một phần vốn lưu động được cấp từ ngân sách, phần vốn vay qua hệ thống tín dụng ngân hàng, phần vốn từ lợi nhuận và tái đầu tư, vốn vay thương mại trong nội bộ doanh nghiệp hoặc trên thị trường... Tuy vậy, do yêu cầu tăng qui mô, mở rộng phát triển sản xuất không ngừng, vốn của doanh nghiệp cần được tiếp tục huy động tổng hợp từ các nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đề nghị Nhà nước cho các doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh có hiệu quả trong cơ chế thị trường được phép phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước để tạo vốn. Bên cạnh đó, cần có chính sách bổ sung vốn lưu động cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, khi xét thấy các doanh nghiệp đó làm ăn có hiệu quả, có đóng góp nhiều cho ngân sách, có ý nghĩa quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng và phát triển kinh tế ngoại thành. (Trên thực tế, số doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả chiếm tỷ trọng còn thấp). Đồng thời hạn chế cấp tín dụng ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ nợ khó đòi cao, làm ăn kém hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp tăng vốn kinh doanh thông qua việc tự huy động vốn trên thị trường theo phương thức tự vay, tự trả, bằng uy tín và khả năng hoạt động của mình để tạo lòng tin với người cho vay vốn, chinh phục thị trường. Đây chính là lối thoát dài hạn, tiềm tàng nhưng có triển vọng, có hiệu quả nhất cho nền kinh tế - xã hội, làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính tiền tệ của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Mặc dù vậy, Nhà nước không thả nổi trong việc kiến tạo vốn của doanh nghiệp mà cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát của chính quyền các cấp để tránh đổ vỡ, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả kinh tế - xã hội. Vì vậy cần đẩy mạnh hoạt động kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh và tín dụng của thành phố, chuyển cơ chế huy động vốn doanh nghiệp như hiện nay sang cơ chế pháp trị thông qua hợp đồng trách nhiệm giữa nhà nước - doanh nghiệp, ghi rõ quyền lợi, trách nhiệm các bên để đảm bảo quyền lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân người lao động.