I. Khả năng tạo lập vốn ngày càng được cải thiện tạo điều kiện tốt để thu hút vốn ngày càng nhiều.
2. Khả năng huy động vốn ngày càng gia tăng
2.1 Nguồn vốn trong nước
* Nguồn vốn ngân sách nhà nước
Những năm gần đây, nguồn vốn của nhà nước chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng. Vốn từ ngân sách nhà nước năm 2006 khoảng 81.6 tỷ đồng chiếm 54,4% vốn khu vực nhà nước (chiếm21.6% tổng vốn đầu tư xã hội). Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chủ yếu dùng phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, quốc phòng an ninh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc chi cho việc lập các chiến lược, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Nguồn thu chủ yếu của Ngân sách nhà nước là thông qua thu trong nước, thu từ dầu thô, thu từ hải quan và thu viện trợ không hoàn lại.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2007 ước tính tăng 16,4% so với năm 2006 và bằng 106,5% dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 107%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 108,1%; thu viện trợ bằng 156,7%. Riêng thu từ dầu thô ước tính chỉ bằng 102,1% so với dự toán năm và thấp hơn năm trước, do sản lượng khai thác dầu thô giảm.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, ngân sách được cơ cấu lại theo hướng tích cực và hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện bước đầu các loại thuế và triển khai thực hiện Luật Ngân sách đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu ngân sách. Tổng nguồn thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm 9,4%, trong đó thu từ thuế và phí chiếm 96% tổng thu ngân sách, mức động viên bình quân hàng năm chiếm 20,7% GDP.
* Vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước
Chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, qua hơn 6 năm thực hiện, đến nay đã khẳng định tính đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, phản ánh tính tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong điều kiện khả năng tích luỹ vốn của ngân sách Nhà nước, cùng với chính sách thu hút đầu tư, chính phủ đã có thêm công cụ khai thác nguồn vốn trong xã hội để hỗ trợ đầu tư phát triển phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội, giai đoạn 2001- 2005 đạt: 13.5%-15%, đến nay khoảng 17%. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) dự kiến trên sẽ nâng tổng vốn tín dụng nhà nước (TDNN) đầu tư cho nền kinh tế trong giai đoạn 2006 - 2010 lên 200.000 tỷ đồng, tăng 60% so với giai đoạn 2001 - 2005.
* Nguồn vốn từ doanh nghiệp Nhà nước
Đây là một nguồn vốn quan trọng đang góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của nước ta. Với lợi thế nguồn lực lớn, lực lượng đông đảo, lại hoạt động trong nhiều ngành kinh tế thiết yếu của đất nước, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp này đã mang lại rất nhiều tác động quan trọng tới nền kinh tế.
Nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong những năm 2001- 2005 thường chiếm khoảng 25% Vốn khu vực kinh tế Nhà nước (trong khi đó giai đoạn 1995 -2000 là khoảng 33%.năm 1995 là 35.5%), và sơ bộ năm 2006 là 23,6 %.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh kém hơn khối doanh nghiệp tư nhân hay khu vực có vốn đầu tư Nhà nước nhưng rõ ràng các doanh nghiệp Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, ví dụ như: ngành điện, ngành đường sắt, viễn thông liên lạc…Cho dù có diễn ra cổ phần hoá nhiều doanh nghiệp nhằm hạn chế những hoạt động kém hiệu quả và thất thoát vốn, nhưng những thành tựu và hiệu quả hoạt động trong một số ngành chủ chốt của nền kinh tế là không thể phủ nhận được về vai trò của nguồn vốn này. Ví dụ: ngành điện đã đóng góp vào GDP hơn 2 tỷ USD, mặt khác nhà máy điện đã cung cấp lượng điện thiết yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân và phục vụ sản xuất. Gần đây ngành điện đã đưa vào vận hành đường dây 500 KV Bắc-Nam mạch 2, kịp thời cung cấp điện cho miền Bắc. Đồng thời đang xây dựng 23 nhà máy điện với tổng công suất 8000 MW, trong đó có 20 nhà máy thuỷ điện ở vùng sâu, vùng xa… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở những vùng khó khăn.
Trong những năm vừa qua, phần lớn các DNNN được sắp xếp lại theo hướng cổ phần hóa đã nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đối với nền kinh tế, sản xuất kinh doanh đã có lãi, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và có vốn tích lũy để tái sản xuất mở rộng.
Có một thực tế là việc thực hiện cổ phần hoá tại các địa phương cơ bản là đã hoàn thành (61/64 tỉnh thành hoàn thành cổ phần hoá), nhiều địa phương đã giải tán ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Báo cáo về kết quả sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua, ông Phạm Viết Muôn, Phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tính đến hết tháng 8/2006, cả nước đã sắp xếp được 4.447 doanh nghiệp, trong đó, CPH 3.060 doanh nghiệp. Riêng từ năm 2001 đến nay đã sắp xếp được 3.830 doanh nghiệp Nhà nước, bằng gần 68% số doanh nghiệp Nhà nước đầu năm 2001.
Sau quá trình thực hiện sắp xếp, số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm nhưng vẫn tiếp tục giữ vai trò chi phối những ngành, lĩnh vực then chốt. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng góp gần 40% GDP và 50% tổng thu ngân sách Nhà nước. Dựa trên báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về kết quả hoạt động của 850 doanh nghiệp CPH đã hoạt động trên 1 năm cho thấy, vốn điều lệ bình quân tăng 44%, doanh thu bình quân tăng 23,6%, lợi nhuận thực hiện bình quân tăng 139,76%. Đặc biệt, có tới trên 90% số doanh nghiệp sau CPH hoạt động kinh doanh có lãi, nộp ngân sách bình quân tăng 24,9%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 12%, số lao động tăng bình quân 6,6%, cổ tức bình quân đạt 17,11%
* Vốn tư nhân
Mặc dù doanh nghiệp Nhà nước được xác định là giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nhưng theo thực tế thì khu vực tư nhân lại là yếu tố quan trọng giúp nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Tốc độ phát triển của khu vực tư nhân hiện nay rất nhanh, làm ăn có hiệu quả hơn.
Với việc thi hành Luật Doanh nghiệp và hàng loạt các biện pháp cải cách khác, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước và khi nước ta tham gia WTO, các cơ hội này lại càng mở rộng, những rào cản sẽ được dỡ bỏ, các DNVN sẽ có vị trí bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trên thị trường các nước, môi trường kinh doanh ở nước ta trong mấy năm gần đây đã có những cải thiện quan trọng theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân trên nguyên tắc doanh nghiệp và người dân được tự do kinh doanh tất cả những lĩnh vực mà luật pháp không cấm, khuyến khích người dân làm ăn, kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước, khuyến khích mọi doanh nghiệp tham gia các ngành xuất khẩu, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa... đặc biệt khi nước ta tham gia WTO, các cơ hội này lại càng mở rộng, những rào cản sẽ được dỡ bỏ, các DNVN sẽ có vị trí bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trên thị trường các nước Chính trong môi trường đó, KVKTTNTN và đặc biệt là DNTN đã nhanh chóng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của đất nước trên các mặt: tạo công ăn việc làm, tăng vốn đầu tư phát triển, mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy phát triển các thị trường, đổi mới kinh tế và hành chính... Do tác động của luật Doanh nghiệp năm 1999, từ năm 2000 đến 2005 đã có trên 160 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với số vốn đăng kí khoảng 321 nghìn tỷ đồng, số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng bình quân mỗi năm khoảng 23% về số lượng và tăng 51,7% về vốn đăng kí; số lượng doanh nghiệp thành lập mới từ 2001-2005 bằng 2,6 lần so với giai đoạn 10 năm từ 1991 đến 2000 cộng lại với số vốn đăng kí gấp 7,7 lần.
Tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp dân doanh trong nước liên tục tăng và vượt cao hơn vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Vốn đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân năm 2001 chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năm 2005 tăng lên 33%, năm 2007 tăng lên 34.4% (tăng 19.5% so với năm 2006).