II CHỌN VẬT LIỆU DỤNG CỤ CẮT
4. Các loại dụng cụ cắt
4.1. Thép cácbon dụng cụ.
Để đảm bảo cho thép cacbon dụng cụ có đủ độ cứng và có tính chịu mòn cao, hàm lượng cacbon chứa trong thép thường vào khoảng 0,65 ÷ 1,35%
Sau khi nhiệt luyện độ cứng bề mặt đạt được HRC 60 ÷ 65 còn trong lõi chỉ đạt khoảng HRC 40. Vì độ thấm tôi thấp nên phải tôi trong nước hoặc trong hỗn hợp nước muối. Do tốc độ nguội nhanh nên trong khi tôi thường bị biến dạng, nứt, vỡ. Mặt khác thép cacbon dụng cụ rất nhậy cảm với sự quá nhiệt. Khi quá nhiệt kích thước hạt tăng làm tăng độ dòn và dễ gãy mẻ.
Độ bền nhiệt độ của thép các bon dụng cụ thấp, vào khoảng 200 ÷2500C, độ chịu mòn kém, tính năng cắt thấp. Do đó thép các bon dụng cụ chỉ dùng để chế tạo dụng cụ cắt làm việc với tốc độ cắt thấp, để cắt vật liệu mềm. Thường chỉ cắt với tốc độ V= 4 -10m/ph.
Ưu điểm của thép là dễ mài sắc, dễ đạt độ nhẵn bề mặt cao giá thành rẻ. Hiện nay đang sử dụng một số mác thép các bon dụng cụ sau: CD10A; CD80A; CD90A; CD100A;CD110A; CD120A; CD130A( tương ứng với một số mác thép của Nga là: Y7A; Y 8A; Y9A ; Y10A; Y11A; Y12A; Y13A). CD là ký hiệu của thép các bon dụng cụ các chỉ số là số phần vạn của các bon chứa trong thép A là loại thép tốt có hàm lượng S < 0,02% và P <0,03%.
Thép CD70A có độ dẻo dai tốt, chịu được va đập nên thường được chế tạo các dụng cụ rèn, nguội như đục...
Thép CD8A; CD90A dùng để chế tạo dụng cụ gia công gỗ như dao phay, khoét, lưỡi cưa...
Thép CD100A, CD110A; CD120A; CD130A, chế tạo mũi doa bằng rèn, tarô, giũa.