Ca trong thức ăn chỉ được hấp thu 20 - 30% trong đường ruột, chủ yếu do các ion Calci cùng với acid oxalic, acid thực vật, acid béo phân ly có trong thức ăn tạo thành muối Ca không hoà tan dẫn đến. Cặn ngưng tụ aldehyde trong xơ thức ăn cũng sẽ kết hợp với Ca và làm giảm hấp thu Ca trong thức ăn. Các acid béo phân ly do lipid phân giải trong đường ruột, nếu chưa kịp thời hấp thu, sẽ gặp Ca rất dễ trở thành xà phòng với Ca và thải ra theo phân, cũng làm giảm hấp thu Calci.
Trong cơ thể các yếu tố ảnh hưởng đến hấp thu calci gồm:
- Vitamin D: Vitamin D sẽ cùng với lipid trong ruột non hình thành nên các vi thể, qua hấp thu đi vào huyết tương, sau đó lại kết hợp được với α-globulin, được hydroxyl hoá trong gan, thận và thúc đẩy việc hấp thu và tận dụng Ca, P. Vtamin D cần thiết cho sự hấp thu Ca từ đường ruột. Tỷ lệ Ca/P trong khẩu phần ảnh hưởng đến sự hấp thu calci. Tỷ lệ 1:1 được coi là lý tưởng cho sự phát triển của bà mẹ mang thai và giai đoạn cho con bú. Mặt khác tỷ lệ 1:1,5 của Ca:P được sử dụng cho tuổi thanh thiếu niên.
- Lactose: Lactose sẽ cùng với Ca hình thành nên phức chất hoà tan với lượng phân tử thấp, do đó nâng cao được tỷ lệ sử dụng Ca.
- Protein: Các acid amin do protein phân giải cùng với Ca hình thành các loại muối hoà tan, thúc đẩy hấp thu Ca.
- Tình trạng cơ thể: Người lớn có thể hấp thu 20% Ca thức ăn, tỷ lệ hấp thu ở trẻ em đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển, ở phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú sẽ lên tới khoảng 50%. Đại bộ phận Ca được hấp thu vào cơ thể (khoảng 400mg) sẽ qua các tế bào ở biếu mô niêm mạc ruột và sự bài tiết của dịch tiêu hoá mà đi vào ruột, trong đó chỉ có một số bộ phận được tái hấp thu, phần còn lại (mỗi ngày khoảng 100 - 350mg) sẽ được thải ra qua nước tiểu. Nếu protein trong bữa ăn quá nhiều thì lượng Ca thải ra qua nước tiểu cũng tăng lên.