II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÍ THU THUẾ KHU VỰC KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
2. Tình hình thực hiện các biện pháp quản lý thu thuế trong thời gian qua
2.4 Việc phân cấp quản lý đẩy mạnh triển khai chế độ kế toán, chế độ lập hoá đơn chứng từ
chế độ lập hoá đơn chứng từ
2.4.1. Về quản lý đối với các doanh nghiệp Ngoài quốc doanh
Ngành thuế đã chỉ đạo cho tất cả các doanh nghiệp đều phải thực hiện chế độ kế toán hoá đơn chứng từ theo phương pháp kê khai để đảm bảo công tác tự tính thuế của doanh nghiệp. Đặc biệt từ năm 1999 cùng với việc triển khai luật thuế GTGT, thuế TNDN và đổi mới tổ chức quản lý thu đã có những chuyển biến tích cực; theo đánh giá của các cục thuế từ chỗ chỉ có 40-50% doanh nghiệp thực hiện kế toán nay lên đến 80 - 85% doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ kế toán và 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế trong đó 90% đã lập và nộp tờ khai đúng thời hạn. Đã cơ bản chấm dứt được tình trạng nộp thuế khoán trong các doanh nghiệp...
Theo thống kê số thu thì khu vực doanh nghiệp NQD chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thu của khu vực NQD. Do vậy phản ánh kết quả quản lý doanh nghiệp tương đối tốt. Nguyên nhân thu ở khu vực NQD tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NQD là do số lượng doanh nghiệp tăng nhiều nhưng về cơ bản vẫn là công tác quản lý đã có chất lượng cao hơn. Thể hiện ở những điểm sau:
- Trong việc quản lý đối tượng kinh doanh (trình bày ở mục 2.1.1). - Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục thuế phân cấp một số doanh nghiệp cho các chi cục quản lý, một mặt tạo điều kiện cho cục thuế có điều kiện để đi sâu quản lý các doanh nghiệp lớn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các biểu hiện gian lận thuế, đồng thời tập trung nguồn thu hơn, mặt
khác đối với các doanh nghiệp được phân cấp cho chi cục, các chi cục quản lý sát hơn nên số thu cũng tăng.
- Cục thuế đã chú ý hơn đến việc kiểm tra quyết toán thuế, đối chiếu hoá đơn, chứng từ mua bán hàng hoá, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng trốn lậu thuế, hoàn thuế không đúng... nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá nông sản.
Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh, có số lượng doanh nghiệp NQD rất lớn, qua công tác xét cấp kinh doanh, cấp mã số thuế và quản lý, cục Thuế đã tổng hợp và đưa ra một số dạng, hình thức kinh doanh trốn lậu thuế giúp cho phòng quản lý, các Chi cục Thuế sớm nhận diện để có biện pháp ngăn ngừa. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế về quản lý chống hành vi lập hóa đơn, chứng từ không đúng giá thanh toán, cục Thuế đã sớm có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo xử lý thống nhất trên địa bàn thành phố vì vậy nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe máy đã lập hóa đơn tương đối trung thực, nộp thuế GTGT đầu ra và thuế TNDN đều đặn...
Cục thuế Thành phố Hà nội ngay từ đầu năm đã chỉ đạo đôn đốc các doanh nghiệp kê khai tạm nộp thuế TNDN, tổ chức kiểm tra tờ khai, thực hiện ấn định thuế TNDN đối với các doanh nghiệp kê khai không trung thực nên kết quả thu 6 tháng từ khu vực doanh nghiệp đạt khá. Đồng thời qua kiểm tra quyết toán thuế, cũng chỉ đạo đối chiếu tờ khai để điều chỉnh kịp thời. Do đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhưng qua kiểm tra quyết toán, đấu tranh vẫn chấp nhận phải nộp thuế TNDN theo số liệu ấn định của cơ quan Thuế.
Cục thuế Thành phố Đà nẵng, Đồng nai... chú trọng kiểm tra, đối chiếu việc lập chứng từ mặt hàng nông sản của các doanh nghiệp, phát hiện nhiều trường hợp lập không đúng, truy thu hàng tỷ đồng.
Các cục Thuế Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Cần Thơ cũng chỉ đạo kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh xe máy ghi hoá đơn không đúng giá trị thực tế góp phần tăng thu ngân sách.
Để chống thất thu ngân sách đối với doanh nghiệp kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, Cục thuế Quảng Ninh, Khánh Hoà, Lâm Đồng đã tham mưu trình UBND ban hành bảng giá tính thuế áp dụng cho từng loại phòng nghỉ, yêu cầu khách sạn, nhà nghỉ phải nộp hồ sơ, phòng nghỉ, khách đến nhà nghỉ phải đánh dấu vào sơ đồ để tiện cho công tác kiểm tra.
2.4.2. Về quản lý đối với các hộ kinh doanh cá thể
Đối với hộ cá thể ngành thuế cũng đã triển khai việc thực hiện kế toán hộ kinh doanh, khuyến khích mọi hộ kinh doanh thực hiện kế toán và lập hoá đơn, chứng từ. Để thúc đẩy các địa phương đẩy mạnh triển khai kế toán hàng năm, Tổng cục Thuế đều giao chỉ tiêu cho các Chi cục Thuế phải tổ chức triển khai. Theo số liệu tổng hợp đến hết năm 2000 có trên 100 ngàn hộ kinh doanh thực hiện chế độ kế toán chiếm khoảng 70% số hộ kê khai kinh doanh lớn, trong đó khoảng 50% số hộ làm kế toán đã được cơ quan thuế chấp thuận chuyển sang nộp thuế theo kê khai ở các mức độ khác nhau. Số còn lại tuy đã kê khai nhưng do nội dung kê khai chưa đúng, thiếu trung thực nên cơ quan thuế phải áp dụng việc ấn định thuế. Về số hộ kinh doanh triển khai hết tháng 6/2001, theo số liệu kiểm tra của 48 địa phương số hộ được giao triển khai là 85.570 hộ, số hộ đã triển khai là 72.100 hộ đạt 85% số hộ được giao và so với tháng 12/2000 số lượng hộ kinh doanh đã triển khai kế toán tăng 2 lần. Theo thống kê số hộ lớn chiếm 45% tổng số hộ kinh doanh nhưng số thuế chiếm trên 80% tổng số thuế ở khu vực hộ cá thể. Vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế toán và tập trung chống thất thu vào những hộ này, còn lại 55-60% hộ vừa và nhỏ sẽ tiếp tục thực hiện ổn định thuế để họ yên tâm kinh doanh.
Vậy qua triển khai chế độ kế toán hộ kinh doanh kết quả thu thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo kê khai tăng lên rõ rệt (như nêu ở phần trên) nhiều hộ kinh doanh qua triển khai thực hiện sổ sách kế toán, số thuế tăng gần gấp nhiều lần so với số thuế thu khoán. Ngoài ra qua doanh thu phản ánh trên sổ sách kế toán còn giúp cho cơ quan Thuế đánh giá đầy đủ hơn tình hình
quản lý doanh thu, thất thu về doanh thu, làm cơ sở để điều chỉnh doanh thu đối với hộ khoán.
Để triển khai tốt chế độ kế toán hộ kinh doanh các địa phương đã tập trung chỉ đạo kiên quyết vừa chú trọng công tác cán bộ, từ giao nhiệm vụ cụ thể cho đội trưởng đội thuế chịu trách nhiệm triển khai đến việc tăng cường chế độ báo cáo định kỳ để nắm tình hình, rút kinh nghiệm và chỉ đạo kịp thời vừa kết hợp với các biện pháp khác như kết hợp triển khai chế độ kế toán với việc sử dụng hoá đơn của hộ kinh doanh, thành lập và mở rộng các loại dịch vụ kế toán, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm, tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong quá trình triển khai... nên kết quả vừa tăng về số hộ, doanh thu mức thuế kê khai cũng tăng.