Kinh nghiệm của một số nước trong việc tạo vốn để phát triển nông nghiệp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vốn để phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội trong giai đoạn hiện nay pot (Trang 30 - 34)

1.2.4. Chính sách của Nhà nước ảnh hưởng đến việc huy động vốn

Chính sách của nhà nước là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình huy động vốn. Một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân sẽ đem lại hiệu quả cao trong huy động vốn, thúc đẩy nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng phát triển và ngược lại, chính sách sai lầm, một cơ chế gò bó, không phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không phù hợp với những qui ước và thông lệ quốc tế, trong điều kiện kinh tế mở hiện nay sẽ rất khó khăn huy động vốn, thậm chí không thể huy động được vốn.

Trên thực tế, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó đã khơi dậy được sức người, sức của ở nông thôn đầu tư phát triển sản xuất. Nhà nước chủ động dành nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho bản thân ngành nông nghiệp và các ngành trực tiếp phục vụ phát triển nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước còn tạo ra những cơ hội, biện pháp cụ thể (thông qua chính sách lãi suất, chính sách giá cả, chính sách đầu tư, chính sách ruộng đất...) nhằm đẩy mạnh việc huy động vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, nông nghiệp nước ta nhiều năm qua đã tăng trưởng và phát triển, đời sống nhân dân ổn định, tạo môi trường, điều kiện cho ổn định tình hình chính trị - xã hội.

1.3. Kinh nghiệm của một số nước trong việc tạo vốn để phát triển nông nghiệp nghiệp

Lý luận và thực tiễn của các nước chỉ ra rằng, vốn là chìa khóa để phát triển nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của mình, mỗi nước đều có cách thức khai thác, huy động riêng để có vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Dưới đây là một số cách thức cụ thể:

- Tạo vốn thông qua nguồn ngân sách nhà nước, ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản trong giai đoạn đầu tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã lấy nông nghiệp làm cơ sở để tích lũy vốn. Vì vậy, chiến lược của họ là tăng cường đầu tư vốn ngân sách nhà nước để phát triển nông nghiệp. Chẳng hạn, ở Đài Loan, từ 1951 - 1955, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp chiếm 14% GDP và 78,4% tổng số vốn đầu tư trong nông nghiệp. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp của Đài Loan tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian khá dài. Trung bình tăng 5,2%/năm (1952 - 1960) và 4,2%/năm (thập kỷ 60) [11, 47]. Sản xuất nông nghiệp phát triển, xuất khẩu nông sản tăng đã góp phần nâng cao mức sống của nhân dân. Bình quân thu nhập của nông dân tăng 4,5% trong thập kỷ 50 - 60. Việc tạo vốn để phát triển nông nghiệp thông qua chi ngân sách nhà nước ở Đài Loan đã thúc đẩy nông nghiệp của nước này phát triển. Và chính nó lại tạo nguồn để tích lũy vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy vậy, chiến lược phát triển nông nghiệp không được nước này theo đuổi đến cùng. Việc tạo vốn để phát triển đất nước thời gian sau đó của Đài Loan dựa hẳn vào vốn nước ngoài (Mỹ), đồng thời chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế hướng ra xuất khẩu. Các nguồn lực để phát triển nông nghiệp bị co hẹp, tăng trưởng nông nghiệp chững lại, nông dân phá sản, đời sống sa sút và đó chính là ngòi nổ cho sự bất ổn về chính trị - xã hội (Hàn Quốc cũng là nước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế kiểu Đài Loan). Do đó, công nghiệp hóa trên cơ sở hy sinh nông nghiệp là bài học đắt giá cho tất cả các nước nông nghiệp khi tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa.

- Tạo vốn thông qua giảm thuế sử dụng đất, giảm thuế doanh thu đối với hộ nông dân. Nhiều nước đã coi việc giảm những loại thuế trên như là một khoản đầu tư mới cho nông nghiệp. Đây là vấn đề tinh tế và nhạy cảm nhất đối với nông dân, góp phần tạo động lực giải phóng mọi tiềm năng trong dân cư.

ở Indonexia qui định mỗi năm thu 0,5% -1% thuế tính trên sản lượng thu hoạch. Đối với vùng quá xa, đất quá xấu sản lượng thu được chính phủ nước này không đánh thuế. ở Thái Lan, trước đây đánh thuế gạo, sắn. Nay, tất cả các mặt hàng do nông dân sản xuất ra đều được miễn thuế. Đặc biệt đối với mặt hàng gạo xuất khẩu, chính phủ Thái Lan miễn thuế để tăng cường sức mạnh cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường khu

vực và thế giới rất có hiệu quả. ở Trung Quốc, trong nhiều năm thuế nông nghiệp được tính bằng 5% sản lượng thu nhập bình quân/năm [13, 21].

- Tạo vốn thông qua nguồn tín dụng: Đây là nguồn vốn được nhiều nước quan tâm, huy động vào phát triển nông nghiệp.

ở Thái Lan, Nhà nước thành lập BAAC (Ngân hàng nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp) thuộc Bộ Tài chính. Bộ trưởng bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị BAAC. Chính phủ Thái Lan có biện pháp tạo vốn cho BAAC hoạt động bằng cách chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại trợ cấp cho BAAC, cho vay không lấy lãi (thực tế lãi suất là 1% - 3%/năm nhưng do ngân sách trả). Ngân hàng trung ương cũng bảo lãnh cho BAAC vay vốn nước ngoài, BAAC không phải ký quỹ bắt buộc (trong khi ngân hàng thương mại phải ký quỹ từ 5% - 7%). Đồng thời, pháp luật còn quy định các ngân hàng thương mại phải gửi 20% vốn hoạt động vào BAAC và hàng năm chính phủ Thái Lan có chỉ tiêu bắt buộc cho các ngân hàng thương mại phải cho vay đối với nông nghiệp, nếu ngân hàng thương mại không cho vay hết, số còn lại phải gửi vào BAAC [52, 53]. Vì vậy, BAAC đã có chương trình đặc biệt cho nông dân vay tín dụng với mức lãi suất ưu đãi, có chính sách cho vay tín dụng bằng hiện vật, vay vật tư theo giá rẻ, chất lượng tốt; thủ tục cho vay đơn giản (75% số tiền cho vay đến hộ không phải thế chấp mà chỉ có cam kết). Năm 1990, BAAC đã cho nông dân vay 1,3 tỷ USD với lãi suất thấp. ở Indonexia, Ngân hàng Rakyat (BRI) là cơ quan tín dụng cho nông dân vay vốn phát triển nông nghiệp với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, BRI còn cho vay để phát triển công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn [25, 114-115]. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đối với các nước khi cho vay tín dụng - cho vay để phát triển đồng bộ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp, nông thôn.

ở nhiều nước như Bangladesh, Nepan, Philippin, Indonexia, Thái Lan không chỉ chú ý cho vay tín dụng cho những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh giỏi trong nông nghiệp mà còn đặc biệt chú ý đến các hộ nông dân nghèo, thiếu vốn sản xuất. ở đây đã hình thành các tổ chức tín dụng cho người nghèo vay vốn với những ưu đãi về lãi suất, thủ tục vay thuận tiện, linh hoạt, mềm dẻo đã thu hút được nhiều đối tượng vay, như: tín dụng đầu tư nhỏ (KIK), tín dụng vốn luân chuyển nhỏ (KMKP), các hợp tác xã tín dụng

nông thôn v.v.. [25, 115]. Đặc biệt, Ngân hàng Gramen (Bangladesh) đã có nhiều kinh nghiệm quý báu khi cho nông dân tiếp cận nguồn tín dụng, như: tín dụng phải đến tay người nghèo; có điều kiện vay thích hợp; thủ tục đơn giản, hướng dẫn chu đáo; lập các nhóm những người nghèo có khả năng vay nợ; cho phép người vay nợ tự lựa chọn hình thức tín dụng trong chế độ cho vay của ngân hàng; vay nợ nhỏ và trả dần từng tuần; cho các thành viên trong mỗi nhóm vay lệch nhau về thời gian; có sự giám sát chặt chẽ; tiến hành công khai mọi giao dịch; quản lý tập trung, thống nhất nhưng không quan liêu, kiên trì mục tiêu nhất quán cấp tín dụng cho người nghèo... [54, 14-19].

Hiện nay, vấn đề tín dụng nông nghiệp, nông thôn ở các nước đang phát triển còn có những ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau, như: tín dụng ưu đãi chỉ đến được với hộ khá - giàu; tín dụng ưu đãi nảy sinh tiêu cực, đe dọa chính bản thân sự tồn tại của các thể chế tài chính hoạt động dựa vào nguồn tín dụng này v.v... [20, 15]. Song, những gì tín dụng nông thôn làm được đã, đang từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở các nước đang phát triển. Vì vậy cần thận trọng trong mỗi quyết định khi mở rộng hay thu hẹp loại hình tín dụng nông thôn.

Chương 2

Thực trạng huy động vốn

để phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vốn để phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội trong giai đoạn hiện nay pot (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)