Vốn trong nước

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa tạo lập, thu hút và sử dụng vốn. Lấy thực trạng tại Việt Nam để chứng minh (Trang 59 - 61)

IV. Giải pháp nâng cao sử dụng nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam

1. Vốn trong nước

Có thể nói, nguồn vốn nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt và thu hút các nguồn vốn huy động cho đầu tư và phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn này trong thời gian qua còn nhiều bất cập và gây lãng phí. Do đó, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước là vấn đề đang được cả xã hội, các cấp, các ngành quan tâm và đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, phát huy tối đa ưu thế của vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tạo lập và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước hết cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, tổ chức, nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng loại bỏ dần tình trạng khép kín, tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh trong xây dựng ở từng Bộ, từng tỉnh, thành phố ở tất cả các khâu. áp dụng cơ chế, giải pháp mạnh trong quản lý dự án, quản lý công trình đầu tư xây dựng công trình; phân định rõ quyền và trách nhiệm của cá nhân, của tổ chức trong từng khâu như chủ đầu tư, chủ dự án, tư vấn, thiết kế, nhà thầu, giám định, thẩm định, nghiệm thu, cấp phát, giải ngân, thanh toán, quyết toán và quản lý công trình sau đầu tư. áp dụng rộng rãi cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ dự án, chủ đầu tư, lựa chọn tư vấn, nhà thầu, giám sát, thẩm định dự án. Những chủ thể được chọn phải chịu trách nhiệm về pháp lý, về kinh tế từng khâu, từng việc trong quá trình triển khai dự án.

Đẩy nhanh việc tổ chức, sắp xếp lại các nhà thầu trong nước đủ mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, khắc phục tình trạng có quá nhiều nhà thầu phụ, mua đi, bán lại công trình, hạng mục công trình đã trúng thầu, thông thầu, móc ngoặc, nội gián trong đấu thầu và việc bỏ giá thầu quá thấp.

Đồng thời siết chặt kỷ cương trong bộ máy nhà nước, nâng cao trách nhiệm và thẩm quyền của chủ đầu tư. Bố trí nhân sự Ban quản lý dự án phải đủ năng lực để quản lý, điều hành dự án. Chú trọng nâng cao phẩm chất của cán bộ, công chức đảm trách từng khâu trong đầu tư xây dựng.

Hai là, nâng cao chất lượng, tầm nhìn dài hạn, tính đồng bộ, tính liên kết pháp lý trong công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng.

Tiến hành rà soát toàn bộ quy hoạch đã có, bao gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch lĩnh vực, quy hoạch sản phẩm chủ yếu để điều chỉnh, bổ sung gắn với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở đó loại bỏ quy hoạch “treo”. Đồng thời phải có tầm nhìn dài hạn, mang tính chiến lược trong công tác quy hoạch, quan tâm và đề cao tính liên vùng, khắc phục tình trạng khép kín trong địa giới hành chính tỉnh, thành phố.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; gắn quyền với trách nhiệm trong công tác quy hoạch giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Bộ quản lý ngành, các tỉnh, thành phố. Có quy định pháp lý về việc các Bộ, ngành, địa phương khi xây dựng và quyết định kế hoạch đầu tư phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan, cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm mục tiêu ưu tiên; bố trí vốn tập trung; chỉ bố trí kế hoạch đầu tư khi đã xác định chắc chắn khả năng nguồn vốn và chỉ triển khai thực hiện khi có đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trong nghiên cứu, lập, thẩm định, tư vấn, tham gia ý kiến, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng.

Ba là, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, trước hết là các biện pháp giám sát và kiểm soát nội bộ, sau đó là các biện pháp kiểm tra, thanh tra từ bên ngoài. Hình thành, duy trì và nâng cao tính hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ bằng chính quy trình đầu tư, quy trình nghiệp vụ quản lý vốn, quản lý đầu tư, bằng các quy tắc tổ chức, bố trí cán bộ, quy định trách nhiệm và quyền hạn từng khâu, từng công việc của quá trình đầu tư, từ chuẩn bị đầu tư đến tổ chức thi công, quyết toán công trình, dự án.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các dự án công trình, tập trung những khâu yếu kém, dễ xảy ra tiêu cực, phát hiện và làm rõ, xử lý nhanh, dứt điểm nghiêm minh các sai trái, vi phạm. Tăng cường vai trò của cơ quan dân cử, của tổ chức nghề nghiệp, của đoàn thể quần chúng trong giám sát, phát hiện và đánh giá hoạt động đầu tư.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư, trước mắt tập trung triển khai có hiệu quả Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và sử dụng vốn đầu tư xây dựng, vốn ODA, vốn tín dụng nhà nước và các nguồn vốn công trái, trái phiếu... Sớm có quy định pháp lý về công tác quy hoạch, kế hoạch, về quản lý nợ chính phủ, nợ quốc gia... Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế phân bổ vốn đầu tư, vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc đầu tư, tôn trọng tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức theo hướng công khai minh bạch và có chủ định rõ rệt, hạn chế tối đa sự tuỳ tiện trong bố trí, phân bổ vốn, chấm dứt cơ chế xin cho vừa không có hiệu quả vừa làm hư hỏng bộ máy, hư hỏng cán bộ.

Năm là, tiếp tục cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng, trước hết tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, thủ tục xem xét, phê duyệt dự án, phân bổ và bố trí vốn, thủ tục giải ngân và thanh toán... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch, công khai của bộ máy quản lý đầu tư, quản lý dự án. Tăng cường phối hợp thông tin giữa các Bộ, ngành và địa phương, làm tốt chức năng quản lý ngành trong đầu tư xây dựng, hỗ trợ tích cực cho địa phương trong nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, khắc phục yếu kém và lúng túng trong quy hoạch.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa tạo lập, thu hút và sử dụng vốn. Lấy thực trạng tại Việt Nam để chứng minh (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(68 trang)
w