Tư tưởng chính trị pháp luật của Ha-min-tơn (Sir Wiliam Hamilton) 175 7 1804)

Một phần của tài liệu Lichsucachocthuyetchinh tri (Trang 36 - 39)

IV. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ PHÁP LUẬT Ở MỸ THỜI KỲ GIÀNH ĐỘC LẬP

3. Tư tưởng chính trị pháp luật của Ha-min-tơn (Sir Wiliam Hamilton) 175 7 1804)

Hamilton sinh tại Antilles, bố là người Anh, mẹ là người Pháp. Ông là người rất tham vọng. Trong chiến tranh giành độc lập ông là đại uý pháo binh sau đó được bổ nhiệm là cận vệ của Washington. Khi trở lại đời sống dân sự, ông bắt đầu chán ghét thái độ thờ ơ, bất tài, vô trật tự mà ông cho là đặc tính của thời kỳ liên minh. Ông tỏ ra thán phục hình thức cai trị của Anh quốc và không che giấu sự khinh miệt đối với những kẻ thiếu thực tế luôn hô hào tự do dân chủ. Ông chủ trương có một sự liên minh chặt chẽ giữa chính phủ và giai cấp giàu có.

- Sau chiến tranh với Anh giành được độc lập, người Mỹ gặp rất nhiều khó khăn về chủ quyền quốc gia lẫn kinh tế, nước Mỹ rơi vào cảnh rối ren. Với tư cách là bộ trưởng tài chính dưới thời Washington, ông đã nhìn thấy rõ vấn đề mà nước cộng hoà non trẻ phải đương đầu và cho rằng cần phải tạo cho nhà nước một nền tài chính vững vàng để củng cố nền độc lập. Ông hiểu rõ tính chất quan trọng của tiền bạc và những điều kiện kinh tế của nước cộng hoà non trẻ, rằng sự khan hiếm tiền bạc là mối đe doạ đưa quốc gia vào tình trạng kiệt quệ toàn thể. Nếu không có tiền luân chuyển, mãi lực sẽ ngưng trệ, sản phẩm sẽ không luân chuyển, sản xuất cũng sẽ kiệt đi. Nhận thấy rõ mối quan hệ nhân quả giữa sự thịnh vượng kinh tế và sự thống nhất quốc gia, ông cho rằng “tất cả hệ thống tài chính của ông là để liên kết chặt chẽ bởi những tiểu bang trong khối liên hiệp”.

- Mục đích của Hamilton là làm mọi biện pháp để bảo vệ Liên bang Hợp chủng quốc mà trước hết là đấu tranh cho việc xây dựng hiến pháp. Ông và những người bạn của ông là những người đã soạn thảo ra hiến pháp và làm cho hiến pháp được công nhận.

- Về phương diện kinh tế, ông cho rằng phương pháp chắc chắn nhất để đảm bảo sự thống nhất là thiết lập quốc gia thành một xã hội thương mại với mục đích bao trùm tất cả những thành phần tản mát của các xứ sở trong một hệ thống thị trường chung thống nhất. Nếu không lo xúc tiến các công việc sản xuất, tạo cho toàn quốc một thị trường chung thì Mỹ quốc sẽ tan rã. Trong việc áp dụng đạo luật tập trung kinh tế, ông tỏ ra cứng rắn, gạt bỏ tình cảm ra một bên, đôi khi còn tỏ ra bất công khi quan niệm cần phải dồn tiền bạc về phía những kẻ biết lưu chuyển tiền bạc tức là các thương gia, chủ công xưởng, dùng quyền lực của mình để ủng hộ các giai cấp thương mại và kỹ nghệ, không cần biết đến nông dân…Những quan điểm này đã khiến ông phải đối đầu với Jefferson. Về cơ bản ông muốn củng cố tiềm lực kinh tế Mỹ để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Anh để trở thành một cường quốc và kỹ nghệ nhưng các biện pháp của ông đã làm cho sự phân hoá trở nên gay gắt, sự bành trướng về kỹ nghệ và thương mại của Mỹ theo Jefferson chẳng khác nào nguy cơ đối với nền dân chủ và tự do. Tuy nhiên khi Jefferson lên làm tổng thống, sự thống nhất kinh tế của Mỹ, thị trường chung của Mỹ đã đạt được mức độ không thể lùi được nữa.

- Ông có mục đích cao cả trong việc bảo vệ liên bang nên tư tưởng của ông chống lại sự phản kháng của dân chúng, bảo vệ quyền lợi của tư sản, chủ nô và tư hữu. Dân chủ theo ông là sự ngự trị của dân đen nhằm mục đích chống lại sở hữu. Ông viết: “Một liên bang đoàn kết vững chắc sẽ đem lại một thời đại vinh quang nhất cho nền hoà bình và tự do của các tiểu bang, sẽ là một hàng rào ngăn cản sự chia rẽ và phiến loạn trong nước”.

- Khi đấu tranh chống dân chủ, ông bảo vệ tư tưởng về quyền hành pháp mạnh, bảo vệ nền quân chủ lập hiến. Nhưng khi đòi hỏi đó không được đáp ứng ông lại đòi hỏi thiết lập quyền lực tổng thống suốt đời, tức thẩm quyền vô hạn cho tổng thống. Ông bảo vệ quyền lực trung ương, thống đốc bang do chính phủ bổ nhiệm và chính phủ có quyền phủ quyết mọi đạo luật của các bang.

- Chống lại các thiết chế dân chủ tại đại hội lập hiến Philadenphia, Hamilton đã đòi hỏi không đưa vào hiến pháp hiến chương về các quyền và đòi bầu cử theo điều kiện tài sản cao

nhằm ngăn chặn nhân dân tham gia vào đời sống chính trị. Cơ quan lập pháp gồm hai viện, trong đó thượng viện do các bang bầu ra và có vai trò là cơ quan ngăn chặn quốc hội (hạ viện) thông qua các đạo luật không có lợi cho tư sản và chủ nô.

- Hamilton áp dụng thuyết phân chia quyền lực trong nhà nước. vận dụng tư tưởng của Montesquieu, ông cho rằng ba cách quyền lực phải tuyệt đối cân bằng không cho phép cánh quyền lực lập pháp đứng trên hành pháp. Ông cho rằng: “Những nguyên tắc đã giúp ta thấy cần phải phân biệt các ngành quyền, và giúp chúng ta phải làm thế nào để cho các ngành hoàn toàn độc lập lẫn nhau. Phân biệt ngành hành pháp và tư pháp khỏi ngành lập pháp để làm gì nếu trong khi đã phân định rồi mà ngành hành pháp và tư pháp vẫn phụ thuộc vào lập pháp”.

- Trong tổ chức quyền lực nhà nước, Hamilton cho rằng cần thiết phải dự liệu cho mỗi ngành mỗi quyền hạn cần thiết để tự chống lại sự xâm phạm của ngành quyền lực khác. Từ những nguyên tắc này cần phải cho ngành hành pháp quyền phủ quyết những dự luật của lập pháp.

+ Nếu không có quyền phủ quyết thì ngành hành pháp không thể tự bảo vệ được trước sự xâm phạm của ngành lập pháp. Tổng thống không có quyền phủ quyết sẽ dần dần mất hết quyền lực do nhiều đạo luật liên tiếp hoặc các cuộc biểu quyết độc đoán của Quốc hội.

+ Quyền phủ quyết của tổng thống còn có tác dụng ngăn chặn việc thông qua những dự luật không hợp lý, là phương tiện để kiềm chế Quốc hội, ngăn ngừa ảnh hưởng đảng phái và những quyết định vội vàng, những hành động có hại tới công ích…

+ Quyền phủ quyết của tổng thống là cần thiết vì Quốc hội không phải lúc nào cũng hoàn toàn có lý và cũng có biểu hiện tham quyền.

- Với tính cách đặc biệt của quyền lực ngoại giao, ông cho rằng không nên để riêng cơ quan quyền lực nào quyết định vì đều không thích hợp do đó cần phải có sự hợp tác giữa ngành hành pháp và lập pháp trong công việc quyết định ký kết hiệp ước là điều thuận lợi cho công việc an ninh quốc gia.

- Đối với ngành tư pháp cũng cần phải có sự độc lập riêng của nó. Trong ba ngành quyền, tư pháp là ngành mềm yếu nhất do đó tư pháp không thể xâm phạm quyền hạn của ngành lập pháp và hành pháp. Vì vậy, cần phải giúp đỡ ngành tư pháp để có thể tự bảo vệ trước sự xâm lăng của hai ngành quyền lực kia, tức là phải tách chúng khỏi sự lệ thuộc vào lập pháp và hành pháp. Để ngành tư pháp duy trì được tính cách độc lập và cương quyết của mình thì nhiệm kỳ thường xuyên của các vị chánh án là yếu tố quan trọng nhất, đó là thành trì bảo vệ công lý và an ninh cho công dân.

Ông biện minh cho qui định của Hiến pháp Mỹ là toà án có quyền tuyên bố những đạo luật vi phạm hiến pháp sẽ không có hiệu lực thực thi. Để đảm bảo cho các vị thẩm phán của ngành tư pháp được độc lập, ông cho rằng cần phải cho họ nhiệm kỳ dài lâu, có thể suốt đời và mức lương cao để tránh sự cám dỗ nhưng đồng thời đòi hỏi phải nâng cao trình độ chuyên môn của các vị thẩm phán.

Tóm lại những tư tưởng của Hamilton là sáng suốt và cũng rất thực dụng. Nó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trở thành một cường quốc.

4. Tư tưởng chính trị của Thomas Paine (1737 – 1809)

T.Paine là nhà tư tưởng chính trị cấp tiến trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập ở Mỹ. - Trong tác phẩm “Lẽ phải”, Paine chỉ rõ cho các thuộc địa thấy rằng nước Anh cầm tù họ trong ách nô lệ và họ có quyền dùng bạo lực đáp lại bạo lực, bằng con đường chiến tranh cách mạng giành độc lập. Sự phê phán của ông đối với nền quân chủ, tư tưởng về quyền không thể tách rời của nhân dân làm cách mạng đã được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Ông

coi chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa là cuộc đấu tranh cách mạng, đó là quyền tự nhiên không thể tước đoạt của mỗi dân tộc.

- Bàn về học thuyết quyền tự nhiên, quan điểm của Paine là bảo vệ tự do và bình quyền bẩm sinh của con người. Đó là các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng, bình đẳng, quyền hướng tới hạnh phúc…Trên cơ sở các quyền tự nhiên mà xây dựng các quyền công dân và những quyền này không được trái với quyền tự nhiên. Ông bảo vệ tư tưởng chủ quyền nhân dân. Cội nguồn của quyền lực là nhân dân và việc thiết lập quyền lực lập pháp là quyền tự nhiên không thể tách rời của nhân dân.

- Paine là người đầu tiên phân biệt xã hội và nhà nước. Theo ông xã hội được tạo lập bởi các nhu cầu của chúng ta, còn nhà nước là bởi tệ nạn của chúng ta. Nhà nước là sản phẩm của xã hội. Nhà nước và xã hội khác nhau về nguồn gốc cũng như nhiệm vụ. Nếu con người không có các tội lỗi và xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở công bằng ban đầu thì không cần đến nhà nước. Mục tiêu của chính phủ là đảm bảo an ninh và tự do. Bởi vậy, chính phủ tốt nhất, hình thức cầm quyền tốt nhất là đảm bảo tốt nhất an ninh và các quyền tự do của dân. Ông cho rằng chế độ quân chủ không thuộc hình thức đó vì nó gắn liền với bạo lực và lộng quyền.

- Lý tưởng của Paine là nền cộng hoà dân chủ với chế độ tổng tuyển cử, đại diện rộng rãi và bình quyền. Nền cộng hoà hiện tại với sự bảo lưu chế độ tư hữu là nền cộng hoà tư sản. Paine phê phán sự bóc lột tư bản chủ nghĩa nhưng không đòi hỏi tiêu diệt chế độ tư hữu và thiết lập bình đẳng kinh tế song muốn hạn chế sự bất công tài sản, thủ tiêu sự tương phản giữa giàu và nghèo.

- Ông phê phán nhà thờ, sự cuồng tín và chính sách ngu dân, chỉ ra mối liên hệ giữa tôn giáo với nền chuyên chế, coi tôn giáo là công cụ, vũ khí của nền chuyên chế. Quan điểm này có ý nghĩa chính trị to lớn.

- Paine bảo vệ tư tưởng hoà bình, chống chiến tranh nhưng đồng thời ủng hộ chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh giành độc lập. Ủng hộ quyền nhân dân làm cách mạng tiêu diệt chế độ chính trị không đáp ứng được lợi ích và mục đích xã hội. Ông coi cách mạng là qui luật, nó thúc đẩy tiến bộ và khai trí dân sinh và cuộc cách mạng Mỹ là mở đầu cho cuộc đấu tranh vì tự do.

CHƯƠNG IV

HỌC THUYẾT MÁC - LÊNIN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Lichsucachocthuyetchinh tri (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(52 trang)
w