Ôxtrâylia là một nước liên bang bao gồm chính quyền liên bang, chính quyền bang và chính quyền địa phương.
Hệ thống thuế của Ôxtrâylia phát triển theo cách trao quyền đánh thuế ngày càng lớn cho chính quyền liên bang đối với các loại thuế quan trọng (như thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng). Các bang thu các loại thuế nhỏ hơn và thường là các loại thuế không hiệu quả. Chính quyền liên bang thu 76% tổng số thu thuế và chiếm 72% trong tổng thu ngân sách của cả quốc gia, chính quyền bang chiếm 24% và chính quyền địa phương chỉ chiếm 4%.
Chính quyền liên bang chịu trách nhiệm chi tiêu cho an ninh xã hội (chiếm 1/3 tổng số chi tiêu của liên bang), trả nợ, quốc phòng và các dịch vụ công của quốc gia. Các bang chịu trách nhiệm chi cho giáo dục, y tế và cảnh sát, trả nợ của bang, giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông và nhà cửa, các cơ sở văn hóa và giải trí của bang.
Chi tiêu của Bang chiếm 38% tổng chi tiêu của toàn quốc gia (vượt hơn nhiều so với khả năng thu của họ). Trong khi đó chính quyền liên bang chi khoảng 57% tổng chi ngân sách của cả quốc gia (thấp hơn khoản thu của cấp liên bang).
Thực trạng trên, dẫn đến sự mất cân đối dọc và ngang về tài chính ở Ôxtraylia. Để giải quyết sự mất cân đối này, Chính phủ Ôxtrâylia đã xây dựng một hệ thống chuyển giao tài chính nhằm tạo sự bình đẳng tài chính giữa các cấp ngân sách. Việc chuyển giao tài chính hay bổ sung ngân sách từ cấp trên cho cấp dưới ở Việt Nam cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của Ôxtrâylia là điều cần thiết.
Cơ chế chuyển giao tài chính luôn luôn là một vấn đề phức tạp. Tại Ôxtrâylia, việc chuyển giao được thực hiện trên nguyên tắc mỗi bang được trao cho năng lực để đưa ra một tiêu chuẩn trung bình các dịch vụ công cấp bang với giảđịnh rằng dịch vụ đó được thực hiện ở một mức độ hiệu quả hoạt động trung bình và có những nỗ lực ở mức độ trung bình để tạo nguồn thu từ những nguồn thu của riêng mình.
Nguyên tắc này bao gồm 3 khía cạnh:
- Một là, cơ chế này nhằm mục đích tạo ra được năng lực như nhau cho các bang trong việc cung cấp dịch vụ, chứ không phải là kết quả cung cấp như nhau.
- Hai là, sử dụng mức bình quân trên cả nước là mức bình quân tham chiếu, mà không đề cập mức dịch vụ và mức thuế cụ thể nào.
- Ba là, các bang được tự do quyết định loại dịch vụ nào họ cung cấp và cung cấp như thế nào. Do đó, sự lựa chọn chính sách của một bang không phản ảnh trực tiếp số lượng của bang đó.
Việc phân bổ các khoản trợ cấp cả gói được quyết định bởi chi phí cung cấp dịch vụ của mỗi bang, khả năng tạo ra nguồn thu, và khoản trợ cấp cho mục đích cụ thể tương đối so với mức trung bình của tất cả các bang.