Cung về đất là số lượng các loại đất mà xã hội dùng cho sản xuất và sinh hoạt do lãnh thổ cung cấp.
Có thể chia cung về đất thành hai loại là cung tự nhiên và cung kinh tế. - Cung tự nhiên: là số lượng đất đai của trái đất đã khai thác sử dụng và cả tài nguyên đất đai chưa khai thác sử dụng. Cung tự nhiên tương đối ổn định và không co dãn. Cung tự nhiên chịu ảnh hưởng của các yếu tố: các điều kiện phù hợp cho sản
xuất và sinh hoạt; các điều kiện về thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với sự phát triển và sinh trưởng của động thực vật; có thể cung cấp tài nguyên, nước ngọt và các điều kiện cần thiết khác cho con người và sản xuất.
- Cung kinh tế: khi đất đai tự nhiên được đầu tư lao động để khai thác và sử dụng sẽ trở thành nguồn đất đai cung cấp trực tiếp cho sản xuất và đời sống của con người đây chính là cung kinh tế về đất đai. Cung kinh tế về đất đai chỉ biến động trong phạm vi cung tự nhiên. Biến đổi của lượng cung kinh tế về đất đai không chỉ là biến đổi tổng lượng mà còn biến đổi trên số lượng và diện tích của một loại hình sử dụng đất nào đó. Có thể ví dụ như sau:
* Cung đất nông nghiệp:
Trên thực tế, cung về đất nông nghiệp có thể tăng hoặc giảm mặc dù về lý thuyết diện tích đất đai được xem như không thay đổi.
- Sự tăng lên về cung đất nông nghiệp do:
+ Quá trình chuyển những diện tích hoang hoá thành đất nông nghiệp. Tuy diện tích ít hay nhiều nhưng hàng năm diện tích đất nông nghiệp đều được tăng lên bằng cách này. Do vậy, trong cân đối đất đai, đặc biệt là trên diện rộng thì không thể không đề cập đến sự chu chuyển này.
+ Quá trình lưu chuyển đất nông nghiệp giữa các chủ thể. Việc này tuy không làm tăng tổng cung về đất nông nghiệp song nó có vai trò khá quan trong trong quá trình phát triển sản xuất cũng như làm sôi động thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Từ sự phân biệt về sự tăng mức cung đất nông nghiệp có thể tìm được các chính sách phù hợp cho việc phát triển sản xuất. Như các chính sách về khai hoang, hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, khoa học công nghệ và các cơ chế quản lý…..
- Sự giảm mức cung đất nông nghiệp có thể biểu hiện ở một số hình thức sau:
+ Xu hướng chuyển nhanh đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (chủ yếu là đất ở đô thị) do quá trình đô thị hoá đang diễn ra ngày càng nhanh.
+ Yêu cầu chuyển một phần đất nông nghiệp thành đất sản xuất công nghiệp: xây dựng khu công nghiệp, đất để sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng….
+ Yêu cầu chuyển đất nông nghiệp thành đất chuyên dùng: giao thông, thuỷ lợi, du lịch….
nhân tố khác như: các chính sách và cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô, tốc độ phát triển của nền kinh tế…..
* Cung về đất đô thị
Do quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày càng tăng mà nhu cầu về đất đô thị cũng ngày càng tăng lên. Nguồn cung đất đô thị được hình thành từ:
+ Từ đất nông nghiệp: Điều này xuất phát từ đặc điểm hình thành các đô thị, hầu hết chúng đều được hình thành và phát triển trong lòng các vùng nông nghiệp truyền thống. Do vậy mà việc chuyển từ đất nông nghiệp sang đất đô thị là tất yếu và ngày càng tăng. Chính vì vậy, yêu cầu đối với hệ thống quản lý Nhà nước là phải làm sao vừa giữ được tốc độ chuyển hoá một cách hợp lý, tức là không để tình trạng căng thẳng về đất đai ở các đô thị xảy ra, vừa không làm mất an toàn lương thực quốc gia.
+ Từ các loại đất hoang hoá ven đô, các loại đất nông nghiệp: đây là nguồn quan trọng đối với các đô thị hình thành và phát triển không phải trong lòng các vùng nông nghiệp truyền thống.
+ Sự lưu chuyển trong nội bộ đất đô thị: đó là sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất diễn ra trong nội bộ đô thị. Hình thức này tuy không làm tăng tổng cung xong lại có ý nghĩa rất lớn trong quan hệ cung cầu đất đô thị, là nguyên nhân gây lên sự sôi động trong thị trường đất đô thị.
Các nhân tố ảnh hưởng đến nguồn cung đất đô thị chính là các nhân tố ảnh hưởng đến các nguồn nói trên. Nó bao gồm : việc quy hoạch đô thị, quy mô đô thị và các chính sách, cơ chế quản lý đất đai.