơng Việt nam:
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là: Vietcombank) được chính thức thành lập ngày 01/04/1963 mà tổ chức tiền thân là Cục Quản lý ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Do trong thời kỳ đó, Việt Nam áp dụng hệ thống Ngân hàng một cấp - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đóng vai trò quản lý vĩ mô theo chủ trương chính sách của Chính phủ, vừa đảm nhiệm vai trò kinh doanh, trong đó Cục Quản lý Ngoại hối được coi như là bộ phận phục vụ kinh tế đối ngoại duy nhất của Việt Nam.
Trước năm 1990, Vietcombank là Ngân hàng của Chính phủ thực hiện các chính sách tiền tệ quản lý ngoại hối, kinh doanh đối ngoại của NHNN và cung ứng tín dụng cho các ngành kinh tế chủ chốt của đất nước theo qui định của NHNN. Vietcombank được coi là Ngân hàng duy nhất thực hiện các chức năng của một Ngân hàng đối ngoại. Từ năm 1990 thực hiện việc cải tổ hệ thống Ngân hàng theo pháp lệnh Ngân hàng, hệ thống Ngân hàng Việt Nam chuyển sang cơ chế ngân hàng hai cấp. Ngân hàng Ngoại thương từ đó mới thực sự trở thành một Ngân hàng kinh doanh với số vốn Ngân sách Nhà nước cấp ban đầu là 200 tỷ đồng. Ngân hàng Ngoại thương phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Hai pháp lệnh Ngân hàng năm 1990 đã tạo hành lang pháp lý ngày càng mở rộng và thích hợp cho hoạt động của Ngân hàng và doanh nghiệp, nó tạo điều kiện để Vietcombank từng bước thay đổi thích nghi dần cơ chế thị trường, từng bước hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và đa dạng hoá các nghiệp vụ ngân hàng như thanh toán xuất nhập khẩu, thực hiện các khoản vay nợ viện trợ của các tổ chức quốc tế và của các Chính phủ cho Việt Nam vay, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn trong và ngoài nước. Hoạt động của Ngân hàng Ngoại thương không chỉ đóng khung trong nghiệp vụ của Ngân hàng đối ngoại mà gồm cả các nghiệp vụ của Ngân hàng đối nội: Đầu tư tín dụng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không chỉ đầu tư cho các tổ chức kinh tế quốc doanh mà mở rộng sang cả khu vực ngoài quốc doanh.
Trong chặng đường 37 năm qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã tạo dựng được những nền tảng quí báu. Mạng lưới tổ chức gồm Sở Giao dịch, hệ thống chi nhánh trong nước của Vietcombank đã lên tới 22 chi nhánh và ngày càng mở rộng tới các khu vực kinh tế trọng yếu của đất nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... Hơn nữa đã giữ vững được vị trí hàng đầu trong thanh toán tín dụng quốc tế, Vietcombank đã không ngừng vươn tới thị trường nước ngoài. Hiện nay, Vietcombank đã có quan hệ với hơn 1300 Ngân hàng thuộc 95 nước trên thế giới, 3 văn phòng đại diện, Công ty tài chính ở nước ngoài đảm bảo thực hiện tốt nghiệp vụ thanh toán tín dụng quốc tế và dịch
vụ Ngân hàng khác chính xác và an toàn. Cơ chế mới đã tạo điều kiện cho Vietcombank qui hoạch lại mô hình tổ chức, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, sử dụng đúng năng lực và phân cấp quản lý khoa học, mạnh dạn sử dụng và trẻ hoá để phù hợp với yêu cầu đổi mới, động viên các năng lực tiềm tàng để phát triển.
Trong những năm gần đây, trước tình hình cạnh tranh gay gắt, hàng loạt Ngân hàng mới ra đời với chức năng kinh doanh đa dạng gồm Ngân hàng Quốc doanh, các Ngân hàng Cổ phần, Ngân hàng Liên doanh và các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, các Công ty Tài chính. Để tồn tại và không ngừng nâng cao uy tín là một Ngân hàng chủ đạo của Việt Nam trên lĩnh vực thanh toán cũng như tín dụng, Vietcombank đã đề ra chính sách kinh doanh linh hoạt, tích cực, chính sách khách hàng hấp dẫn, chính sách giá cả cạnh tranh. Vietcombank đã thi hành một loạt các biện pháp về huy động vốn và đầu tư tín dụng vào nền kinh tế thị trường, kiện toàn khâu thanh toán. Đặc biệt trong những năm gần đây, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã đặc biệt chú trọng đến hiệu quả công tác tín dụng nhằm đáp ứng một cách có hiệu quả nhu cầu vốn cho đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ cho nền kinh tế nhằm đổi mới và nâng cao cơ sở hạ tầng.
Sở Giao dịch Vietcombank nằm tại 23 Phan Chu Trinh , Hà nội. Đây là một trung tâm giao dịch lớn nhất của toàn hệ thống Vietcombank và trực thuộc Vietcombank Trung ương. Phần lớn các hoạt động tín dụng, đầu tư của Vietcombank đều được thực hiện tại trung tâm này. Như chúng ta đã biết, Vietcombank có rất nhiều chi nhánh tập trung tại các khu vực kinh tế trọng yếu của đất nước. Hoạt động của các chi nhánh tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc quản lý vốn vẫn được điều hành và giám sát tại Vietcombank Trung ương. Mỗi chi nhánh của Vietcombank có một hạn mức tín dụng và mức phán quyết cho vay do Vietcombank Trung ương chỉ đạo cho phép từng thời kỳ. Do tính chất của các chi nhánh và của Vietcombank là quản lý vốn tập trung nên các dự án lớn thường được tập trung giải quyết tại Vietcombank trung ương. Sở Giao dịch là nơi đại diện cho Vietcombank Trung ương trong thực hiện giao dịch với
khách hàng. Hàng năm khối lượng giao dịch tín dụng qua Sở Giao dịch chiếm hơn 30% tổng khối lượng giao dịch của toàn hệ thống Vietcombank. Do đó hoạt động tín dụng của Sở Giao dịch sẽ cho thấy hình ảnh hoạt động tín dụng của Vietcombank.