- Đất đai dùng vào sản xuất nông nghiệp cũng có ảnh hưởng lớn đến quá trình huy động vốn. Trong điều kiện đất xấu, cần lượng vốn đầu tư lớn hơn đất tốt và ngược lại. Đặc biệt là đối với ngoại thành Hà Nội và các vùng ven đô khác, do quá trình đô thị hóa, diện tích đất canh tác nông nghiệp bị thu hẹp, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp cần phải đầu tư phát triển theo chiều sâu, lượng vốn đầu tư phải lớn. Đây cũng là yếu tố khách quan ảnh hưởng tới vấn đề huy động vốn
1.2.3. Khả năng cung ứng của các nguồn vốn ảnh hưởng trực tiếp đến huy động vốn động vốn
Như trên đã phân tích, nhu cầu vốn càng lớn càng phải tăng cường huy động tổng lực các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Song, nhu cầu vốn được xây dựng theo kế hoạch của dự án, mang tính chất chủ quan của con người. Trái lại, khả năng cung ứng vốn của các nguồn trong thực tế lại có tính khách quan, quyết định qui mô, tốc độ tăng trưởng của vốn. Trong trường hợp nhu cầu vốn lớn nhưng khả năng cung ứng từ các nguồn hạn hẹp sẽ không đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Trong trường hợp ngược lại, vốn sẽ bị "ứ đọng" tương đối trong quá trình huy động.
Khả năng cung ứng của các nguồn vốn trong nước đều phụ thuộc vào tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiềm năng của quốc gia mạnh, khả năng khai thác vốn sẽ lớn. Tuy nhiên, trong cùng một thời điểm không thể đưa toàn bộ vốn (tiềm năng) vào sản xuất - kinh doanh hoặc chi dùng mà phải có kế hoạch huy động phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước trong mỗi thời kỳ, đảm bảo độ bền vững của tiềm năng (có giới hạn) của quốc gia.
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng huy động vốn. Khi nền kinh tế - xã hội ở trình độ tiên tiến sẽ duy trì mức độ tăng trưởng cao và ổn định, tích lũy nội bộ cao, huy động vốn đầu tư phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng sẽ lớn. Hơn nữa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao sẽ có một hệ thống tài chính phát triển tương ứng, càng có điều kiện thu hút tối đa nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư phát triển. Trong trường hợp tiềm năng đất nước hạn hẹp, trình độ
phát triển kinh tế - xã hội thấp, khả năng tích lũy nội bộ không cao, hệ thống tài chính không phát triển, sẽ rất khó khăn cho việc huy động vốn.
Tuy nhiên, khả năng cung ứng vốn của từng nguồn lại phụ thuộc vào những đặc điểm riêng của chúng. Cụ thể là:
- Đối với nguồn vốn ngân sách: qui mô, tốc độ tăng giảm của chúng phụ thuộc lớn vào việc thu - chi ngân sách nhà nước. Đến lượt mình, ngân sách nhà nước lại phụ thuộc vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, ở chính sách thu và chính sách chi của nhà nước.
- Đối với nguồn vốn của doanh nghiệp: khả năng cung ứng của nguồn này phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, ở chính sách thu của nhà nước, chính sách phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp. ở công ty cổ phần, chính sách phân phối lợi nhuận của công ty thể hiện ở lợi tức cổ phần của công ty do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Đối với doanh nghiệp nhà nước, chính sách phân phối lợi nhuận do nhà nước qui định.
Hiện nay ở nước ta, chính sách trực tiếp có liên quan đến phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước là Nghị định 56/CP (đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích); Nghị định 59/CP (đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh) và Nghị định 27/CP về sửa đổi bổ sung Nghị định 59/CP.
- Đối với nguồn tín dụng: khả năng cung ứng vốn phụ thuộc vào chính sách lãi suất, chính sách thuế, cơ chế huy động, cho vay và xử lý rủi ro của nhà nước.
- Đối với nguồn vốn của dân cư: khả năng cung ứng phụ thuộc vào thu nhập của dân cư, tập quán và xu hướng tiêu dùng, chính sách động viên của nhà nước. Trong trường hợp thu nhập của dân cư cao (tính trên GDP), đời sống của họ ổn định và không ngừng tăng lên sẽ tăng tỷ lệ tích lũy vốn. Phần tích lũy đó có thể đem đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh hoặc cho Chính phủ vay thông qua việc mua tín phiếu, trái phiếu của chính phủ qua kho bạc của nhà nước, gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng v.v.. trong trường hợp thu nhập của dân cư thấp, việc huy động vốn cho đầu tư phát triển sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, xu hướng và tập quán tiêu dùng của các tầng lớp dân cư ở mỗi vùng có sự khác nhau cũng ảnh hưởng đến việc huy động vốn. ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu,
vùng xa trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, việc tiếp xúc với kinh tế hàng hóa chậm... tích lũy vốn của họ thấp, có chăng thể hiện ở phần tài sản (nhà cửa, ruộng vườn...), vàng bạc... việc huy động vốn gặp khó khăn. Trái lại, ở vùng đồng bằng, đô thị, khu công nghiệp lớn sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn.