b. Đặc điểm địa hình
3.2.2.1. Kỹ thuật nuôi vỗ
Thả cua:
Cua mẹ bắt về được vệ sinh sạch sẽ bằng cách dùng bàn chải đánh răng chà sạch những chất bẩn bám trên cua, sau đó tháo bỏ dây buộc và thả vào bể nuôi. Với mật độ nuôi: 2 – 3 con/m2.
Thức ăn và chế độ cho ăn:
Thức ăn cho cua mẹ là thức ăn tươi sống, thành phần thức ăn bao gồm: cá liệt, hàu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (sò lông, ngao). Hàng ngày cho cua ăn 1 lần vào buổi chiều (17 giờ). Khẩu phần ăn từ 7 – 10% trọng lượng thân, trước mỗi lần cho ăn phải kiểm tra lượng thức ăn thừa để điều chỉnh cho hợp lý, đồng thời vớt bỏ thức ăn dư thừa trong bể. Thường xuyên thay đổi các loại thức ăn và cho ăn dư để cua mẹ sử dụng được tối đa lượng thức ăn. Thức ăn được bỏ vào một vị trí nhất định trong bể gần với lù thoát nước để vệ sinh bể dễ dàng.
Trong quá trình nuôi, chúng tôi nhận thấy cua mẹ thích ăn thức ăn là nhuyễn thể hơn là cá, điều này phù hợp với nghiên cứu của Hill về đặc điểm dinh dưỡng của cua ở ngoài tự nhiên.
Quản lý bể nuôi:
Định kỳ 3 ngày/lần thay 100% lượng nước trong bể và tiến hành vệ sinh thành bể. Trong thời gian nuôi vỗ cần sục khí nhẹ 24/24 và che tối bằng bạt đen. Thường xuyên theo dõi bể cua mẹ, khi thấy cua mẹ đẻ ta nhanh chóng vợt cua mẹ ra xô ấp đồng thời phải tiến hành rửa cát vệ sinh lại bể nuôi. Chú ý phòng bệnh nấm đỏ cho cua mẹ. Thường ta dùng Iodine (2g/m3) cho vào bể bố mẹ định kỳ 3 ngày/lần. Trong quá trình nuôi các yếu tố môi trường được duy trì ổn định. Kết quả theo dõi được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 3.4: Các yếu tố môi trường trong bể nuôi vỗ
Nhiệt độ(oC) Sáng Chiều Độ mặn (‰) pH 26 – 27.5 26.6 ± 0.53 26 – 28 27.02 ± 0.59 25 – 32 7.6 – 8.0
Cua chuẩn bị sinh sản cần được nuôi trong nước biển có độ mặn 25 đến 32‰, độ pH từ 7,5 – 8,5, nhiệt độ nước từ 27 đến 30oC [5]. Như vậy trong quá trình nuôi vỗ độ mặn và nhiệt độ năm trong khoảng thích hợp cho sự thành thục và phát triển buồng trứng của cua. Tuy nhiên, nhiệt độ nước hơi thấp trung bình buổi sáng26,6oC và buổi chiều 27,02oC. Do đó tỷ lệ đẻ của cua mẹ rất thấp.
3.2.2.2 . Cho đẻ
Cua mẹ được cho đẻ tự nhiên trong bể nuôi vỗ cua mẹ. Định kỳ kiểm tra sự phát triển của tuyến sinh dục (3 ngày/lần). Khi buồng trứng đạt đến giai đoạn IV ta tiến hành kích thích cho cua đẻ bằng cách thay đổi độ mặn và tạo dòng chảy để gây hưng phấn cho cua đẻ. Cua mẹ thường đẻ vào buổi tối và đêm nên hằng ngày ta phải tiến hành kiểm tra bể đẻ vào buổi tối và sáng sớm. Cua mẹ sắp đẻ có những dấu hiệu sau:
Dùng ánh đèn pin hay dưới ánh sáng mặt trời nhìn xuyên qua mai cua buồng trứng mở rộng đến gần phần răng cưa phía trước mai cua.
Thân cua mẹ dày hơn, mai cua phồng lên, khe tiếp giáp giữa mai và yếm rộng ra.
Trước khi đẻ 1 – 2 ngày cua thường hoạt động vệ sinh yếm.
Trước khi đẻ 1 – 2 giờ cua mẹ thường có dấu hiệu bơi trên mặt nước.
Bảng 3.5 : Kết quả nuôi vỗ cua mẹ
Đợt sản xuất Số lượng (con) Khối lượng (g/con) Tỷ lệ sống (%) Tỷ lệ đẻ (%) 1 5 310 – 450 80 (4) 20 [1] 2 3 290 – 400 66,67 (2) 33,33 [1] 3 3 270 – 310 100 (3) 33,33 [1] Trung bình 82,22 28,89
Ghi chú: - các số trong dấu ( ) số cá thể đẻ -các số trong dấu [ ] số cá thể sống
Kết quả nuôi vỗ và cho đẻ tự nhiên trong bể của 3 đợt sản xuất cao nhất là 33,33%, thấp nhất là 20%. Như vậy kết quả này thấp hơn nhiều so với việc nuôi vỗ theo phương pháp cắt mắt. Cua mẹ sau khi cắt mắt đều phát dục và đẻ đạt tỷ lệ 100%, thời gian tính từ lúc cắt mắt đến lúc cua đẻ từ 2 – 44 ngày [7].
Theo quan sát, đa số cua mẹ khi đẻ, trứng đều bám vào các lông tơ của chân bụng, chỉ sót lại một ít trứng đẻ ra rơi trên nền đáy. Kết quả này cho thấy cua đẻ trứng tốt. Cua đẻ trứng tốt, trứng dính đều, dày trên tất cả các lông tơ của chân bụng và có rất ít trứng rơi ra dưới đáy, buồng trứng dày có hình “tán nấm” tròn làm cho yếm cua mở ra rất rộng; cua đẻ trứng không tốt, trứng chỉ bám được một ít vào lông tơ chân bụng, còn phần lớn trứng đẻ ra rơi trên đáy (hay còn gọi là đẻ chảy), buồng trứng có dạng hình “bán nguyệt”, yếm mở hẹp [6].
Hình 3.2: Bể nuôi cua mẹ đáy có lớp cát