Trong cơ thể:
Với nồng độ cao thiamin được hấp thu bằng cơ chế thụ động, nhưng ở nồng độ thấp nó được hấp thụ bằng hệ thống vận chuyển chủ động qua trung gian một chất mang và bị phosphoryl hóa. Vitamin B1 sau khi được hấp thụ trong ruột non và tá tràng, nó chuyển vào gan liên kết với phospho thành dạng hoạt động, rồi vào máu để phân bố đi khắp cơ thể. Trong máu, vitamin B1 gắn với protein huyết tương mà chủ yếu là albumin và hồng cầu. Các cơ quan dự trữ thiamin bao gồm cơ, tim, gan thận và não, trong đó cơ là nơi dự trữ chính. Trữ lượng vitamin B1 trong các mô là rất ít, vì thế hàm lượng B1 trong cơ thể phụ thuộc vào lượng đưa vào qua thức ăn. Vitamin B1 được dự trữ chủ yếu
dưới dạng thiamin pyrophosphat, khoảng 30mg và thời gian bán hủy trong khoảng 9 - 18 ngày. Cơ thể bài tiết vitamin B1 qua nước tiểu.
Trong chế biến thực phẩm:
Trong quá trình nhào bột và cho lên men do đưa thêm nấm men nên làm cho bột giàu các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, đồng thời sự tăng vitamin B1 cũng như các vitamin B2, PP ở bột mì lên men còn do sự tăg tổng hợp các loại vitamin đó. Khi đun nấu hoặc nướng bánh vitamin B1 bị phân huỷ do nhạy với nhiệt độ. Có thể là do phân tử mất hoạt tính ở nhiệt độ cao đồng thời cũng do khả năng tác dụng với các hợp chất cacbonyl (aldehit, xeton) tạo nên phản ứng Maillard, vì trong phân tử vitamin B1 có chứa nhóm NH2. Quá trình nướng bánh làm giảm 8-20% lượng vitamin B1 và sự biến đổi này ở phần vỏ bánh khác với phần ruột bánh. Sự biến đổi về hàm lượng vitamin B1 còn phụ thuộc vào dạng tồn tại của vitamin B1, dạng bột nhào, pH của bột nhào và thời gian cũng như nhiệt độ nướng bánh. Ở dạng Tiaminpirophosphat, vitamin B1 nhạy cảm hơn với nhiệt độ nên bị tổn thất nhiều hơn. Ngoài ra tính bền của vitamin B1 còn phụ thuộc vào độ ẩm của môi trường. Khi nướng bánh quy nếu cho thêm bột nở có tính kiềm sẽ làm giảm lượng vitamin B1 trong khi đó lại giải phóng phần lớn vitamin PP ở dạng hoạt động.
Trong bảo quản thực phẩm:
Trong quá trình bảo quản thóc gạo vitamin B1 dễ bị phân huỷ. Bảo quản sau 1 năm có thể làm mất tới 20% lượng vitamin B1 ban đầu. Tuỳ theo điều kiện bảo quản trong bao không thấm nước hoặc trong bao cói, hàm lượng vitamin B1 có thể mất đi với các mức dộ khác nhau. Sau 6 tháng nếu giữ trong bao bì không thấm nước, vẫn chưa có sự giảm sút đáng kể, trong khi đó bảo quản ở bao cói đã mất tới 40%. Có thể cả oxy và nhiệt độ đều tham gia vào sự phá huỷ vitamin B1 trong bảo quản. Tuy nhiên người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân của sự dễ oxy hoá đó là do vitamin B1 tập trung ở phần vỏ bên ngoài hoặc do tác dụng phân huỷ của enzym.
Vitamin B1 ở các sản phẩm khác như trứng, sữa, thịt cũng bị biến đổi nhiều trong quá trình bảo quản và chế biến, còn các loại quả nói chung chi chứa ít vitamin B1.